Để nông sản không “sáng tươi, chiều héo”
BẮC GIANG - Bắc Giang có dư địa lớn trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn quả, rau màu. Nhiều năm nay, tỉnh luôn nằm trong tốp 10 địa phương có tổng đàn vật nuôi dẫn đầu cả nước. Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển và cung cấp nguồn nguyên liệu cho lĩnh vực chế biến nông sản. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, hoạt động chế biến, bảo quản nông sản của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Đa dạng sản phẩm chế biến
Chế biến được xem là khâu then chốt, góp phần gia tăng giá trị kinh tế cho nông sản. Nhận thấy tầm quan trọng đó, thời gian qua, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ dân quan tâm đầu tư công nghệ, máy móc để bảo quản, chế biến nông sản, góp phần giảm áp lực tiêu thụ, tạo sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng sản phẩm.
![]() |
Vải thiều đóng hộp - sản phẩm OCOP 4 sao của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu. |
Năm 2024, Hợp tác xã Dứa sạch Hương Sơn (Lạng Giang) được Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng để mua máy sấy. Các thành viên Hợp tác xã góp tiền mua thêm máy gọt và thái để cho ra thị trường sản phẩm dứa sấy dẻo, trà dứa. Trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã sấy 1 tấn dứa tươi, cho gần 100 kg dứa sấy thành phẩm với giá bán 400 nghìn đồng/kg.
Theo đại diện Hợp tác xã, trước đây dứa chủ yếu tiêu thụ quả tươi nên vào thời điểm chín rộ, giá bán thường xuống thấp, thậm chí bị ép giá, có lúc quả chín bị hỏng vì không tiêu thụ kịp. Việc chế biến như hiện nay không chỉ giúp kéo dài thời gian tiêu thụ mà còn nâng tầm sản phẩm với đa dạng mặt hàng, nhờ đó mà gia tăng giá trị. Ngoài bán trong tỉnh, sản phẩm còn được tiêu thụ tại các cửa hàng, siêu thị của nhiều tỉnh, thành phố.
Trên địa bàn tỉnh có nhiều nông sản được các hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư công nghệ, máy móc để chế biến như các loại tinh bột nghệ, tinh bột sắn dây, củ sen của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Thùy Dương, phường Nham Biền (thành phố Bắc Giang); sản phẩm ô mai vải xào gừng, xào me, xào quất của Hợp tác xã Nông nghiệp Bằng Thủy, xã Giáp Sơn (Lục Ngạn); khoai lang sấy mật của Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất kinh doanh dịch vụ tổng hợp Như Hoa, phường Bích Động (thị xã Việt Yên); dầu lạc, dầu gấc, dầu mè, lạc rang nguyên củ, lạc hạt thành phẩm bóc tay của Hợp tác xã Nông nghiệp Quang Duy, xã Đồng Lạc (Yên Thế). Ngoài ra, còn nhiều sản phẩm được chế biến khác như trà sâm núi Dành; trà búp ổi, tía tô, hoa cúc chi; các sản phẩm được chế biến từ vải thiều như rượu vang, bánh, sữa chua, chè, nến thơm dạng sáp…
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quang Duy, hiện công suất ép dầu của đơn vị đạt 600 lít/ngày, chất lượng sản phẩm nâng cao rõ rệt. Nhờ đó, thương hiệu dầu ăn Đại An của Hợp tác xã ngày càng được nhiều khách hàng trong nước biết đến và sử dụng; doanh thu bình quân khoảng 3 tỷ đồng/năm.
