Về Bảo Sơn nghe chuyện làm giàu
Bí thư Chi bộ thôn Tiên Do Dương Đức Văn thu hoạch dưa chuột trên cánh đồng mẫu lớn. |
Biến sỏi đá thành… vàng
Vào những ngày đầu tháng Tư, chúng tôi về thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn thăm một số đồi dứa điển hình của những đảng viên làm kinh tế giỏi. Vừa len chân qua những hàng dứa Queen trồng theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình đảng viên Nguyễn Cao Minh, Bí thư Chi bộ thôn Đồng Cống Bùi Kế Quảng cho biết, do chất đất ở đây thích hợp cây dứa sinh trưởng, phát triển, ông Minh lại biết cách chăm sóc hợp lý nên năng suất, chất lượng quả bao giờ cũng cao hơn các hộ xung quanh, đạt 40 tấn/ha. Nhiều người đã đến tham quan, học hỏi mô hình này.
Gia đình đảng viên Nguyễn Cao Minh hiện đang trồng 2,5 ha dứa, trong đó 1,5 ha dứa theo quy trình VietGAP; đặc biệt đã biết cách xử lý cho dứa ra trái vụ nên quanh năm được thu hoạch. Theo ông Minh, hiện giá dứa vẫn giữ như năm trước, 8 nghìn đồng/kg, ước gia đình sẽ thu về hơn 60 triệu đồng. Để dứa cho quả to, quan trọng nhất khâu bón phân hợp lý, không để cây bị lốp, chủ yếu phát triển về lá".
Cũng như ông Minh, nhiều gia đình đảng viên khác ở thôn Đồng Cống đang giàu lên nhờ trồng dứa. Đơn cử có gia đình các đảng viên Vi Văn Tuấn, Vi Văn Ba và Vi Văn Thanh… đều trồng từ 2-3 ha dứa, thu về hàng chục triệu đồng/năm. Vào những ngày này, đến các thôn Đồng Cống, Hồ Sơn, Quất Sơn, ai cũng thấy vui mắt khi được ngắm những đồi dứa bạt ngàn. Hiện toàn xã Bảo Sơn có gần 200 ha dứa, trong đó 15 ha dứa trồng theo quy trình VietGAP. Dứa ở đây nổi tiếng thơm ngon, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể. Vì thế, vào mùa thu hoạch, thương lái khắp nơi về thu mua, giúp bà con tăng thu nhập. Những quả đồi sỏi đá cằn cỗi xưa kia, nay đã nhả vàng. Mỗi năm, từ tiền bán dứa, người dân Bảo Sơn có trong tay gần chục tỷ đồng.
Không cho đất nghỉ
Buổi sáng trên cánh đồng mẫu lớn rộng 30 ha thuộc thôn Tiên Do, xã Bảo Sơn rộn rã tiếng cười nói của người dân đang hối hả thu hoạch dưa chuột và đậu cô ve. Bí thư Chi bộ thôn Dương Đức Văn xắn quần ngang đầu gối nhanh tay chuyển những thùng chứa đầy dưa chuột lên bờ. Năm nay, gia đình Bí thư Chi bộ trồng 3 sào đậu cô ve và dưa chuột, năng suất cao nhất nhì thôn, ước đạt 1 tấn/sào. Theo đồng chí Văn, dưa và đậu có giá dao động từ 7-8 nghìn đồng/kg, bà con phấn khởi lắm. Cả thôn có 258 hộ thì 70% chuyên trồng hai loại cây này.
Phong trào trồng dưa chuột và đậu cô ve ở Tiên Do nói riêng, xã Bảo Sơn nói chung có từ năm 1994, nhưng phát triển mạnh từ năm 2013. Người dân nơi đây đã không cho đất nghỉ, cơ cấu cây trồng trong năm là lúa mùa - cây màu vụ Đông - lúa xuân hoặc cây màu vụ Xuân. Trong đó, cây màu chủ yếu là dưa chuột và đậu cô ve, tổng diện tích hơn 200 ha. “Trung bình, mỗi sào dưa chuột hoặc đậu cô ve bán được 7-8 triệu đồng. Qua hai vụ trồng dưa và đậu/năm, người dân thôn Tiên Do cũng thu về hơn 3 tỷ đồng. Tiền xây nhà tầng kiên cố và mua sắm tiện nghi sinh hoạt chủ yếu từ đây mà ra”, đồng chí Văn nói.
Bảo Sơn là xã có diện tích lớn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%. Khoảng 10 năm về trước, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo lên đến gần 60%. Trước thực trạng trên, Đảng ủy, UBND xã đã đề ra quyết tâm đẩy mạnh phát triển kinh tế bằng cách khai thác tốt lợi thế trồng dứa trên đồi và dưa, đậu dưới ruộng. Những cán bộ, đảng viên là hạt nhân trong phong trào này. Theo đó, mọi mô hình đưa giống mới vào sản xuất đều được giao cho gia đình đảng viên có điều kiện làm trước, sau đó triển khai ra diện rộng. Đến nay, Bảo Sơn đã và đang đổi thay từng ngày, số hộ nghèo giảm còn 21,4 %, số hộ khá và giàu tăng lên, chiếm 50%, tập trung nhiều ở cán bộ, đảng viên.
Khi kinh tế địa phương phát triển thì vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền cũng được nâng lên. Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Công Bẩy tâm sự: “Năm 2016, Đảng bộ xã Bảo Sơn vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng cờ đơn vị xuất sắc sau nhiều năm liên tục đạt trong sạch, vững mạnh. Đây là thành quả mà Đảng bộ, chính quyền và người dân trên địa bàn xã nỗ lực phấn đấu, trong đó có vai trò tiền phong, đi đầu trong phát triển kinh tế của cán bộ, đảng viên ở mỗi thôn, xóm, cụm dân cư”.
Đỗ Thành Nam
Ý kiến bạn đọc (0)