Chuyển mùa, gia tăng bệnh nhân nhiễm cúm A
BẮC GIANG - Vài tuần trở lại đây, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám, xét nghiệm, chẩn đoán nhiễm cúm A. Số ca mắc đang có xu hướng tăng, trong đó một số bệnh nhân diễn biến nặng, gây khó khăn trong quá trình điều trị.
Số ca nhiễm cúm tăng
Tìm hiểu tại một số bệnh viện, bệnh nhân nhập viện do cúm A tăng trong vài ngày gần đây. Phần lớn, người bệnh khi vào viện đều trong tình trạng sốt cao, kéo dài, thậm chí có những bệnh nhân đã bị biến chứng như: Viêm phổi, viêm tai giữa, suy hô hấp.
Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nhiễm cúm A tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). |
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, trong một tuần (từ ngày 20 đến 27/11), mỗi ngày có từ 50-60 lượt người đến khám do có triệu chứng cúm, tăng gấp 7-8 lần so với ngày thường. Số bệnh nhân điều trị nội trú từ 5-8 người, số còn lại chủ yếu được bác sĩ chỉ định điều trị ngoại trú theo đơn thuốc. Như trường hợp bệnh nhân Phạm Thị Xuân (SN 1948) ở xã Khám Lạng (Lục Nam) nhập viện trong tình trạng ho, sốt, khó thở. Bác sĩ chỉ định xét nghiệm, kết quả dương tính với cúm A. Do xuất hiện tình trạng bội nhiễm gây viêm phổi, dẫn đến suy hô hấp, bác sĩ phải cho bệnh nhân thở ô xy. Một số bệnh nhân mắc trọng bệnh, khi nhiễm cúm A phải được theo dõi, điều trị nghiêm ngặt theo phác đồ. Bệnh nhân Tống Văn Quang (SN 1955), ở xã Bảo Đài (Lục Nam) đang chạy thận nhân tạo bị nhiễm cúm A được chuyển sang Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) điều trị cách ly nhằm bảo đảm không diễn biến xấu.
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho biết: “Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus gây ra với nhiều chủng: A/H1N1, A/H3N2, A/H5N1, A/H7N9 nhưng thường gặp nhất là cúm A/H1N1. Bệnh nhân có thể bị sốt cao hơn 38 độ C, đau họng, ho, ngạt mũi, đau đầu, ớn lạnh, đau nhức toàn thân. Hầu hết những người bị bệnh có thể hồi phục sau 1 tuần khi triệu chứng giảm dần. Tuy nhiên, bệnh có thể kéo dài, tái nhiễm nhiều lần ở trẻ em, người già, người mắc bệnh mạn tính, sức đề kháng kém. Vì vậy, bệnh cúm A cần được phát hiện, chẩn đoán sớm để có biện pháp điều trị kịp thời”.
Theo giám sát dịch tễ của Sở Y tế, tháng 11/2024, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 lượt bệnh nhân nhiễm cúm đến khám tại các cơ sở y tế, trong đó có từ 5-7% ca nặng phải nhập viện điều trị nội trú. |
Những ngày này, Khoa Khám bệnh của Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang và một số trung tâm y tế các huyện như: Hiệp Hòa, Lục Ngạn, Tân Yên, Yên Dũng đều có từ 50-70 lượt bệnh nhân khám cúm mỗi ngày. Do là bệnh truyền nhiễm nên các cơ sở y tế bố trí phòng khám, điều trị cách ly. Các cơ sở y tế đều ghi nhận nhiều trường hợp lây nhiễm chéo cúm A trong trường học, gia đình, nơi làm việc. Mới đây, một số trường như: Tiểu học Lê Hồng Phong, Tiểu học Đông Thành (TP Bắc Giang) có nhiều học sinh nhiễm cúm A. Thậm chí có một số lớp cả giáo viên và học sinh đều nhiễm bệnh.
