Lộ diện 2 tỉnh tăng trưởng kinh tế cao nhất nhì cả nước năm 2022
Tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Khánh Hòa khóa VII đánh giá các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2022 diễn ra mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, GRDP của tỉnh ước tăng 20,7%, là mức cao nhất cả nước sau 2 năm tăng trưởng âm, do tác động nặng nề của dịch bệnh Covid-19.
Năm 2022, GRDP của tỉnh Khánh Hòa ước tăng 20,7%, là mức cao nhất cả nước sau 2 năm tăng trưởng âm. |
Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh đạt 84.050 tỷ đồng, tăng 52,4% so cùng kỳ; doanh thu du lịch ước đạt 13.500 tỷ đồng, tăng 5,6 lần so với cùng kỳ.
Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 22,9%, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tăng 54,1%. Thu ngân sách nhà nước của Khánh Hòa ước đạt 16.016 tỷ đồng, vượt 33,3% dự toán và tăng 13,8% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Khánh Hòa đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do sức cầu của nền kinh tế vẫn còn yếu.
Cụ thể, thu - chi ngân sách gặp nhiều khó khăn; hoạt động kinh doanh của người dân, doanh nghiệp không được thuận lợi; triển vọng tăng trưởng kinh tế - xã hội trong tháng cuối của năm 2022 và dự kiến năm 2023 sẽ rất khó khăn...
Đứng sau Khánh Hòa, Bắc Giang là tỉnh đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong năm 2022.
Bắc Giang là tỉnh đứng thứ hai về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong năm 2022, ước đạt 19,8%. |
Mới đây, theo báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2022 của tỉnh Bắc Giang, GRDP của tỉnh ước đạt 19,8% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước.
Cụ thể, GRDP cả năm ước đạt 19,8% (gấp gần 2,5 lần bình quân chung cả nước), cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 2 cả nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện. Quy mô GRDP được mở rộng, ước đạt 155,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 6,5 tỷ USD, vượt 2,5% kế hoạch; GRDP bình quân đầu người đạt 3.400 USD, tăng 15,3% và vượt 3% kế hoạch đề ra. Cơ cấu kinh tế cũng dịch chuyển tích cực.
Sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) cả năm tăng 30%. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn duy trì tăng trưởng ổn định. Các sản phẩm nông sản trọng điểm đều được mùa, tiêu thụ thuận lợi; đến hết năm, toàn tỉnh có 205 sản phẩm OCOP, tăng 50 sản phẩm so với năm 2021, vượt 13,9% kế hoạch.
Thu hút đầu tư đạt kết quả khá tích cực; đã thu hút được trên 1,3 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi, tăng 17%; tính riêng thu hút đầu tư FDI, Bắc Giang xếp thứ 9 cả nước.
Trong năm 2022, có hơn 1.400 doanh nghiệp và 130 chi nhánh, văn phòng đại diện thành lập mới, tăng 22% so với năm 2021. Các hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi và phát triển mạnh mẽ. Tổng vốn đầu tư phát triển cả năm ước đạt 74.700 tỷ đồng, tăng 18,9% so với năm 2021, vượt 3,4% kế hoạch.
Tổng thu ngân sách nhà nước đạt gần 17,8 nghìn tỷ đồng, vượt 24,7% dự toán. Hạ tầng kinh tế- xã hội được cải thiện đáng kể; các nguồn lực đất đai tài nguyên được quan tâm, sử dụng hiệu quả hơn; công tác bảo vệ môi trường cũng được chú trọng.
Theo Quỳnh Chi (Arttimes)
Ý kiến bạn đọc (0)