Nhà giáo Thân Văn Hòe: Tâm huyết với lịch sử quê hương
BẮC GIANG - Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, thầy giáo Thân Văn Hòe ở huyện Việt Yên (nay là thị xã Việt Yên) cùng nhiều đồng nghiệp lên đường nhập ngũ. Trong chiến tranh cũng như thời bình, ông luôn dành thời gian ghi chép những sự kiện diễn ra xung quanh; dày công sưu tầm, lưu giữ những tài liệu lịch sử, văn hóa, trong đó có bản trường ca về Khởi nghĩa Yên Thế.
Nhớ thời “xẻ dọc Trường Sơn...”
Đã ở tuổi 84 nhưng thầy giáo Thân Văn Hòe (tổ dân phố Đông, phường Bích Động, thị xã Việt Yên) - người lính pháo binh Đoàn Hồng Lĩnh năm xưa vẫn minh mẫn, nhanh nhẹn. Ông vừa mang phong thái nhẹ nhàng của người thầy dạy Văn - Sử - Địa lại có khí chất của một cựu chiến binh. Ông bảo ông là cháu ngoại của Đốc Bình (người làng Đông, nay là tổ dân phố Đông), một trong những vị tướng tài, thân tín của Hoàng Hoa Thám, có nhiều công lao trong cuộc Khởi nghĩa Yên Thế.
Ông Thân Văn Hòe (bên phải) giới thiệu cuốn “Đình Đông, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt”. |
Ông Hòe tiếp chúng tôi trong căn phòng đầy sách, trên tường treo nhiều kỷ vật, hình ảnh ghi lại dấu ấn những năm tháng chiến đấu tại chiến trường Bình Trị Thiên; tham gia bảo vệ nhiều tuyến giao thông, công trình trọng yếu tại Nghệ An, Hà Tĩnh,… Thấy tôi tò mò về những cuốn sách, ông Hòe với tay đưa tôi mấy cuốn gần nhất, giới thiệu:
- Đây là những cuốn do tôi viết, có cả thơ, truyện ký, hồi ký về kỷ niệm dạy học, những cuộc hành quân, trận đánh mà tôi tham gia suốt 10 năm quân ngũ.
Tôi liếc vội bìa sách, bắt gặp những tiêu đề như: “Trường ca đánh Mỹ”, “Ký ức một thời”, “Làng quê tôi”,…
Mở cuốn “Ký ức một thời”, ông Hòe chia sẻ, trong đời quân ngũ, ông tham gia nhiều trận đánh máy bay Mỹ, trong đó có trận đánh diễn ra ngày 3/11/1968. Rồi ông chậm rãi đọc những trang viết đầy tâm huyết: “Khi ấy đã là ngày thứ 10 chúng tôi chờ địch. Sớm hôm đó, giặc Mỹ điều 2 tốp máy bay bắn phá trận địa Đức Phong, Đức Thọ (Hà Tĩnh) hòng cắt đường tiếp viện vào Nam của ta. Khoảng 7 giờ 30 phút, sau khi đơn vị của tôi bẻ gãy đợt ném bom thứ nhất, ra đa của ta lại bắt được 1 tốp mục tiêu mới. Toàn trận địa sẵn sàng chiến đấu ở trạng thái cao nhất. Trên các mặt đồng hồ thu tín hiệu của pháo, kim điện chỉ đã có phần tử; ra đa đã dẫn mục tiêu vào gần tầm bắn, 40 km, 30 km, rồi 18 km…
- Liên động! Tiếng hô to của người chỉ huy (nhắc nhở xạ thủ mở chốt pháo). Những nòng pháo vươn dài, quay thẳng về hướng mục tiêu. 4 chiếc F4H của địch lén vòng sang bên phải trận địa, rồi thình lình bay ngoặt trở lại, nhao thẳng vào chúng tôi.
- Ngòi nổ 20-30, 5 giây 1 phát, chuẩn bị, bắn!
Những nòng pháo thi nhau chớp lửa. Các màn đạn vút lên chặn đứng 4 con “quạ sắt” hung hãn. Cả pháo trường khói bom, đạn mù mịt. Bầy “quạ sắt” hoảng hốt, vừa cắm đầu xuống chưa kịp trút bom thì một chiếc đã trúng đạn, bốc cháy, kéo theo dải khói đen ngòm như đường kẻ, lao thẳng về phía chân trời. 3 chiếc còn lại chuồn thẳng, không dám quay trở lại..."
