Tọa đàm các giải pháp hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại điện tử
BẮC GIANG - Sáng 10/4, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bắc Giang phối hợp với Sở Công Thương tổ chức tọa đàm với chủ đề “Các giải pháp hạn chế rủi ro trong giao dịch thương mại điện tử”. Tham dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh, doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Văn Xuất, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh thông tin, những năm qua, việc kinh doanh thương mại điện tử liên tục tăng nhanh. Giá trị mua sắm trực tuyến của một người cũng gia tăng. Năm 2015, giá trị mua sắm trực tuyến đạt 160 USD/người/năm, năm 2022 đạt khoảng 285 USD. Thương mại điện tử đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng hằng năm trên 25%, quy mô đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023, chiếm gần 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương và ông Nguyễn Văn Xuất, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đồng chủ trì tọa đàm. |
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam sẽ đạt 63 tỷ USD vào năm 2030, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2024. Cách thức mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng cũng khá đa dạng thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Lazada.vn, Shopee.vn, Sendo.vn,… hoặc qua mạng xã hội Facebook, Zalo,... Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có xu hướng mua hàng qua chương trình quảng cáo trên tivi (giao dịch qua điện thoại).
Kênh thương mại điện tử đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng như: Nhanh chóng, dễ dàng tiếp cận thông tin, so sánh giá cả, tiết kiệm thời gian, đặc biệt với những người thích tìm hiểu và đánh giá, sau đó tìm mua ngay trên mạng Internet, trải nghiệm mua sắm khác biệt so với mua sắm trực tiếp,…
![]() |
Quang cảnh tọa đàm. |
Có thể thấy, thương mại điện tử đã và đang là một loại hình kinh doanh quan trọng, chi phối nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, có ảnh hưởng lớn và làm thay đổi nhiều mặt của đời sống.
Tuy nhiên, khi tham gia thương mại điện tử, người tiêu dùng dễ gặp rủi ro, dẫn đến mất tiền bạc, mất niềm tin với thương mại điện tử, ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất và cả nền kinh tế.
Tại tọa đàm, các đại biểu nhau trao đổi về những tác động, lợi ích mà thương mại điện tử mang lại cho người tiêu dùng và nền kinh tế. Đồng thời đưa ra những cảnh báo, biện pháp phòng tránh để hạn chế mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, hàng hóa không đúng với quảng cáo; cách thức bảo mật thông tin…
![]() |
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Viettel Bắc Giang phát biểu. |
Bên cạnh đó, người tiêu dùng còn gặp rủi ro từ sản phẩm dịch vụ và gặp rủi ro từ chính sự thiếu hiểu biết của mình khi mua sản phẩm như: Không thể xác định được chính xác nguồn gốc sản phẩm; mua hàng tại cơ sở thiếu uy tín; địa chỉ bán hàng không rõ ràng,…
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Phó Giám đốc Viettel Bắc Giang cho rằng, việc tăng cường các biện pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm là một giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng kiểm tra tính minh bạch của hàng hóa trong giao dịch thương mại điện tử. Điều này góp phần hạn chế gian lận, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và nâng cao uy tín của doanh nghiệp sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ nêu cách nhận biết, phân biệt giữa trang và sàn thương mại điện tử; khuyến cáo người tiêu dùng khi truy cập vào các đường link mua sắm trực tuyến; thực hiện phương thức thanh toán trực tuyến đúng để tránh bị lừa, đánh cắp tài khoản cá nhân trên mạng xã hội và mất tiền trong tài khoản.
Cùng với khuyến nghị người tiêu dùng nâng cao ý thức bảo vệ thông tin cá nhân, đại diện Công an tỉnh đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tăng cường, nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về thương mại điện tử nói chung và lực lượng phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng.
Đồng thời, cần đầu tư trang thiết bị kỹ thuật hiện đại để đáp ứng yêu cầu công tác trong tình hình mới. Siết chặt công tác quản lý nhà nước, nâng cao năng lực hệ thống đối với các sàn thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội để hạn chế điều kiện làm phát sinh tội phạm trong tình hình hiện nay.
Phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu của các nền tảng mạng xã hội, đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông để đáp ứng yêu cầu xác minh, điều tra.
![]() |
Đại diện Công an tỉnh tham luận. |
Nhiều ý kiến tại tọa đàm cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý đối với những trang thông tin điện tử, mạng xã hội. Kịp thời ngăn chặn, xử lý những trang thông tin điện tử, tài khoản mạng xã hội có hành vi đưa thông tin có chứa nội dung vi phạm pháp luật, gây dư luận xấu trong quần chúng Nhân dân.
Cần có những quy định, chế tài cụ thể buộc các mạng xã hội đặt máy chủ tại Việt Nam và phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm.
Các cơ quan báo chí và ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về quy định pháp luật, hậu quả mà các hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử gây ra.
Người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, kỹ năng khi tham gia thương mại điện tử để tự bảo vệ mình, gia đình, và xã hội, tránh bị lừa đảo.
Ý kiến bạn đọc (0)