Nỗ lực chống hàng giả trên không gian mạng
BẮC GIANG - Xu hướng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và mạng xã hội ngày càng thịnh hành vì đem lại vô vàn tiện ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhiều cá nhân, tổ chức đã lợi dụng môi trường TMĐT để kinh doanh hàng lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc đấu tranh trên “mặt trận” này còn nhiều khó khăn; cần sự chung tay, vào cuộc của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Khó phân biệt thật - giả
Chị Nguyễn Thị Luyến, phường Xương Giang (TP Bắc Giang) là một trong số nhiều người thích mua sắm trên sàn TMĐT hoặc các mạng xã hội Facebook, Tiktok... vì tiện lợi, có nhiều mã giảm giá hấp dẫn. Gần đây, chị đặt mua sản phẩm nước hoa được quảng cáo là hàng chính hãng thương hiệu Calvin Klein BE, được giảm giá trên sàn Lazada.vn. Tuy nhiên, khi nhận hàng, chị Luyến thấy hộp, lọ đựng không có tem phụ bằng tiếng Việt; đóng gói bao bì sơ sài, mùi và độ lưu hương không giống quảng cáo. Tương tự, chị Ngô Thị Ngọc Mai ở xã Tiên Lục (Lạng Giang) cũng nhiều lần mua hàng trên các trang mạng. Chị phàn nàn: “Cách đây hai tháng, tôi đặt mua máy hút bụi mini của một tài khoản bán hàng trên Facebook với giá vài trăm nghìn đồng. Khi nhận, tôi thấy chất lượng không tốt như quảng cáo. Dù sạc đầy pin nhưng chỉ hoạt động được hơn chục phút, sử dụng được khoảng 5 lần thì hỏng". Đây là hai trong số nhiều trường hợp gặp rủi ro khi mua hàng trên mạng.
Một hộ kinh doanh trên địa bàn TP Bắc Giang bán đồ gia dụng nhập lậu bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp trên mạng xã hội bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. |
Thống kê của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), hiện hàng giả, hàng nhái được rao bán trên môi trường TMĐT trong cả nước chiếm khoảng 80%, với đủ loại sản phẩm đa dạng như hàng thời trang, đồ gia dụng, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Người mua khó phân biệt vì không có sản phẩm đối chứng; sản phẩm được “thổi phồng” chất lượng; hình ảnh trên mạng là hàng thật nhưng khi nhận về có thể là hàng giả. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu, doanh thu của các doanh nghiệp chân chính; đồng thời xâm phạm quyền lợi chính đáng và ảnh hưởng đến tài chính, sức khỏe của người tiêu dùng.
Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT của Thủ tướng Chính phủ đến năm 2025 đặt mục tiêu: 100% sàn TMĐT lớn ký cam kết không kinh doanh hàng giả; 100% tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các sàn được tuyên truyền, phổ biến quy định liên quan và 100% người tiêu dùng được tuyên truyền, bảo vệ quyền lợi. |
Thực tế, nhiều vụ việc kinh doanh, sản xuất hàng giả, nhái thương hiệu nổi tiếng đã bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý. Ở Bắc Giang, từ đầu năm 2024 đến nay, lực lượng QLTT phối hợp kiểm tra 19 vụ việc liên quan đến TMĐT; trong đó xử lý 14 vụ, xử phạt tổng số tiền gần 390 triệu đồng. Trong tổng số vụ việc đã xử lý có 9 trường hợp vi phạm không đăng ký website bán hàng với Bộ Công Thương, số tiền xử phạt 270 triệu đồng; 5 vụ vi phạm được phát hiện qua các nền tảng mạng xã hội, số tiền xử phạt gần 120 triệu đồng (các hành vi vi phạm gồm: Không đăng ký thành lập hộ kinh doanh; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, giả mạo nhãn hiệu).
Đơn cử, vào tháng 4/2024, thông qua mạng xã hội (facebook, zalo), Đội QLTT số 1 (Cục QLTT tỉnh) phối hợp với Công an TP Bắc Giang kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh Đ.T.Q ở xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang), phát hiện chủ hộ kinh doanh hơn 10 nghìn đơn vị sản phẩm là hàng thời trang không rõ nguồn gốc xuất xứ, giả mạo nhãn hiệu. Với vi phạm này, hộ kinh doanh Đ.T.Q đã bị xử phạt gần 150 triệu đồng.
Siết chặt quản lý
Ông Giáp Quang Đăng, Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh nhận định, công tác kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do các đối tượng thường không sử dụng thông tin cá nhân, địa chỉ thật trong giao dịch; không có kho hàng hoặc kho hàng phân tán ở nhiều nơi; khi bị phát hiện dễ dàng sửa chữa, xóa dấu vết, chứng cứ. Trong khi đó, công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các lực lượng chức năng có thời điểm chưa kịp thời, hiệu quả. Nguồn lực con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Quy định pháp luật điều chỉnh lĩnh vực này chưa hoàn thiện, sát thực tế. Vì lợi nhuận cao, một bộ phận tổ chức, cá nhân kinh doanh đã bất chấp quy định pháp luật, cố tình vi phạm. Bên cạnh đó, không ít người tiêu dùng chưa thông thái khi mua hàng trên mạng, vô tình tiếp tay cho đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng.
Lực lượng chức năng kiểm tra hộ kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ tại địa bàn TP Bắc Giang. |
Hành vi buôn bán, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, vi phạm nguồn gốc, xuất xứ trên môi trường mạng là vấn đề nhức nhối, thách thức đối với các cơ quan chức năng. Điều này đặt ra yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan trong, ngoài tỉnh và liên tỉnh. Được biết, Công an tỉnh xác định những năm tới, đấu tranh chống vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, lực lượng QLTT tăng cường phối hợp quản lý, đánh giá các website kinh doanh trên địa bàn tỉnh; phối hợp kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT. Cùng đó tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Đề án chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện toàn ngành đang xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung, tích cực ứng dụng giải pháp công nghệ vào quá trình giám sát, đấu tranh, xử lý vi phạm; đào tạo, trang bị kiến thức về TMĐT, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ.
Sở Công Thương đã hướng dẫn các doanh nghiệp truy cập địa chỉ http://online.gov.vn của Bộ Công Thương để được hướng dẫn chi tiết quy trình thông báo hoặc đăng ký website bán hàng. Cùng đó, Sở Khoa học và Công nghệ tích cực tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX, tổ chức, cá nhân đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mã số mã vạch đối với các sản phẩm, hàng hóa. Ông Nguyễn Văn Xuất, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh khuyến cáo, để bảo đảm quyền lợi của mình, người dân cần lựa chọn địa chỉ, gian hàng chính hãng để mua hàng; kiểm tra kỹ các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, thành phần hàng hóa; không nên ham giá rẻ; khi nghi ngờ sản phẩm kém chất lượng cần phản ánh kịp thời đến đơn vị cung cấp hoặc cơ quan chức năng để được hỗ trợ, giải quyết.
Thành Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)