NATO gia tăng áp lực lên các nước thành viên về chi tiêu quốc phòng
Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang ngày càng gia tăng áp lực lên các thành viên châu Âu và Canada để tăng cường chi tiêu quốc phòng.
Tổng thư ký NATO, ông Mark Rutte đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ, thúc giục các quốc gia đạt mục tiêu chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng "trước mùa Hè" năm nay.
![]() |
Tổng thư ký NATO Mark Rutt. |
Phát biểu trước thềm cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO tại Brussels ngày 12/2, ông Rutte nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường năng lực phòng thủ của liên minh. Ông cho biết NATO đang xây dựng "các mục tiêu đầy tham vọng mới" về năng lực cho các quốc gia thành viên, nhằm đảm bảo liên minh có đủ người và trang thiết bị để đối phó với các thách thức an ninh. "Để làm được điều này, nhiều đồng minh, đặc biệt là ở châu Âu và Canada, cần đầu tư nhiều hơn", ông Rutte nói. Ông cũng đặc biệt kêu gọi các quốc gia hiện chưa đạt mục tiêu 2% GDP, trong đó có Bỉ, "hãy làm điều đó trước mùa Hè".
Quan chức NATO ghi nhận rằng các thành viên châu Âu và Canada đã có những tiến bộ đáng kể trong việc tăng chi tiêu quốc phòng. Kể từ khi cam kết dành 2% GDP cho lĩnh vực này vào năm 2014, tổng chi tiêu quốc phòng của nhóm nước này đã lên tới 700 tỷ USD (674,8 tỷ euro). Riêng trong năm 2023, con số này đạt 485 tỷ USD (467,5 tỷ euro), tăng gần 20% so với năm trước đó. Dù vậy, ông Rutte vẫn nhấn mạnh cần làm nhiều hơn nữa để đạt được những gì cần thiết cho răn đe và phòng thủ của khối.
Lời kêu gọi của Tổng Thư ký NATO được đưa ra trong bối cảnh Mỹ, thành viên chủ chốt của liên minh, liên tục gây áp lực lên các đồng minh châu Âu về vấn đề chi tiêu quốc phòng. Washington từ lâu đã chỉ trích các nước châu Âu không đóng góp đủ vào an ninh chung của liên minh.
Tuy nhiên, lời kêu gọi tăng chi tiêu quốc phòng cũng vấp phải sự phản đối từ một số quốc gia thành viên, vốn đang phải đối mặt với những khó khăn kinh tế. Các nước lớn như Đức và Italy đều bày tỏ sự không đồng thuận với yêu cầu của Mỹ về việc chi 5% GDP cho quốc phòng. Các quốc gia này cho rằng con số đó không thực tế, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Ngoài vấn đề chi tiêu, ông Rutte cũng đề cập đến việc sản xuất trong ngành công nghiệp quốc phòng cần được đẩy mạnh trên toàn bộ các quốc gia thành viên, bao gồm cả Mỹ. Ông cho biết ngày 13/2, các Bộ trưởng Quốc phòng sẽ thảo luận về các biện pháp nhằm tăng cường năng lực sản xuất quốc phòng xuyên Đại Tây Dương.
Ý kiến bạn đọc (0)