Đối với các sản phẩm chăn nuôi, hiện có gà đồi Yên Thế đang được chế biến sâu bởi Hợp tác xã Nông nghiệp Yên Thế Xanh với các sản phẩm: Gà thịt hút chân không, giò gà, chả gà, xúc xích gà, khô gà, gà ủ muối. Mới đây, đơn vị đưa vào vận hành dây chuyền tự động cấp đông tế bào, qua đó giúp thời gian bảo quản đông lâu hơn từ 3 - 12 tháng mà không làm thay đổi chất lượng sản phẩm. Hợp tác xã dự định sẽ mở rộng thêm các thị trường ở phía Nam và xa hơn nữa là hướng tới xuất khẩu.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Bắc Giang đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như: Vùng cây ăn quả hơn 52 nghìn ha; vùng sản xuất lúa chất lượng 45,5 nghìn ha; vùng sản xuất rau an toàn, rau chế biến 12,8 nghìn ha. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh thường xuyên duy trì đàn lợn khoảng 900 nghìn con, đàn gia cầm khoảng 20 triệu con; các vật nuôi khác như trâu, bò, ngựa, dê, ong… Đây là dư địa lớn cho phát triển công nghệ bảo quản, chế biến sâu.
Toàn tỉnh hiện có 163 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, trong đó có 4 nhà máy chế biến nông sản lớn (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO, Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư tổng hợp Dũng Sĩ, Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất nhập khẩu G.O.C, Công ty cổ phần Xuất khẩu thực phẩm Toàn Cầu) và 159 cơ sở chế biến có quy mô nhỏ. |
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, toàn tỉnh hiện có 163 cơ sở chế biến nông sản thực phẩm, trong đó có 4 nhà máy chế biến nông sản lớn (Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO và Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư tổng hợp Dũng Sĩ, cùng ở thành phố Bắc Giang; Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm xuất nhập khẩu G.O.C, huyện Lạng Giang; Công ty cổ phần Xuất khẩu thực phẩm Toàn Cầu, thị xã Chũ) và 159 cơ sở chế biến quy mô nhỏ.
Một số sản phẩm có khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất lớn như: Nước ép vải thiều, nước hoa quả đóng lon, ngô ngọt đóng hộp, đậu tương, đậu bắp, các loại rau xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, châu Âu, Úc của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu; sản phẩm rau, củ, quả đóng hộp của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu VIFOCO sang thị trường châu Âu, Nga, Hàn Quốc; sản phẩm giấm của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Ngân Giang (thị xã Chũ) xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; bánh nông sản Bình Minh được chế biến từ khoai tây, khoai lang, cà rốt, bí ngô, hành tây của Hợp tác xã Bình Minh (thị xã Việt Yên) xuất khẩu sang Hàn Quốc…
Dù đạt được một số kết quả song theo đánh giá của ngành chức năng, hoạt động bảo quản, chế biến nông sản của tỉnh còn nhiều hạn chế, chủ yếu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu dưới dạng sơ chế thô. Tỷ lệ nông sản chế biến sâu chưa cao nên giá trị gia tăng hạn chế, tình trạng “được mùa, mất giá”, “sáng tươi, chiều héo” vẫn diễn ra. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chế biến nông sản, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận và ứng dụng các công nghệ chế biến hiện đại, dẫn đến chất lượng sản phẩm khó cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp khó tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm do thiếu chiến lược tiếp thị, xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm hoặc thiếu kết nối với các thị trường tiêu thụ lớn.
Theo ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, để thúc đẩy lĩnh vực chế biến nông sản phát triển, tỉnh tiếp tục thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, khoa học - kỹ thuật, quản trị kinh doanh đầu tư phát triển sản xuất, công nghiệp chế biến theo hướng hiện đại, sản phẩm chất lượng. Trong đó định hướng thu hút dự án đầu tư xây dựng nhà máy chế biến thịt lợn, thịt gà xuất khẩu tại các huyện: Tân Yên, Yên Thế, Hiệp Hòa, Lạng Giang và các nhà máy chế biến nông sản tại các địa phương khác.
Đồng thời mở rộng, duy trì và phát triển các vùng trồng trọt, chăn nuôi an toàn nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào cho chế biến. Tỉnh cũng quan tâm hỗ trợ, giới thiệu doanh nghiệp liên kết sản xuất, tiêu thụ, hình thành vùng nguyên liệu, đầu tư công nghệ sơ chế, bảo quản, chế biến nông sản thế mạnh như cây ăn quả, rau, lợn, gà phục vụ xuất khẩu bảo đảm các tiêu chuẩn quốc tế.
Ý kiến bạn đọc (0)