Ngôi đền bên dãy Huyền Đinh
Đền xây dựng 5 gian 2 chái, 2 tầng, 8 mái đao cong. Trên đỉnh nóc đắp lưỡng long chầu nhật. Đền làm theo lối kiến trúc truyền thống bằng gỗ sến. Mái 6 hàng chân cột, tiền kẻ, hậu kẻ cân đối, có chạm khắc hoa văn. Hiên chạy xung quanh. Bao quanh nhà được bưng bằng gỗ theo kiểu khuôn tranh thay tường. Ba gian giữa làm cửa theo kiểu thượng song hạ bản có chạm khắc khá đẹp. Xung quanh nền được bó vỉa bằng đá xanh. Nối các cột hiên nhà được dựng các khuôn bằng đá chạm khắc hoa văn đẹp. Toàn bộ ngôi đền do thợ ở Đan Phượng - Hà Nội làm. Đền xây dựng xong trong năm 2018, đầu xuân 2019 khánh thành. Kinh phí xây dựng do nguồn vốn xã hội hóa, UBND huyện Lục Nam làm chủ đầu tư.
Ngày hội đền Thần Nông. Ảnh: Việt Hưng |
Gian giữa đền có ban thờ tượng Vua Thần Nông và các vị vua Hùng; ban tả có 3 tượng thờ bà chúa Thượng Ngàn; ban hữu gồm 3 tượng thờ quan giám sát đại vương.
Lễ khai hội đền Thần Nông ở Hố Mỵ lần đầu tiên được mở vào ngày 16, tháng Giêng, năm Kỷ Hợi cùng với lễ khánh thành đền. Tuy còn mới mẻ nhưng nhân dân đã tổ chức trang nghiêm, đầy đủ nghi thức truyền thống của một lễ hội. |
Nằm trong khuôn viên khu vực đền, trên đỉnh núi phía sau là tòa phật địa mẫu được xây dựng 1 gian vuông, 2 tầng, 8 mái đao cong bằng gỗ. Trong đền có ban thờ và tượng Phật địa mẫu bằng đá trắng.
Gắn liền với đền Thần Nông, phía sau trong dãy núi Huyền Đinh là các ngọn núi 3 đống thóc, dãy núi thằng người và dãy núi luống cày ông Thuấn có hình hài khá rõ và truyền thuyết gắn liền với các ngọn núi. Đây được xem là vùng có vốn văn hóa và tín ngưỡng dân gian khá độc đáo.
Người được thờ ở đền là vua Thần Nông. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư” cho biết: “Xưa cháu ba đời của Viêm Đế họ Thần Nông, là Đế Minh sinh ra Đế Nghi. Đế Minh nhân đi tuần phương Nam đến Ngũ Lĩnh, lấy con gái Vụ Tiên, sinh ra Kinh Dương Vương. Đế Minh lập Đế Nghi làm con nối ngôi cai trị phương Bắc, phong cho Kinh Dương Vương làm vua cai trị phương Nam. Kinh Dương Vương lấy con gái Động Đình Quân là Thần Long, sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh ra 100 con trai là tổ của Bách Việt. Một hôm, vua bảo Âu Cơ rằng: Ta là giống rồng, nàng là giống tiên, thủy tổ khác nhau, chung hợp thật khó. Bèn từ biệt nhau, chia 50 người con theo mẹ về núi, 50 người con theo cha về biển, phong con trưởng là Hùng Vương nối ngôi.”
Cũng theo sách trên cho biết “Thần Nông theo truyền thuyết Trung Quốc là một trong 5 vị đế thời thượng cổ, dạy dân biết cày bừa, trồng trọt cũng gọi là Viêm Đế”.
Ở nước ta có nhiều nơi thờ vua Thần Nông, trong đó có xứ Bắc - Kinh Bắc. Hàng năm, ngoài lễ tiết chính, mỗi năm cứ mỗi vụ xuống đồng cày cấy cắt gặt xong, hay cơm mới, dân làng đều sửa lễ ở đình để tế lễ các vị thần, trong đó có tế lễ vị thần nông vào 3 dịp. Mỗi dịp đều có văn tế. Ngày 1/3 (Âm lịch) là lễ hạ điền, lễ xuống đồng cày vỡ. Cắt gặt xong vào ngày 1/8, dân làng lại sửa soạn lễ. Và đến ngày 1/9, khi có cơm mới lại tế lễ. Phong tục trên phải chăng bắt nguồn từ thực tế lịch sử, nghề nông ở đây phát triển từ khá sớm và cho đến nay vẫn được bảo lưu. Trong mỗi bài văn tế đều có nhắc tới công ơn của vị vua Thần Nông, người đầu tiên dạy dân biết cải tạo các giống lúa dại thành lúa đồng nuôi sống con người. Không những thế, người còn bày cho dân biết cày cấy và chăm sóc mùa màng. Quan niệm của dân làng cho rằng có làm như vậy thì mùa màng mới được tốt tươi, thóc nhiều, rau lắm, nhà nhà đều no đủ.
Lễ khai hội đền Thần Nông ở Hố Mỵ, xã Cẩm Lý lần đầu tiên được mở vào ngày 16, tháng Giêng, năm Kỷ Hợi cùng với lễ khánh thành đền. Tuy còn mới mẻ nhưng nhân dân đã tổ chức trang nghiêm, đầy đủ nghi thức truyền thống của một lễ hội.
Nếu tiếp tục được đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng và làm tốt lễ hội đền Thần Nông thôn Hố Mỵ thì đây sẽ là địa chỉ, điểm đến hấp dẫn của du khách tìm về cội nguồn và khám phá vùng núi Tây Yên Tử khi mỗi độ Xuân về.
Nguyễn Xuân Cần
Ý kiến bạn đọc (0)