Ngọn thác trên cao
Thoáng cái, vệt đuôi xòe hoa của nó bay vèo qua thác. Nắng hắt xuống những chiếc lông đuôi sặc sỡ một vạt ánh sáng mờ ảo đẹp như cõi tiên. Cậu bé có hai chiếc cánh trắng muốt sà thấp xuống. Khuôn mặt điển trai của Diệp A Lâm lúc này rạng rỡ. Cậu bé ghé sát vào tai nhà báo Quốc Hùng nói: “Chú ơi, cháu mọc cánh rồi, cháu không buồn đâu, ngày nào cháu cũng đi khắp núi rừng, chú nhớ về bản thăm bố mẹ cháu nhé, mua hộ cháu cho em Lan Anh một con búp bê tóc vàng”.
Minh họa: Đinh Hương |
Quốc Hùng bật dậy, bàng hoàng. Giấc mơ như thật vậy. Anh nhìn quanh, chiếc ba lô đựng đồ nghề vẫn còn, xe máy vẫn kia. Khi nãy mệt quá, sau hàng trăm cây số, anh đã ngả lưng cạnh khu rừng tạp này. Trời cao xanh thật đấy, nhưng ngọn thác thì sự thật không phải ở đây, nó nằm sâu trong bản Na Pù cách đây gần hai mươi cây số nữa. Không nhìn thấy khổng tước mà nghe thấy tiếng hót xa xa của bầy chim rừng. Anh sờ tay xuống cỏ xem có chút hơi ấm nào của Diệp A Lâm không. Lạ thật, tim anh đập nhanh, khóe mắt anh bỗng ướt. Như vậy là A Lâm đã siêu thoát, đã thành gió núi hương rừng. Khuôn mặt câu bé ban nãy đã an ủi Quốc Hùng. Sao cậu bé biết mình đã mua búp bê cho Lan Anh nhỉ? Anh kéo ba lô lại gần, bỏ con búp bê tóc vàng ra ngắm.Vậy ra, A Lâm vẫn luôn nghĩ đến mình nên mới hiểu được suy nghĩ của mình chứ nhỉ. “Lá rừng, lá rừng…A ha ha… Em là lá rừng xanh đây, anh ngốc kia, máy ảnh của anh đây, này, anh đỡ lấy, anh chạy đi, về phía ngọn núi nhé, nhớ đấy…em đi đây”- những tiếng nói cuối cùng của A Lâm bên con suối cuồng nộ năm nào dường như vẫn đâu đây. Nhất định rồi, chỉ nửa tiếng nữa thôi, nhà báo sẽ đến Na Pù, sẽ ôm chầm lấy bố A Lâm- một đảng viên, trưởng bản, sẽ ngồi xem mẹ A Lâm bổ những quả ngõa mật ngọt lịm mời khách, sẽ trao tận tay cho cô bé Lan Anh năm nay đã học lớp 5 con búp bê…Chắc thời gian đã làm mọi thứ nguôi ngoai.
Quốc Hùng dụi mắt, quái lạ, vừa đấy mà mơ, phải lên đường thôi. Lần này anh trở lại Na Pù với ý tưởng lập quỹ học bổng A Lâm trao cho những em học sinh vượt khó học giỏi. Anh nổ máy xe vụt đi. Cả vạt rừng như lay động. Với người dân bản Na Pù thì nhà báo Quốc Hùng là ngọn thác trên cao kia, mới mẻ và chân thành đã mang cuộc sống dân bản đi xa, đã làm sống mãi một câu chuyện cảm động. |
Mùa hè năm ấy thời tiết dữ dội. Quốc Hùng được cử đi công tác vùng cao phản ánh về tình hình lũ quét. Bản Na Pù oi bức đáng sợ. Nắng gay gắt cả tuần. Cây rừng im phắc. Ngọn thác - linh hồn của bản mọi khi nước đổ trắng xóa tạo nên bản nhạc trầm hùng, réo rắt nay chỉ còn vệt trắng trên cao mờ nhạt. Hùng ngủ ở nhà trưởng bản – một người chừng ngoài 50 tuổi. Đi bộ đội về lấy vợ muộn, trưởng bản nói thế, hai đứa con còn bé. A Lâm học lớp 7, còn Lan Anh lớp 1. Đêm, Quốc Hùng ngồi xem A Lâm học bài. Khuôn mặt A Lâm vuông và sáng. Đôi mắt nhỏ nhưng ấm áp. Anh chợt nghĩ, nếu học hành tấn tới, sau này A Lâm sẽ thành tài. “Nó bơi giỏi lắm vớ, tan học là suốt ngày ngoài suối mùa cá mò cua”- mẹ A Lâm nói thế. Lan Anh thì ít nói, luôn nép sau cột nhà nhìn trộm vị khách lạ.
