Khắc phục bất cập, bảo vệ môi trường các khu công nghiệp
Môi trường ô nhiễm
Theo phản ánh của người dân thôn My Điền 1, xã Hoàng Ninh (Việt Yên), thời gian gần đây, hồ điều hòa KCN Đình Trám bị ô nhiễm nghiêm trọng. Đây là công trình nằm giữa KCN và dân cư, được xây dựng với mục tiêu tạo cảnh quan môi trường, tiêu úng trong khu vực. Tuy nhiên giờ đây nước hồ đen ngòm, bốc mùi hôi thối, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và công nhân thuê trọ trên địa bàn. Nguyên nhân là do nước thải tại các doanh nghiệp (DN) trong KCN đổ về khu vực này. Rác thải tại các nhà hàng, điểm bán hàng rong cũng xả thẳng xuống hồ. Chính quyền và người dân địa phương đã nạo vét, thu gom rác, thả bèo, trồng sen… nhưng những cây trồng này đều không thể sống được.
![]() |
Giai đoạn 2 dự án nâng công suất xử lý tại Trạm xử lý nước thải KCN Quang Châu vừa hoàn thành. |
Cách đó không xa, kênh T6 dẫn nước từ KCN Đình Trám chạy qua các xã Hoàng Ninh, Hồng Thái (Việt Yên) cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng, trở thành nỗi ám ảnh đối với người dân. Ông Ngô Ngọc Cương, Chủ tịch HĐQT, Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng KCN Bắc Giang cho rằng, nguyên nhân là do Trạm xử lý nước thải tập trung tại KCN được xây dựng từ nhiều năm trước và chỉ có thể xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn B, chưa đạt tiêu chuẩn quy định hiện hành. Trong khi đó, máy móc, công nghệ của trạm đã lạc hậu, xuống cấp, thường xuyên xảy ra sự cố. Hiện nay, tại KCN Đình Trám có khoảng 30 DN thuê lại nhà xưởng.
Trước đây, các đường ống xả thải chỉ thiết kế phục vụ một DN được chấp thuận đầu tư, nay nhiều DN thuê lại tự ý đấu nối vào hệ thống này khiến đường ống quá tải, tràn nước thải ra ngoài.
Tương tự, Trạm xử lý nước thải tập trung tại Khu phía Bắc, KCN Song Khê-Nội Hoàng mới chỉ được đưa vào vận hành thử nghiệm; hệ thống rãnh thu gom nước thải tại khu phía Nam KCN này đã xuống cấp, rò rỉ. Tình trạng DN xả thải vượt quá quy chuẩn cũng diễn ra phổ biến; 3 năm gần đây đã có hơn 20 DN bị phát hiện, xử lý các vi phạm liên quan.
Không chỉ nước thải, tình trạng quản lý rác thải nguy hại cũng đang bộc lộ những lỗ hổng, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến thảm họa môi trường. Nhiều đơn vị đầu tư hạ tầng không nắm được chủ nguồn thải, số lượng, tình trạng sử dụng chất thải nguy hại tại các KCN. Từ đầu năm đến nay đã có 3 DN là Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật năng lượng mặt trời Boviet (KCN Song Khê - Nội Hoàng), Công ty TNHH DYT Việt Nam, Công ty TNHH Vật liệu điện tử Việt Nam (KCN Vân Trung) bị phát hiện, xử lý hành vi chuyển giao, bán chất thải nguy hại cho đơn vị không có chức năng xử lý.
Tăng cường phối hợp, lập lại trật tự
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, hiện các KCN tỉnh có hơn 200 DN hoạt động, lượng nước thải ra môi trường khoảng 12,5 nghìn m3/ngày đêm; mỗi ngày có hàng nghìn tấn rác thải nguy hại được thải ra từ các DN nhưng chưa được quản lý, thu gom, xử lý triệt để, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến đời sống, điều kiện làm việc của hơn 86 nghìn công nhân và hàng chục nghìn hộ dân tại các vùng lân cận. Thống kê cho thấy, từ năm 2017 đến nay, các đơn vị chức năng đã phát hiện, xử lý 19 DN, tổng số tiền phạt hơn 2,4 tỷ đồng do vi phạm các quy định về BVMT.
![]() Với trách nhiệm là đơn vị đầu tư, kinh doanh hạ tầng KCN Quang Châu, Công ty đã đầu tư 50 tỷ đồng xây dựng giai đoạn 2, nâng công suất Trạm xử lý nước thải tập trung của KCN từ 3 nghìn lên 9 nghìn m3/ngày đêm". Ông Lê Xuân Trung, Phó Giám đốc kỹ thuật - xây dựng, Công ty cổ phần KCN Sài Gòn - Bắc Giang |
Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc thu hút đầu tư vào các KCN chưa theo đúng quy hoạch phân lô trong báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) được duyệt; diện tích đất trồng cây xanh, mặt nước chưa đạt tiêu chuẩn (tối thiểu đạt 10% tổng diện tích KCN theo quy định). Nhiều DN chưa có ý thức BVMT, chưa hoàn thiện ĐTM và cam kết bảo vệ môi trường trước khi đi vào hoạt động. Một số DN chỉ hoàn thiện hồ sơ pháp lý liên quan để đối phó nhưng thực tế lại tìm cách xả thải, bán rác thải nguy hại cho đơn vị không có chức năng vận chuyển, xử lý để trục lợi… Trong khi đó, vai trò quản lý DN trong KCN của đơn vị đầu tư, kinh doanh hạ tầng còn hạn chế; còn thiếu sự phối hợp quản lý giữa các cấp, ngành, cơ quan chức năng trong kiểm tra, xử lý đơn vị vi phạm. Các quy định liên quan đến vấn đề BVMT tại các KCN còn chồng chéo, chưa xác định cụ thể hành vi, chế tài xử lý gây khó khăn cho công tác BVMT...
Để khắc phục tình trạng trên, ông Lê Bá Xuyên, Phó trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cho biết: Thời gian tới, Ban sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan như Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, UBND huyện Việt Yên, Yên Dũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức BVMT của DN, người dân trên địa bàn. Tăng cường quản lý nguồn thải, hướng dẫn DN hoàn thiện thủ tục pháp lý, thực hiện đầy đủ các giải pháp BVMT. Gắn trách nhiệm các công ty đầu tư hạ tầng trong quản lý, đôn đốc, kịp thời phát hiện trường hợp vi phạm liên quan. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, kiên quyết lập lại trật tự trong công tác BVMT tại các KCN.
Ý kiến bạn đọc (0)