Hỗ trợ pháp lý: Kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp
BẮC GIANG - Với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tỉnh Bắc Giang đã triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ hoạt động sản xuất kinh doanh. Hỗ trợ pháp lý (HTPL) được xem là một trong các giải pháp quan trọng góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp DN hoạt động lành mạnh, hiệu quả.
Nhu cầu tư vấn pháp lý lớn
Bắc Giang hiện có 17.173 DN đang hoạt động trong các lĩnh vực, trong đó đa số là DN vừa và nhỏ. Mỗi năm, trên địa bàn có khoảng 1.400 DN mới thành lập. Theo một số chuyên gia của Bộ Tư pháp, các DN vừa và nhỏ còn hạn chế về nguồn lực, thường chú trọng vào sản xuất, kinh doanh và chưa có giải pháp phòng ngừa rủi ro pháp lý.
Đại diện Công ty TNHH Thạch Bàn trao đổi khó khăn với lãnh đạo Sở Tư pháp. |
Trong bối cảnh hệ thống văn bản pháp luật liên tục thay đổi, điều chỉnh, bổ sung, hoạt động HTPL cho DN rất cần thiết, qua đó giúp họ hiểu đúng, đủ và tuân thủ pháp luật kinh doanh. Để tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận các thông tin pháp luật, ngành Tư pháp tỉnh luôn quan tâm thực hiện hoạt động hỗ trợ với nội dung đa dạng.
Bà Nguyễn Thị Tươi, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thạch Bàn cho biết, trước đây, Công ty sản xuất và hoạt động ở xã Nham Sơn (nay là thị trấn Nham Biền, huyện Yên Dũng), sau này chuyển sang Cụm công nghiệp Nham Sơn - Yên Lư. Khi đó DN gặp một số vướng mắc liên quan đến pháp lý về thủ tục hành chính và đã được Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ kịp thời, không để ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh của DN.
Trước đó, tháng 9/2024, luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh đã trực tiếp hỗ trợ gần 200 chủ DN, chuyên viên pháp chế, nhân sự của các DN cách thức thiết lập thỏa thuận, ký kết hợp đồng và giải quyết tranh chấp lao động. Qua đó giúp nhiều chuyên viên pháp chế của các DN có thêm kiến thức pháp luật cần thiết phục vụ công việc nhằm hạn chế các tranh chấp xảy ra.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Giám đốc Quản lý vận hành, Công ty TNHH Fugiang (KCN Vân Trung) cho hay: “Tôi đã tham gia một số chương trình tọa đàm, hội nghị HTPL do Sở Tư pháp tổ chức. Ở đó, các nội dung pháp lý còn vướng mắc được báo cáo viên (có thể là luật sư, cán bộ, lãnh đạo Sở Tư pháp…) trực tiếp giải đáp. Đối với các DN vừa và nhỏ, các nội dung HTPL thực sự hữu ích bởi lẽ không phải DN nào cũng có chuyên viên pháp chế”.
Giải pháp cụ thể, thiết thực
Nhằm cụ thể hóa Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác HTPL cho DN giai đoạn 2021-2030” của tỉnh, tháng 8/2023, Sở Tư pháp đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện. Theo đó, Sở Tư pháp chịu trách nhiệm thẩm định, hoàn thiện theo đề nghị 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã được thông qua sau phiên họp UBND tỉnh; tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch kiểm tra, rà soát văn bản và công tác pháp chế. Thường xuyên cập nhật văn bản QPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin pháp luật tỉnh. Đăng tải đầy đủ, kịp thời đề cương tuyên truyền văn bản pháp luật…
Ông Kiều Văn Hưng, Trưởng Phòng Văn bản, phổ biến và theo dõi thi hành pháp luật (Sở Tư pháp) thông tin, việc HTPL cho DN được ngành Tư pháp đặc biệt quan tâm thực hiện với nhiều nội dung cụ thể. Hằng năm, Sở thực hiện các hoạt động, chương trình HTPL cho DN vừa và nhỏ với nhiều nội dung như: Cung cấp thông tin pháp lý, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, tư vấn pháp luật, rà soát văn bản QPPL… cho các DN. Phối hợp quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý gồm: Bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến DN (công khai). Nhất là các văn bản trả lời đối với vướng mắc pháp lý của DN vừa và nhỏ.
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn, thực hiện nhiều hoạt động trên tinh thần nắm bắt nhu cầu, khó khăn của DN để kịp thời hỗ trợ. Nhờ đó, công tác HTPL cho DN tạo được sự chuyển biến, khắc phục cơ bản tình trạng gặp khó khăn trong việc tiếp cận các thông tin pháp luật; hạn chế rủi ro về mặt pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
Thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai có hiệu quả các nội dung nhằm HTPL cho DN vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trong đó, chú trọng thực hiện nâng cao vai trò, chất lượng, đổi mới hoạt động của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh. Tập trung tuyên truyền quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao nhận thức của DN về kiến thức pháp luật để chủ động bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Là cơ quan đầu mối thực hiện chỉ số “Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự”, Sở tiếp tục phối hợp với các cơ quan tổ chức hội nghị HTPL, đối thoại với DN về quy định pháp luật nhằm trao đổi, giải đáp khó khăn, vướng mắc. Đồng thời biên soạn, in ấn và cấp phát miễn phí hàng nghìn cuốn tài liệu pháp luật liên quan. Định hướng công tác phổ biến giáo dục pháp luật tới các ngành thành viên, huyện, thị xã, TP, trong đó nội dung tuyên truyền pháp luật liên quan đến DN.
Ông Dương Thanh Sơn, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và hỗ trợ DN tỉnh chia sẻ: “Để tăng hiệu quả HTPL cho DN, Sở Tư pháp và các sở, ngành liên quan cần tiếp tục đổi mới, cải tiến hình thức, phương thức phối hợp trong việc cung cấp thông tin pháp lý. Ngoài các hội nghị đối thoại, tọa đàm, các cơ quan có thể tiếp nhận, xử lý vướng mắc của DN qua trang Zalo OA, Facebook...”.
Ý kiến bạn đọc (0)