Qua lời ông kể, trong tôi hiện lên hình ảnh những người lính anh dũng, kiên cường, sẵn sàng xông pha nơi lửa đạn để bảo vệ từng tấc đất quê hương. Khép lại những trang sách, ông nói:
- Năm 1958, tôi học hết lớp 7, sau đó vào học sư phạm. Năm 1961 tôi về dạy khối Văn - Sử - Địa tại Trường cấp 1-2 xã Hòa Bình (nay là phường Nếnh, thị xã Việt Yên). Năm 1962, tôi lập gia đình. Giữa năm 1965, khi kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, tôi có tên trong danh sách tuyển quân. Vinh dự cho ngành Giáo dục Việt Yên bởi đợt đó có hơn 100 thầy giáo trẻ nhập ngũ.
Sau 3 tháng huấn luyện tại huyện Tân Yên, ngày 4/9/1965, đơn vị của ông hành quân vào Nam chiến đấu. Trong những cuốn lưu bút, ông ghi rõ từng trận đánh tại nhiều mặt trận, những chặng đường hành quân gian khổ vượt dãy Trường Sơn; giây phút tự hào khi đơn vị được Bác Hồ trao tặng cờ “Quyết tâm thắng giặc Mỹ xâm lược”; thời điểm đơn vị E237 của ông được lệnh chuyển ra Bắc tham gia cuộc diễu binh kỷ niệm Ngày Quốc khánh 2/9 năm 1975 tại Thủ đô Hà Nội… Những chiến công của ông và đồng đội góp phần để Đoàn Hồng Lĩnh bắn rơi 217 máy bay và phối hợp với đơn vị bạn bắn rơi 79 chiếc khác của đế quốc Mỹ.
Cuối năm 1975, ông Thân Văn Hòe nhận quyết định chuyển ngành về địa phương tiếp tục dạy học, gắn bó với phấn trắng, bảng đen cho tới lúc nghỉ hưu. Vừa dạy học ông vừa miệt mài sưu tầm, lưu giữ các tài liệu lịch sử, văn hóa của quê hương mình.
“Pho sử sống” của làng
Giới thiệu xong những trang viết về kháng chiến chống Mỹ, ông Hòe cho tôi xem cuốn “Đình Đông, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt” do ông biên tập, in, đóng bìa cứng trang trọng. Cuốn sách được lưu giữ cẩn thận bởi ông đã mất nhiều năm tập hợp, sắp xếp các tư liệu về đình Đông từ các cuốn Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Thế, Lịch sử Đảng bộ huyện Việt Yên; Địa chí tỉnh Hà Bắc; Tạp chí Văn hóa - Thông tin tỉnh Bắc Giang… Đặc biệt, trong đó có in tác phẩm “Trường ca Hoàng Hoa Thám” của tác giả Lê Vũ (hiện vẫn chưa rõ tác giả ở đâu, sáng tác thời gian nào).
Di tích đình Đông. |
Bản trường ca sử dụng thể thơ “song thất lục bát” (mỗi khổ gồm hai câu 7 chữ, 1 câu 6 chữ, 1 câu 8 chữ) dài 784 câu. Bản trường ca miêu tả diễn biến cuộc Khởi nghĩa Yên Thế, giai đoạn từ khi Hoàng Hoa Thám mới lọt lòng đến lúc ông mất, với hàng chục trận đánh của nghĩa quân Yên Thế khiến thực dân Pháp run sợ. Trong tác phẩm có nội dung liên quan đến sự kiện Đề Thám lấy đình Đông (thuộc tổ dân phố Đông, phường Bích Động) làm nơi quy tụ binh sĩ, tế cờ khởi nghĩa sau khi Đề Nắm bị sát hại. Mở đầu bài thơ, tác giả kể lại:
“Từ làng Chũng, Ngọc Châu Yên Thế
Nảy sinh ra thế hệ anh hùng
Chuyện rằng Thám mới lọt lòng
Mẹ cha mất sớm ở cùng chú nuôi”
Đoạn kết bài thơ, tác giả miêu tả những năm tháng cuối cùng của cụ Đề Thám:
“Sau Cụ Thám trở về làng Chũng
Được bà con ai cũng chở che
Giả danh một cụ làm nghề
Ngày ngày đan lát để che mắt thù
Tuổi già yếu ngàn thu vĩnh biệt
Đến bây giờ, ai biết mộ đâu?