Theo giám sát dịch tễ của Sở Y tế, tháng 11/2024, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 lượt bệnh nhân nhiễm cúm đến khám tại các cơ sở y tế, trong đó có từ 5-7% ca nặng phải nhập viện điều trị nội trú. Số lượng bệnh nhân mắc cúm trong cộng đồng có thể nhiều hơn nhiều lần do người dân chủ quan không đến cơ sở y tế mà tự mua thuốc điều trị vì nghĩ rằng đây là những triệu chứng thông thường, năm nào cũng bị. Phần lớn bệnh nhân mắc cúm A nhập viện điều trị do biến chứng gây viêm phổi, viêm tai giữa, thậm chí có thể gây viêm cơ tim, viêm màng não.
Đặc biệt, với người trên 65 tuổi, trẻ em dưới 2 tuổi và người mắc các bệnh mạn tính như: Hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đái tháo đường, bệnh dễ diễn tiến nặng xuống đường hô hấp dưới, thậm chí phải hỗ trợ thở ô xy. Với phụ nữ đang mang thai nếu mắc cúm A càng nguy hiểm hơn bởi có thể dẫn đến lưu thai, sẩy thai, dị tật thai nhi. Mặc dù nhiều bệnh nhân cúm A nhưng các cơ sở y tế đều bố trí, sắp xếp khám, tư vấn, xét nghiệm, điều trị khoa học, nhanh chóng, thuận lợi. Các ca bệnh nặng được bác sĩ tập trung hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, chưa có trường hợp phải chuyển tuyến Trung ương.
Nên tiêm vắc-xin phòng bệnh
Theo kết quả giám sát, các chủng virus hiện đang lưu hành trên địa bàn tỉnh chủ yếu là cúm A/H1N1, cúm A/H3N2, chưa ghi nhận các chủng virus cúm có độc lực cao lây truyền từ gia cầm sang người như cúm A/H5N1, A/H5N6, A/H7N9 và chưa phát hiện có sự đột biến gen ở các chủng này.
Theo các bác sĩ điều trị bệnh truyền nhiễm, virus cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24-48 giờ trên các bề mặt như: Bàn, ghế, tay nắm cửa, cầu thang; tồn tại trong quần áo từ 8-12 giờ và duy trì khoảng 5 phút trong lòng bàn tay. Virus này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước, có thể sống đến 4 ngày trong môi trường nước ở 22 độ C và sống đến 30 ngày ở 0 độ C.
Virus cúm A lây truyền qua đường hô hấp, qua các giọt bắn khi tiếp xúc gần với người bệnh, có khả năng lây nhiễm cao và rất nhanh trong cộng đồng, thường xuất hiện vào thời điểm chuyển mùa với các triệu chứng dễ nhầm lẫn với cúm thông thường như: Ho, chảy mũi, nghẹt mũi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, hắt hơi, đau họng, đau nhức cơ thể... Khác với cúm mùa thông thường chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, virus cúm A có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Theo ông Từ Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở Y tế, để chủ động phòng, chống bệnh, ngành Y tế khuyến cáo người dân tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe, ăn uống đủ dinh dưỡng, bổ sung vitamin và khoáng chất; không tiếp xúc với người có biểu hiện mắc các bệnh đường hô hấp, đeo khẩu trang khi ở nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sát khuẩn tay; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Người dân khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.
Bác sĩ dự phòng khuyến cáo người dân cần tiêm vắc-xin cúm để phòng bệnh. Từ 70-90% người tiêm vắc-xin sẽ không bị nhiễm cúm. Người dân (từ 6 tháng tuổi trở lên) cần được tiêm phòng cúm hàng năm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ. Nên tiêm phòng trước mùa cúm vào khoảng tháng 8, tháng 9 hằng năm để phòng bệnh hiệu quả, bởi bệnh cúm xảy ra quanh năm nhưng dễ mắc nhất vào thời tiết lạnh của mùa đông. Người dân không nên quá lo lắng, tự ý mua thuốc tamiflu sử dụng không theo chỉ định của bác sĩ. Bởi tamiflu là thuốc kháng virus, không dùng để điều trị cảm cúm thông thường và chỉ có tác dụng trong 48 giờ đầu. Thuốc sẽ nguy hiểm với bệnh nhân vừa tiêm vắc-xin cúm trong 2 tuần, bệnh nhân đang mang thai hoặc cho con bú, người có tiền sử mắc các bệnh về thận, tim, phổi.
Ý kiến bạn đọc (0)