Trang bị kiến thức sức khỏe sinh sản: "Lá chắn" bảo vệ trẻ em
BẮC GIANG - Giáo dục giới tính, trang bị kiến thức sức khỏe sinh sản (SKSS) sớm, khoa học và đúng đắn là việc làm cần thiết để trẻ em biết cách bảo vệ bản thân, hiểu rõ về các mối quan hệ khác giới, tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra.
Những câu chuyện buồn
Giới trẻ, đặc biệt trẻ vị thành niên là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tình trạng quan hệ tình dục sớm, tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và nguy cơ lây nhiễm các bệnh tình dục ở lứa tuổi này có xu hướng tăng. Theo thống kê của Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 300-400 nghìn ca phá thai ở độ tuổi 15-19, trong đó 60-70% là học sinh, sinh viên. Còn theo thông tin của Tổng cục Dân số, mặc dù tỷ lệ phá thai ở Việt Nam trong 10 năm trở lại đây giảm song tỷ lệ nạo phá thai ở trẻ vị thành niên, thanh niên lại có dấu hiệu tăng, chiếm hơn 20% các trường hợp phá thai.
Tuyên truyền kiến thức về SKSS cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lục Ngạn. |
Có những trường hợp trẻ vị thành niên sinh con khi mới học THCS. Đơn cử như vụ việc em Đ.T.N.L (12 tuổi) ở Hà Nội bị xâm hại nhiều lần dẫn đến có thai. Khi gia đình đưa đi khám thì L đã mang thai ở tháng thứ 6. Sau khi sinh, em tạm thời phải nghỉ học để tránh ảnh hưởng tới tâm lý. Tại Bắc Giang, một học sinh lớp 7 ở Sơn Động có quan hệ tình cảm với thanh niên cùng huyện. Chuyện em có thai cả gia đình và nhà trường đều không phát hiện ra. Hằng ngày, em vẫn tới trường, tham gia đầy đủ các môn học, kể cả môn thể dục. Trong lúc ở nhà, học sinh này bất ngờ đau bụng dữ dội. Sau khi vào phòng tắm, em hạ sinh một bé trai, khi ấy gia đình mới biết sự việc.
Những câu chuyện buồn, khó tin này vẫn tồn tại trong cuộc sống hiện đại. Nguyên nhân chính là do các em thiếu kiến thức về chăm sóc SKSS; kỹ năng ứng xử với tình bạn khác giới, tự bảo vệ bản thân còn hạn chế dẫn tới có thai ngoài ý muốn. Theo bà Nguyễn Thị Hằng, Trưởng Phòng Dân số và Truyền thông, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, khi có thai và sinh con ở tuổi vị thành niên, các em phải bỏ dở việc học hành. Chưa kể khi phá thai dễ gây những biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe. Sự phát triển cơ thể chưa hoàn chỉnh cùng với tâm lý không ổn định, thiếu kiến thức nuôi con, phụ thuộc kinh tế dễ dẫn tới bệnh trầm cảm trước và sau sinh…
Chung tay phối hợp hành động
Nhận thức rõ vai trò của giáo dục giới tính đối với trẻ vị thành niên, thời gian qua, việc nâng cao kiến thức về SKSS được các cấp, ngành và các trường quan tâm. Các hoạt động được triển khai trong những tiết của môn Sinh học, Giáo dục công dân hoặc lồng ghép trong chương trình ngoại khóa thông qua nhiều hoạt động như: Trò chơi “Rung chuông vàng”, nói chuyện chuyên đề…
Việc trang bị kỹ năng sống và kiến thức về giới tính, SKSS cho thanh, thiếu niên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Cha mẹ, thầy cô và người thân nên chủ động chia sẻ, quan tâm đến sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ để hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời". Bà Ngô Thị Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh
|
Mới đây, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lục Ngạn phối hợp với Phòng Dân số và Truyền thông, Trung tâm Y tế huyện tổ chức chương trình sinh hoạt ngoại khóa giáo dục giới tính, chăm sóc SKSS vị thành niên. Bằng hình thức sân khấu hóa qua các tiểu phẩm, tiết mục văn nghệ, học sinh được cung cấp những kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khỏe vị thành niên, hậu quả của việc mang thai ngoài ý muốn, các biện pháp tránh thai, một số bệnh lý liên quan đến SKSS…
Em Sẩm Lệ Quyên, học sinh lớp 12B chia sẻ: “Hiện nay, trên mạng xã hội có nhiều hội, nhóm tư vấn tâm lý, SKSS. Tuy nhiên, do thông tin hỗn loạn, chúng em không biết đâu là kiến thức chuẩn. Em thấy chương trình ngoại khóa này rất bổ ích, giúp em hiểu hơn về việc tự bảo vệ bản thân, tình bạn, tình yêu tuổi học trò”.
Được biết, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Lục Ngạn có 446 học sinh, trong đó 95% là người dân tộc thiểu số, sống xa nhà. Ở độ tuổi dậy thì dễ nảy sinh tình cảm khác giới, nếu không có sự tư vấn, định hướng phù hợp, những sự việc đáng tiếc rất dễ xảy ra. Nhằm bảo đảm môi trường học đường, môi trường nội trú an toàn, Ban Giám hiệu nhà trường yêu cầu giáo viên thường xuyên quan tâm, lồng ghép nội dung giáo dục giới tính trong các giờ sinh hoạt lớp.
Tuy nhiên, giáo dục giới tính là một quá trình dài, trong đó, sự quan tâm, đồng hành của gia đình đóng vai trò quan trọng. Ngày nay, nhiều phụ huynh đã dần cởi mở, bớt tâm lý e dè khi trò chuyện về giới tính với con. Chị Nguyễn Thị Ngọc ở phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) có 3 con gái ở độ tuổi 5, 10, 17. Chị chia sẻ: “Ở mỗi độ tuổi, các con lại có những câu hỏi, sự tò mò khác nhau về giới. Thay vì để con tự tìm kiếm thông tin, tôi thường trò chuyện, nắm bắt tâm tư, tình cảm, dạy con về những kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ bản thân”.
Theo bà Ngô Thị Sinh, Chủ tịch Hội Bảo vệ Quyền trẻ em tỉnh, việc trang bị kỹ năng sống và kiến thức về giới tính, SKSS cho thanh, thiếu niên cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Cha mẹ, thầy cô và người thân nên chủ động chia sẻ, quan tâm đến sự thay đổi tâm sinh lý của trẻ để hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời, cung cấp những kiến thức đúng đắn về giới tính, SKSS, tình bạn, tình yêu, tình dục an toàn.
Đồng thời, chương trình giáo dục giới tính trong nhà trường cần hiệu quả hơn, giúp các em tiếp cận kiến thức về giới, cách phòng tránh bệnh lây nhiễm và bảo vệ SKSS. Kiểm soát, định hướng học sinh tiếp cận mạng xã hội một cách lành mạnh. Qua đó chung tay xây dựng một cộng đồng lành mạnh, tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ sự phát triển toàn diện của thanh, thiếu niên.
Ý kiến bạn đọc (0)