Nhiều cơ sở xử lý triệt để ô nhiễm môi trường
18/23 cơ sở xử lý triệt để ô nhiễm
Bãi xử lý và chôn lấp rác thải tập trung TP Bắc Giang rộng hơn 6,5 ha được xếp vào danh sách điểm gây ONMT nghiêm trọng theo Quyết định số 1778/QĐ/2013-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Hằng ngày, lượng rác thải của TP khoảng 100 tấn được chôn lấp tại đây. Vì chưa có hệ thống thu gom nên nước rỉ rác tràn ra ngoài bốc mùi hôi nồng nặc, khiến người dân bức xúc. Trong nước rỉ rác chứa một số thông số độc hại COD, BOD5… vượt nhiều lần quy chuẩn cho phép.
![]() |
Trạm xử lý nước thải tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang được vận hành thường xuyên. |
Ông Ngô Duy Lượng, Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý Công trình đô thị cho biết: “Theo kế hoạch của Chính phủ, hết năm 2015, Công ty phải xử lý triệt để ô nhiễm. Thực hiện sự chỉ đạo đó, bằng nguồn kinh phí gần 2,6 tỷ đồng do UBND TP bố trí, Công ty đã đầu tư xây dựng trạm xử lý nước rỉ rác tại đây. Công trình hoàn thành và đưa vào vận hành năm 2014. Cùng đó, đơn vị lắp đặt hệ thống ống thu khí mê - tan phát sinh từ bãi rác, hạn chế ô nhiễm”. Bằng cách làm này, giữa năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã chứng nhận bãi xử lý và chôn lấp rác thải TP Bắc Giang hoàn thành xử lý ô nhiễm.
Tương tự, Bệnh viện Phổi Bắc Giang (trụ sở tại xã Song Mai, TP Bắc Giang) trước đây cũng là điểm gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Thân Minh Kha, Giám đốc Bệnh viện cho biết, do không có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên trước đây đơn vị xả trực tiếp ra môi trường; nhiều người dân địa phương lo lắng sẽ bị lây nhiễm bệnh từ nguồn nước này. Khắc phục tình trạng trên, năm 2016, Bệnh viện được Bộ Y tế hỗ trợ gần 4 tỷ đồng xây dựng hệ thống bể xử lý chất thải y tế bằng vi sinh vật theo công nghệ của Nhật Bản. Tháng 5 vừa qua, công trình đưa vào vận hành, công suất xử lý nước thải 150 m3/ngày, đêm. Qua quan trắc, các thông số trong nước thải của đơn vị đều đạt chuẩn và được cơ quan chức năng chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm.
Theo Sở TN&MT, trong số 23 cơ sở bị Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh xếp vào diện ONMT nghiêm trọng cần xử lý triệt để, chủ yếu là bãi rác tập trung, bệnh viện, doanh nghiệp, kho thuốc bảo vệ thực vật, làng nghề, đến nay có 18 cơ sở được chứng nhận hoàn thành. Những cơ sở này đều đã xây hệ thống thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn như: Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi Chức năng (Tân Yên); làng nghề nấu rượu Vân Hà; làng nghề giết mổ trâu, bò Phúc Lâm; bãi rác tập trung (Việt Yên); bãi rác tập trung thị trấn Thắng (Hiệp Hòa); Công ty cổ phần Giấy xuất khẩu Bắc Giang, phường Mỹ Độ (TP Bắc Giang)…
Không để tái diễn vi phạm
Ông Vũ Văn Tưởng, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết, các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng được chứng nhận hoàn thành đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường của tỉnh. Để đạt được kết quả trên, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai và yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm theo lộ trình. Hằng năm, Sở TN&MT hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình thu gom, xử lý nước thải và chỉ xác nhận cho các đơn vị hoàn thành sau khi cử cán bộ kiểm tra, lấy mẫu nước thải quan trắc đạt tiêu chuẩn.
Bên cạnh đó, TƯ, tỉnh, huyện, TP đã bố trí hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng nhiều công trình thu gom, xử lý nước thải, như ở làng nghề nấu rượu Vân Hà; làng nghề giết mổ trâu bò Phúc Lâm. Các đơn vị như Công ty cổ phần Giấy xuất nhập khẩu Bắc Giang, Công ty TNHH một thành viên Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc cũng dành kinh phí hợp lý để xây dựng công trình xử lý nước thải. Đáng ghi nhận, sau khi ra khỏi danh sách điểm “đen”, nhiều cơ sở làm tốt công tác duy trì, vận hành thường xuyên công trình để phát huy hiệu quả lâu dài, tránh tái phạm.
Ví như năm 2015, để xử lý nước rỉ rác phát sinh ngày càng tăng, UBND TP tiếp tục bố trí hàng tỷ đồng nâng cấp trạm xử lý nước với công suất tăng gấp 3 lần so với trước. Hội đồng thẩm định dịch vụ công ích TP, Phòng TN&MT định kỳ kiểm tra, nghiệm thu kết quả xử lý nước, khí thải tại bãi rác để kịp thờ ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm trở lại. Hay như tại Bệnh viện Phổi Bắc Giang, mỗi tháng đơn vị này dành 14 triệu đồng mua cám nuôi vi sinh vật duy trì hệ thống xử lý nước thải, đồng thời bố trí nhân viên vận hành thường xuyên.
Được biết, để bảo đảm hiệu quả lâu dài, không lãng phí sau đầu tư, tỉnh yêu cầu các Sở Kế hoạch và Đầu tư, TN&MT, Nông nghiệp và PTNT, Công Thương, Y tế, UBND các huyện, TP có cơ chế, quy định cụ thể về trách nhiệm trong việc quản lý duy trì công trình sau khi đã hoàn công. Riêng Sở TN&MT xem xét tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp tái phạm; chậm khắc phục.
Minh Linh
Ý kiến bạn đọc (0)