Trưởng bản họp dân, phổ biến những chỉ đạo của cấp trên. Dự báo một hai ngày tới mưa lũ lớn, người già, phụ nữ và trẻ em tìm nơi trú ẩn an toàn, nhà ai ven suối thì lập tức di chuyển, trai tráng sẵn sàng trực đêm chống lũ. Những ngọn điện thắp sáng khoảng sân nhà văn hóa bản.
Mọi người bắt đầu vào việc ngay từ tối, đến khuya, cơ bản mấy nhà ven suối đã dọn đồ về hội trường xã tá túc. Trâu bò được dắt lên núi sau bản. Ai cũng nghĩ lần này chạy lũ sớm quá, chắc sẽ ngủ ngon. Quốc Hùng khoác máy ảnh đi theo bà con từ tối, về mệt quá nằm trên võng thiếp đi. Gần ba giờ sáng, bỗng có tiếng nổ “ùm” rung chuyển. Mọi người bật dậy. Quốc Hùng còn ngơ ngác chưa hiểu gì. Trưởng bản thét lên: “Lũ về! bà con ơi dậy đi”! Tiếng người nói, tiếng chạy rình rịch, tiếng gõ mâm chát chúa. Không ai ngờ lũ về sớm thế, mà về tầm này. Tiếng nổ ban nãy chính là tiếng vỡ của túi nước khổng lồ trong khe núi, phía rừng. Mưa trút tới tấp, trai tráng tập hợp lại, canh chừng quanh bản. Mất điện, đèn bão lấp loáng. Gió rú, nước dội, tiếng người gọi nhau. Tiếng chân người vội vã. Mọi người đi cứu ngô ngoài bãi. Ngô hạt vẫn non nhưng còn hơn mất trắng. Hùng đội mưa ra cổng đẩy những bao ngô vào sân. Trời tối, dẫm cả vào chân nhau. Chẳng mấy chốc, một đống ngô to tướng đầy bùn đất đã chình ình trong sân. “Chắc là mất hết bông thôi nhà báo ạ, cả một cánh đồng bông tuần tới được thu, cứ tưởng mùa này tha hồ sợi dệt”- bà nội của A Lâm nói chậm rãi giọng đầy tiếc nuối. “Năm nào cũng lũ như này hả bà? Cây cối được thu hái rồi mà mất thì xót quá”- Quốc Hùng vừa trả lời bà lão vừa ngạc nhiên trước cảnh tượng mình chứng kiến. Mưa to khủng khiếp, nước chảy ào ào sát nhà, cánh rừng xung quanh bản đen thẫm. Bà cụ chuẩn bị thắp một khay nến lớn, giọng nói đượm vẻ lo lắng: “Mấy năm nay lũ về toàn bất ngờ, mất mùa màng, mất lợn, bò, thậm chí cả người nữa, vừa năm ngoái trôi mất con bé Dín, để lại hai đứa trẻ mồ côi, thằng A Lâm đâu rồi, hay chạy đến nhà Dín rồi?”. Mải việc, Hùng giờ mới giật mình, không thấy A Lâm. Cậu bé gan dạ này chắc đã theo bố đi chống lũ. Trời vừa sáng thì mưa cũng ngớt. Cảnh tượng thật khó tưởng tượng. Bùn đất và cành lá cây tươi phủ khắp đường đi lối lại. Nước chảy thành dòng trên mặt đường, suối dâng cao ngập lưng chừng những ngôi nhà tranh gần đó. Bố A Lâm và mấy trai tráng trở về, mặt mũi toàn bùn, dáng vẻ mệt mỏi. “May quá, lũ trẻ con đã trú trong trường tiểu học an toàn”- trưởng bản nói với mẹ. Bà lão ừ khẽ rồi hỏi: “Hai thằng con nhà cái Dín đâu, phải thằng A Lâm ở đấy không? Trưởng bản ngớ ra, lại vụt đi. Ở bản này ai cũng thương chị Dín làm mẹ đơn thân. Tuy chẳng họ hàng gì nhưng gia đình trưởng bản luôn giúp đỡ cưu mang mẹ con Dín. Từ ngày Dín mất, lũ trẻ ở với bà ngoại.
