Xã Huyền Sơn: Khai thác hiệu quả các nguồn lực để giảm nghèo
BẮC GIANG - Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, kết thúc năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) giảm sâu, còn dưới 1%. Với kết quả này, xã Huyền Sơn trở thành điểm sáng của huyện Lục Nam trong công tác giảm nghèo.
Tạo sinh kế, tăng thu nhập
Diện tích đất sản xuất ít, bản thân lại thường xuyên đau ốm nên trong nhiều năm, gia đình ông Nguyễn Đức Cảnh (SN 1960), thôn Liên Giang, xã Huyền Sơn thuộc diện hộ nghèo, không có khả năng cải tạo ngôi nhà cũ đã xuống cấp.
Mô hình chăn nuôi gà thả vườn tại gia đình ông Nguyễn Đức Cảnh. |
Từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo, tháng 6/2024, gia đình ông Cảnh được hỗ trợ 50 triệu đồng; Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hoàn thiện hồ sơ cho gia đình ông vay 100 triệu đồng vốn ưu đãi để xây mới ngôi nhà. Sau gần 3 tháng khởi công, ngôi nhà cấp 4 chắc chắn, rộng hơn 90 m2 hoàn thành, giúp vợ chồng ông yên tâm mỗi khi có mưa bão.
Ngoài hưởng lợi từ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, gia đình ông Cảnh còn được hỗ trợ sinh kế từ Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững với 300 con gà giống, thức ăn để phát triển mô hình nuôi gà thả vườn. Đến nay, sau hơn 2 tháng, đàn gà sạch bệnh, lớn nhanh, đạt 1,6 kg/con. Dự kiến lứa gà này sẽ xuất bán đúng dịp Tết nguyên đán.
Xã Huyền Sơn có hơn 1,5 nghìn hộ dân với gần 6,4 nghìn nhân khẩu. Với lợi thế đất đai, người dân chủ yếu phát triển sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, xã quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những giống cây có giá trị kinh tế cao vào canh tác; trong đó cây na Huyền Sơn đã trở nên nổi tiếng, được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến.
Để khai thác giá trị kinh tế bền vững từ cây na, Đảng ủy, UBND xã khuyến khích các hộ dân cải tạo đất đồi chuyển sang trồng loại cây này. Hiện toàn xã có khoảng 170 ha trồng na, tập trung nhiều ở các thôn: Khuyên, Liên Giang, Vàng Ngọc. Ở một số thôn khác, người dân phát triển cây trồng vụ đông có giá trị kinh tế cao như: Hành, khoai sọ, hoa các loại… với tổng diện tích 110 ha. Từ trồng na và các loại cây rau màu, thu nhập và đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Từ trồng na, mỗi năm người dân xã Huyền Sơn thu về hơn 90 tỷ đồng. |
Điển hình gia đình chị Bùi Thị Hằng (SN 1984), thôn Liên Giang. Với 1,3 ha trồng na, mỗi năm gia đình chị thu về hơn 600 triệu đồng, trừ chi phí lãi 250 triệu đồng. Được cán bộ xã hướng dẫn, hơn 5 năm trước, gia đình ông Hoàng Văn Tuân (SN 1962), thôn Nam Sơn mở rộng diện tích trồng khoai sọ. Với 7 sào khoai, 2 sào trồng hoa lay ơn, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. Ông Tuân nói: “Trước đây, trên diện tích đất nông nghiệp, gia đình tôi chỉ cấy lúa, thu nhập không ổn định, thuộc diện cận nghèo. Nhờ cây khoai sọ mà thu nhập ổn định, tôi có điều kiện xây dựng nhà khang trang, đầy đủ tiện nghi".
Khai thác lợi thế, phát triển nông nghiệp hàng hóa
Xác định Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, từng bước thu hẹp chênh lệch mức sống giữa nông thôn và thành thị, những năm qua, UBND xã Huyền Sơn tiếp nhận, triển khai hiệu quả các dự án, từng bước nâng cao thu nhập của người dân.
Riêng năm 2024, từ nguồn vốn chương trình, toàn xã có 10 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ giống, thức ăn phát triển chăn nuôi gà lai Hồ thả vườn. Cùng đó, thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, xã có 7 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ xây mới, cải tạo nhà ở.
Diện mạo nông thôn mới ở xã Huyền Sơn. |
Để các hộ có thêm cơ hội thoát nghèo, Ban chỉ đạo Giảm nghèo xã thực hiện nhiều giải pháp đưa nguồn vốn ưu đãi đến với người dân; giao cho các tổ chức hội, đoàn thể làm “cầu nối”, đứng ra nhận ủy thác, giúp các hộ tiếp cận nguồn vốn thuận lợi. Đến nay, gần 300 hộ dân trên địa bàn được vay vốn ưu đãi để đầu tư phát triển sản xuất, chăn nuôi, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo.
Qua thống kê, năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 46,7 triệu đồng/người/năm; tăng 10,7 triệu đồng/người/năm so với năm 2020 và vượt 0,7 triệu đồng/người/năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Toàn xã chỉ còn 15 hộ nghèo, chiếm 0,97%, vượt 0,72% so với mục tiêu đề ra; xã có 2/10 thôn không còn hộ nghèo.
Nhằm khai thác lợi thế, giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, UBND xã xác định, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp hàng hóa, trọng tâm là cây na, khoai sọ và những cây rau màu chế biến đang có thế mạnh tại địa phương. Theo đó, cùng với đẩy mạnh ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, xã định hướng cho các hộ cùng sản xuất một loại nông sản liên kết với nhau để thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã. Khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân, hợp tác xã nông nghiệp để cung ứng các loại vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi… nhằm giảm bớt các khâu trung gian, hạ giá thành sản phẩm.
Ông Trần Quang Tuyến, Chủ tịch UBND xã Huyền Sơn cho biết: “Để giảm nghèo nhanh, bền vững, chúng tôi gắn công tác bảo đảm an sinh xã hội với các chỉ tiêu phát triển KT-XH của xã. Quan tâm lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến vào canh tác và chế biến sản phẩm; đồng thời đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và các công trình phục vụ sản xuất, từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn”.
Ý kiến bạn đọc (0)