Củng cố, nâng chất lượng y tế trường học
BẮC GIANG - Cùng với nhiệm vụ dạy và học, thời gian qua, ngành giáo dục Bắc Giang chú trọng công tác chăm sóc sức khỏe học đường (SKHĐ), bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ.
Chăm lo sức khỏe học sinh
Toàn tỉnh hiện có 580/752 trường học, cơ sở giáo dục có nhân viên y tế, phòng y tế đáp ứng yêu cầu sơ cấp cứu, thiết lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tổ chức khám sức khỏe ban đầu cho học sinh. Công tác truyền thông nâng cao thể chất, phòng, chống bệnh tật trong trường học đã góp phần từng bước giảm tỷ lệ mắc tật khúc xạ, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, giun sán cùng các nguy cơ về SKHĐ.
Nhân viên y tế học đường Trường THCS thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) tư vấn sức khỏe cho học sinh. |
Với việc chú trọng triển khai chương trình SKHĐ gắn với các phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Dạy tốt - Học tốt”, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (TP Bắc Giang) luôn quan tâm, thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh. Phòng y tế của nhà trường có đầy đủ các trang thiết bị như: Tủ thuốc, tài liệu tuyên truyền, dụng cụ y tế, giường bệnh. Trường có 1 nhân viên y tế chuyên trách theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho học sinh, giáo viên.
Cô giáo Nguyễn Thị Tân, Hiệu trưởng cho biết: “Nhà trường yêu cầu nhân viên y tế phối hợp với giáo viên kiểm soát chặt chẽ các bệnh truyền nhiễm, bảo đảm an toàn cho học sinh. Những năm học gần đây, trường không xảy ra tình trạng học sinh mắc một số bệnh lây nhiễm như: Đau mắt đỏ, quai bị, sởi, thủy đậu. Đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng bữa ăn bán trú, đổi mới môn học giáo dục thể chất với các buổi luyện tập, vận động phù hợp với lứa tuổi; phối hợp với gia đình chăm sóc thể lực cho các em, hạn chế tình trạng học sinh thừa cân, béo phì, suy sinh dưỡng thể thấp còi”.
Ở Trường THCS thị trấn An Châu (Sơn Động), phòng y tế được bố trí thoáng mát, sạch sẽ, có đầy đủ thiết bị y tế cơ bản, tạo điều kiện thuận lợi cho việc chăm sóc sức khỏe học sinh. Hằng ngày, chị Phạm Thị Huyền, nhân viên y tế luôn có mặt trong thời gian học sinh học tập tại trường. Công việc của chị là tiếp nhận, xử lý các vấn đề về sức khỏe của học sinh như: Đau bụng, cảm sốt, tụt huyết áp, các chấn thương nhẹ, ngoài da do va chạm, ngã xe.
"Năm học 2024-2025, toàn trường có khoảng 900 học sinh. Ngay đầu năm học, tôi đã tham mưu với Ban Giám hiệu xây dựng lộ trình chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho học sinh. Theo đó, 100% học sinh được khám sức khỏe định kỳ, có hồ sơ theo dõi sức khỏe. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tư vấn về thị lực, các bệnh về khúc xạ học đường, hướng dẫn học sinh phòng tránh các bệnh thường gặp”, chị Huyền nói.
Trường học tập trung đông người, là môi trường dễ lây lan nhanh các bệnh truyền nhiễm giữa học sinh với học sinh, tới các thành viên gia đình và cộng đồng. Theo ông Vương Kỳ Hùng, Trưởng khoa Sức khỏe Môi trường - Y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, qua kiểm tra, các nhà trường đều xây dựng kế hoạch về công tác y tế; tổ chức truyền thông giáo dục sức khỏe tới học sinh. Khi có em mắc bệnh truyền nhiễm, nhà trường kịp thời cho học sinh tạm nghỉ học ở nhà để phòng ngừa lây nhiễm sang các bạn. Trong các buổi ngoại khóa, nhiều trường học đổi mới hình thức truyền thông, chú trọng nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng, chống dịch bệnh cho từng giáo viên, học sinh.