Quốc Hùng lấy máy ảnh, xắn quần lội dọc theo đường vào cuối bản. Đây cảnh lau rửa đồ đạc, kia cảnh lợp lại căn nhà tốc mái, đây chỗ chị em phụ nữ mang cơm cho những người chống lũ, kia người lội bùn cõng rơm lên đồi cho lũ trâu bò. Ai cũng bận rộn, mệt nhoài. Cả bản xao xác vì A Lâm sau khi cứu hai thằng con chị Dín khỏi dòng nước dữ đã không bao giờ về. Quốc Hùng ôm mặt khóc. Lần đầu tiên trong đời anh hiểu được cuộc sống nhọc nhằn của người dân vùng cao. Bố mẹ A Lâm như hóa đá.
Gió âm âm ngoài kia, nắng phơi mình trên bùn non. Cả bản ngồi xếp hàng ở sân nhà A Lâm kinh ngạc khi chứng kiến sự lạ. Cả một vùng rừng trên cao gần thác nước đồng loạt nở hoa đỏ chót. Bầy chim khổng tước tưởng chỉ còn trong huyền thoại bỗng đâu bay về lượn quanh thác nước, nối nhau chao qua sân nhà trưởng bản. Thác nước đột nhiên thôi gầm rú mà trắng xóa, hiền hòa đổ xuống. Cầu vồng sau mưa hiện lên hùng vĩ, lấp lánh. Cảnh tượng chưa bao giờ có ở nơi này. Thiên thần Diệp A Lâm được đón đi như vậy.
Quốc Hùng sau đấy có một loạt bài về bản Na Pù xa xôi, về cậu bé A Lâm dũng cảm được bạn đọc ghi nhận, tổ chức báo chí vinh danh. Mỗi năm, anh đều sắp xếp trở lại Na Pù, khi thì hỗ trợ làm thư viện cho trẻ em, khi thì tham gia chiến dịch trồng cây gây rừng, hỗ trợ bà con sản xuất. Sau ngày A Lâm ra đi, cậu bé được Trung ương Đoàn trao Huy hiệu tuổi trẻ dũng cảm. Cây cầu bắc qua suối đến trường tiểu học được đặt tên Diệp A Lâm. Cũng từ ngày đó, cuộc sống trẻ em vùng Na Pù này được bù đắp, quan tâm nhiều hơn. Riêng anh nhà báo không bao giờ quên A Lâm. Cậu bé ấy chính là ngọn thác trên cao tinh khiết hào hùng chảy trong lòng anh. Anh đã nợ vùng đất này.
Quốc Hùng dụi mắt, quái lạ, vừa đấy mà mơ, phải lên đường thôi. Lần này anh trở lại Na Pù với ý tưởng lập quỹ học bổng A Lâm trao cho những em học sinh vượt khó học giỏi. Anh nổ máy xe vụt đi. Cả vạt rừng như lay động. Với người dân bản Na Pù thì nhà báo Quốc Hùng là ngọn thác trên cao kia, mới mẻ và chân thành đã mang cuộc sống dân bản đi xa, đã làm sống mãi một câu chuyện cảm động.
Nguyễn Thị Mai Phương
Ý kiến bạn đọc (0)