Bóng đổ dưới hàng tre
BẮC GIANG - Trăng treo lơ lửng giữa bầu trời, tỏa ánh sáng nhợt nhạt xuống mặt ao làng, nơi bóng những hàng tre già in lên mặt nước, lay động theo làn gió thoảng. Ông Đồng đứng trầm ngâm bên ao, đôi mắt trũng sâu nhìn xa xăm. Tiếng rì rào của lũ vịt dưới chân như tiếng vọng từ một quá khứ mơ hồ.
Ông đưa chén rượu lên môi, cố nuốt trôi thứ chất cay nồng để tạm xoa dịu nỗi đau đang gặm nhấm lòng mình. Cổ họng ông đau rát, nhưng nỗi đau bên trong còn lớn hơn. Chỉ vài tiếng nữa, phiên tòa xét xử thằng Sơn sẽ bắt đầu. Và có lẽ, đêm nay sẽ là đêm dài nhất trong cuộc đời ông.
Những ký ức vụn vỡ ùa về trong tâm trí ông như một thước phim.
Minh hoạ: Văn Tĩnh. |
Năm ấy, quê nhà đã vào những ngày cuối xuân, nắng vàng rực rỡ phủ khắp những cánh đồng trải dài đến tận chân trời. Đồng, khi ấy còn là một chàng trai khỏe mạnh, vạm vỡ, vừa trở về làng sau khi rời quân ngũ. Làng quê Kinh Bắc chìm trong tiếng quan họ ngân nga, rộn rã. Niềm vui nhân lên gấp bội khi anh cưới Xuân, người con gái mà anh thầm thương trước khi xa nhà.
Ngôi nhà nhỏ bên cái ao làng trở thành tổ ấm của đôi vợ chồng trẻ. Cái ao rộng, có hàng tre râm mát, nơi người dân dừng chân nghỉ ngơi sau buổi làm đồng. Thỉnh thoảng, vào những dịp hội làng, ao lại trở thành sân khấu cho những buổi hát quan họ trên thuyền. Cũng dưới bóng tre ấy, không ít cặp đôi nên duyên chồng vợ.
Ban ngày, vợ chồng anh miệt mài làm việc công của hợp tác xã, ban đêm họ tranh thủ đóng gạch, nung ngói với ước mơ có được ngôi nhà tầng khang trang. Hai đứa con lần lượt ra đời: Sơn và Hà. Mỗi khi nhìn hai con, mọi mệt mỏi dường như tan biến, và họ càng khao khát có được một tổ ấm rộng rãi hơn cho gia đình nhỏ.
Nhưng niềm vui không kéo dài lâu. Đồng nhận ra sự thay đổi ở nơi mà trước đây từng là chốn bình yên của mình. Anh trai Đồng - Chung, giờ đã là một người thành đạt, sở hữu ngôi nhà lớn nhất làng. Ngày anh Chung mời họ hàng, bạn bè khắp nơi đến ăn mừng nhà mới, nhưng vợ chồng Đồng không được mời. Tất cả vì một trận cãi vã vặt vãnh giữa Đồng và chị dâu. Bị gạt khỏi niềm vui chung, Đồng dắt tay vợ con rời làng, tìm một nơi yên tĩnh để tránh ánh nhìn soi xét của họ hàng.
Xuân ngồi nhóm lửa, nhìn chồng trầm ngâm bên bát cơm nguội. Đồng khẽ nhíu mày, đôi bàn tay chai sần mân mê tách trà nóng.
“Mình nghĩ gì thế?” - Xuân khẽ hỏi, nhìn chồng bằng ánh mắt lo lắng.
Đồng im lặng hồi lâu. Rồi anh nói, giọng khàn đặc: “Tôi nghĩ về ngôi nhà.”
“Ngôi nhà?” - Xuân thoáng ngạc nhiên. “Ta đã dư dật gì đâu, còn nuôi con cái ăn học nữa mà?”
Đồng lắc đầu, ánh mắt lấp lánh sự quyết tâm. “Tôi muốn xây một ngôi nhà mới. To hơn, đẹp hơn. Tôi muốn chứng tỏ với làng quê này ta chẳng hề thua kém ai cả.”