Mất đi thủ lĩnh áo nâu
Nhân dân thương tiếc, buồn rầu đau thương
Gương Đề Thám kiên cường chiến đấu
Đem gan vàng giãi thấu non sông
Trọn đời bất khuất kiên trung
Cụ Đề sống mãi trong lòng nhân dân”.
Sau nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu, năm 2023, ông Hòe biên soạn cuốn “Đình Đông, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt”. Trong đó ông có chỉnh sửa, in trọn “Trường ca Hoàng Hoa Thám”, tập hợp một số nội dung khác về đình Đông. |
Theo lời kể của ông Hòe, năm 1985, bác ruột ông là cụ Nguyễn Văn Tĩnh (SN 1900, con trai Đốc Bình) qua đời. Vì ông Hòe có vốn văn chương nên trước khi mất, cụ Tĩnh trao cho ông bản viết tay (đã cũ nát) tác phẩm thơ về cuộc Khởi nghĩa Yên Thế. Ông Hòe mang đi đánh máy, in, đóng quyển (khổ nhỏ) với tựa đề “Khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám” để lưu giữ. Sau nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu, năm 2023, ông Hòe hoàn thành cuốn “Đình Đông, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt”. Trong đó ông có chỉnh sửa, in trọn tác phẩm “Khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám” (đổi tên thành “Trường ca Hoàng Hoa Thám”) cùng một số nội dung khác như: Sơ lược, tóm tắt di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình Đông; hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án tôn tạo, tu bổ di tích lịch sử văn hóa huyện Việt Yên (nay là thị xã Việt Yên), hạng mục: Di tích quốc gia đặc biệt đình Đông; bản quy hoạch, thiết kế, phối cảnh đình Đông sau khi được cải tạo...
Anh Tống Văn Tưởng, cán bộ phụ trách Văn hóa - Thể thao phường Bích Động cho biết: “Cuốn “Đình Đông, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt” và “Trường ca Hoàng Hoa Thám” là những tài liệu quý không chỉ của cá nhân ông Hòe mà còn của cả người dân Bích Động. Ông Hòe am tường lịch sử, được ví như “pho sử sống” của đình Đông nên cứ có khách quý đến tham quan di tích, chúng tôi thường mời ông ra đình kể chuyện”.
Sau khi tìm hiểu về "Trường ca Hoàng Hoa Thám", tôi mạn đàm với nhà văn Đỗ Nhật Minh, nhà thơ Tô Hoàn và nhà nghiên cứu lịch sử Trần Văn Lạng (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang). Các ông đều cho rằng “Trường ca Hoàng Hoa Thám” là tư liệu quý, có giá trị lịch sử. Ngành Văn hóa nên khảo cứu, xem xét nguồn gốc, tác giả trường ca (hay còn gọi là diễn ca) để có hướng biên tập, hiệu đính, bảo tồn. Nếu đủ điều kiện, có thể in thành sách lưu giữ và phổ biến rộng rãi trong nhân dân, nhất là tại Nhà trưng bày Khởi nghĩa Yên Thế, thị trấn Phồn Xương (Yên Thế).
Thông tin trong cuốn “Đình Đông, di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia đặc biệt”, nhất là "Trường ca Hoàng Hoa Thám" giúp người dân dễ nhớ, dễ hiểu về cuộc Khởi nghĩa Yên Thế cũng như giai đoạn lịch sử dân tộc ta vùng lên chống ách đô hộ của thực dân Pháp. Tâm huyết gìn giữ bản trường ca này, thầy giáo Thân Văn Hòe mong muốn thế hệ mai sau có thêm một “kênh” tư liệu tham khảo về lịch sử quê hương, để mỗi khi về đình Đông, du khách có thể tìm đọc, nghiên cứu.
Ý kiến bạn đọc (0)