Nhiều trường học thiếu nhân viên y tế
Công tác y tế trường học là bộ phận không thể thiếu đối với mỗi học sinh, giáo viên. Tuy vậy, toàn tỉnh hiện vẫn còn 172/752 trường học chưa có nhân viên y tế chuyên trách. Các trường này ký hợp đồng với nhân viên các trạm y tế xã, phường, thị trấn để thực hiện nhiệm vụ y tế trường học hoặc do giáo viên, nhân viên làm công tác kiêm nhiệm. Do đó, công tác chăm sóc SKHĐ gặp khó khăn.
Trường Tiểu học Đông Hưng (Lục Nam), hiện có hơn 1 nghìn học sinh; trong đó có 1 điểm trường chính và 2 điểm lẻ. Hơn 2 năm nay, trường không có nhân viên y tế chuyên trách. Mọi công tác quản lý, theo dõi sổ sức khỏe học sinh đều do nhân viên văn thư kiêm nhiệm. Theo thầy giáo Nguyễn Văn Bình, Hiệu trưởng nhà trường, ngoài việc phối hợp với trạm y tế xã kiểm tra sức khỏe cho các em định kỳ 1 năm 2 lần, nhà trường còn đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe thông qua các buổi chào cờ hằng tuần, chương trình ngoại khóa, trao đổi với giáo viên chủ nhiệm. Tuy nhiên, không có nhân viên y tế học đường (YTHĐ) nên công tác sơ cấp cứu ban đầu, triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh có những hạn chế nhất định.
Nhân viên y tế học đường thực hiện nhiệm vụ trực tại trường để kịp thời xử lý tình huống học sinh xảy ra tai nạn, thương tích. Đối với trường học có tổ chức bán trú, nhân viên y tế phải đến sớm để tiếp nhận, kiểm tra thực phẩm, lưu mẫu. |
Theo quy định, nhân viên YTHĐ thực hiện nhiệm vụ trực tại trường, kịp thời xử lý tình huống khi các em học sinh xảy ra tai nạn, thương tích. Đối với trường học có tổ chức bán trú, nhân viên y tế phải đến sớm để tiếp nhận, kiểm tra thực phẩm, lưu mẫu... Cùng đó là theo dõi sức khỏe, biểu đồ tăng trưởng của học sinh để xây dựng, thay đổi phương án bảo đảm dinh dưỡng phù hợp; giám sát vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, bệnh học đường; tư vấn cho học sinh, giáo viên, cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh về các vấn đề liên quan đến bệnh tật, phát triển thể chất và tinh thần của học sinh. Điều này đòi hỏi nhân viên YTHĐ phải có chuyên môn. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều nhân viên y tế tại trường là các cán bộ kiêm nhiệm nên gặp khó khăn trong triển khai nhiệm vụ, tham mưu cho lãnh đạo nhà trường trong công tác chăm sóc sức khỏe học sinh.
Nhằm củng cố, nâng cao năng lực hệ thống y tế trường học, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, bảo đảm tốt các điều kiện chăm sóc sức khỏe học sinh, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình y tế trường học trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2022-2025. Mục tiêu đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục có nhân viên phụ trách công tác YTHĐ hoặc ký hợp đồng cung ứng dịch vụ với cơ sở y tế địa phương.
Cùng đó, ngành giáo dục phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng cho nhân viên YTHĐ. Tuy nhiên, về lâu dài, vấn đề chuyên môn trong YTHĐ cần được quan tâm; bổ sung biên chế, cải thiện chế độ đãi ngộ để thu hút và giữ chân lực lượng làm công tác này. Các trường học cần được đầu tư đầy đủ dụng cụ, thiết bị và thuốc bảo đảm điều kiện chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Đồng thời nâng cao nhận thức xã hội về vai trò quan trọng của y tế trường học, thúc đẩy sự tham gia của phụ huynh và cộng đồng trong việc hỗ trợ các hoạt động chăm sóc sức khỏe học sinh.
Ý kiến bạn đọc (0)