Xuân thở dài, ánh mắt trĩu nặng. “Cuộc sống này đã đủ vất vả rồi mình à. Đừng cố mang thêm gánh nặng nữa, ta vẫn còn nhiều thứ phải lo”.
Đồng không nói gì thêm, nhưng trong lòng thì đã quyết. Nỗi ám ảnh thường trực trong tâm trí về việc bị so sánh đã đeo bám Đồng từ khi anh trai xây nhà mới. Anh không thể chấp nhận để bản thân bị coi thường, dù chỉ là trong suy nghĩ của chính mình.
Sáng mai phiên tòa lưu động xét xử thằng Sơn sẽ mở ngay đầu làng. Màn đêm như dài vô tận. Đồng uống rượu nhiều hơn. Bóng tre già ngoài ao vẫn in lên mặt nước, lặng lẽ. Ông thấy mình như cái bóng ấy, già nua, kiệt quệ, bất lực. Không còn gì để bấu víu. Lòng ông quặn thắt, xót xa, là người đã từng vào sinh ra tử, mà giờ lại để mọi thứ đổ vỡ trong tay mình… |
Tháng sau, ngôi nhà mới của Đồng bắt đầu xây. Tiền vay mượn khắp nơi, gánh nặng ngày càng lớn. Những đêm dài mất ngủ khiến sức khỏe anh ngày một giảm sút nhưng anh vẫn cắn răng chịu đựng. Anh không thể từ bỏ giấc mơ của mình. Nhưng rồi, như một trò đùa nghiệt ngã của số phận, kinh tế suy thoái, giá vật liệu xây dựng tăng vọt, vợ chồng anh không còn khả năng chi trả. Ngôi nhà dừng lại ở tầng ba, trơ trọi bên sườn ao như một chứng tích chưa hoàn thành.
Không còn lựa chọn, Đồng đành chuyển sang chăn vịt chạy đồng để kiếm sống. Cánh đồng chiêm trũng quê Kinh Bắc mênh mông, rộng lớn, bao la nhưng lại cô quạnh đến thê lương. Vụ chiêm cánh đồng là một vựa lúa khổng lồ nhưng sau mùa mưa là một biển nước sóng đánh ì oạp, lác đác người chài lưới.
Đồng dựng một cái lều nhỏ, đủ để tránh mưa tránh nắng. Thằng Sơn mới học lớp 8 đành bỏ dở, theo bố ra đồng chăn vịt. Ngày ngày hai bố con lùa vịt từ cánh đồng này sang cánh đồng khác, khắp trong làng ngoài xã. Chưa đầy năm nhưng kinh nghiệm nuôi vịt đã tốt hơn, vịt đẻ nhiều, tiền bán trứng cũng khá, bố con Đồng thấy ham với công việc dù ngày đêm chỉ làm bạn với đàn vịt, trong cái lều nhỏ chơi vơi, với trăng, sao.
Tia sáng cuối đường hầm với Đồng lại vụt tắt khi dịch cúm gia cầm ập đến. Đàn vịt mà bố con anh nuôi bấy lâu bị chính quyền tiêu hủy. Nhìn chúng bị bắt đi, từng con một mà lòng Đồng như bị xé toạc. Cả gia tài của gia đình anh bỗng chốc tan thành mây khói.
“Bố, hay ta bỏ nghề chăn vịt đi… Cực khổ lắm mà chẳng ăn thua gì”. Một lần, thằng Sơn nói. Nó nhìn bố, ánh mắt đầy chán chường, mệt mỏi.
Đồng không trả lời. Ánh mắt xa xăm, lòng nặng trĩu. Đồng biết con trai mình đã quá mệt mỏi với cuộc sống này. Anh cũng vậy. Nhưng chẳng còn con đường nào khác để đi. Gánh nặng nợ nần, gia đình, cuộc sống, tất cả đều đè nặng lên vai anh.
Thời gian trôi qua, Đồng chìm trong men rượu mỗi ngày. Rượu trở thành người bạn đồng hành. Những cơn say dần dần hủy hoại sức khỏe, khiến anh suy sụp cả về thể xác lẫn tinh thần. Căn bệnh ung thư vòm họng cũng bắt đầu từ đó. Anh chẳng hề bận tâm, chỉ thấy nhẹ nhõm khi men rượu cay nồng làm tê liệt nỗi đau đang gặm nhấm trong lòng.
Một buổi chiều tháng Chạp, khi gió mùa thổi qua những hàng tre, Đồng ngồi lặng lẽ bên lều vịt, ánh mắt đăm chiêu nhìn về phía chân trời. Từ xa, thằng Sơn bước lại gần, đôi mắt hoe hoe đỏ như vừa khóc.
“Bố ơi... con chẳng thể sống như này được nữa,” nó nghẹn ngào. “Con không muốn chăn vịt nữa… Con muốn kiếm tiền, muốn thoát khỏi cái nghèo này”.
Đồng khẽ nhíu mày, ánh mắt tối sầm lại. “Mày định làm gì? Mày định bỏ bố mày mà đi à?”
Thằng Sơn cúi đầu, không trả lời. Nó lầm lũi bước đi, để lại Đồng ngồi yên lặng giữa cái lạnh thấu xương của buổi chiều đông.
Ngày hôm sau, dân làng phát hiện xác một thanh niên nổi trên con kênh giữa đồng. Đó là bạn thân của Sơn. Thằng Sơn đã giết bạn mình để cướp xe máy. Tin như sét đánh ngang tai Đồng. Anh gục xuống, đôi tay run rẩy không còn sức lực.
*****
Sáng mai phiên tòa lưu động xét xử thằng Sơn sẽ mở ngay đầu làng. Màn đêm như dài vô tận. Đồng uống rượu nhiều hơn. Bóng tre già ngoài ao vẫn in lên mặt nước, lặng lẽ. Ông thấy mình như cái bóng ấy, già nua, kiệt quệ, bất lực. Không còn gì để bấu víu. Lòng ông quặn thắt, xót xa, là người đã từng vào sinh ra tử, mà giờ lại để mọi thứ đổ vỡ trong tay mình…
“Trời ơi, sao lại ra nông nỗi này hả mình?”, bà Xuân gào lên đầy tuyệt vọng, đôi mắt sưng đỏ. Đồng im lặng. Phải chăng chính những áp lực, những gánh nặng mà ông đè lên vai con trai mình đã đẩy nó vào bước đường cùng?
“Mình ơi, đi với em xin tòa cho nó cơ hội được sống!”, bà Xuân van nài, giọng nghẹn ngào. Đồng chỉ lắc đầu, câm lặng như một tượng đá. Chẳng còn gì để hy vọng, ông đã mất tất cả.
Bà Xuân cố tìm đến tòa từ sớm, hy vọng được nhìn thấy con. Nghe tòa tuyên án tử hình, bà sụp xuống, ngã khụy. Lúc bà Xuân ở tòa, ông Đồng đã treo cổ tự vẫn trong căn nhà xây dở. Tiếng xe cứu thương làm trái tim bà vụn vỡ thành từng mảnh…
Khi bà tỉnh dậy, ông Đồng đã đi mãi mãi. Nhòe nhoẹt nước mắt, Hà đưa cho mẹ một mẩu giấy nhàu nhĩ: “Tôi có lỗi với mình và các con. Mình hãy giữ gìn sức khỏe. Bố chúc con gái đạt ước mơ trở thành cô giáo”. Hà nghẹn ngào: "Mẹ… mẹ đừng khóc nữa… Con sẽ sống thay phần bố và anh Sơn… Con sẽ chăm sóc mẹ và trở thành một cô giáo như bố đã dặn".
Ánh nắng chiều buông xuống, chiếu qua hàng tre già bên bờ ao. Những bóng đổ dài lặng lẽ, như đời người, mong manh, thoảng qua. Trong tiếng gió xào xạc, bà Xuân lặng lẽ quay về ngôi nhà nhỏ, nơi từng chứa đựng bao ước mơ và hy vọng của một gia đình. Nhưng giờ đây, tất cả chỉ còn là những ký ức đau buồn. Hà bước theo mẹ, trong lòng ngổn ngang những suy tư về tương lai… Nhưng cô thầm hứa sẽ săn sóc mẹ thật chu đáo và xây dựng lại một mái ấm mới để không phụ lòng người cha quá cố.
Ý kiến bạn đọc (0)