Hiểu luật để sống hạnh phúc
Có thể nói lần đầu tiên nước ta có một đạo luật quy định về một sự kiện chính trị, pháp lý được tổ chức hằng năm để tôn vinh pháp luật và những người làm công tác pháp luật, đủ để cho thấy tầm quan trọng của pháp luật.
Chủ đề của Ngày Pháp luật Việt Nam năm nay được Bộ Tư pháp chọn là: Toàn ngành Tư pháp nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác xây dựng và thi hành pháp luật, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp đẩy lùi đại dịch Covid-19 và phát triển kinh tế - xã hội, thiết thực chào mừng Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Chủ đề này hướng tới việc nâng cao hiệu quả xây dựng, thực thi pháp luật để đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp phát triển KT- XH. Điều này hoàn toàn cần thiết bởi ngoài sự nỗ lực của Chính phủ trong xây dựng, cải thiện nền luật pháp quốc gia minh bạch còn là sự thực thi, chấp hành pháp luật của mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Hay nói đơn giản, muốn công bằng, văn minh, phải sống và làm việc theo pháp luật.
Tính đến thời điểm này, các bộ luật, luật của nước ta gần như đầy đủ ở mọi lĩnh vực của đời sống, bảo đảm quyền lợi công dân, phát huy quyền làm chủ của người dân. Luật cũng được sửa đổi, bổ sung để phù hợp với sự phát triển của xã hội, phù hợp với quá trình hội nhập toàn cầu, với nền kinh tế thị trường và với những đòi hỏi ngày càng cao về mặt quyền con người.
Về phía người dân, do làm tốt công tác tuyên truyền nên đa phần ý thức chấp hành pháp luật nâng lên. Tuy vậy, ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân trí thấp, thậm chí ở ngay thành phố, thị xã, thị tứ, tình trạng không hiểu biết, nói không với pháp luật vẫn diễn ra. Đơn cử như ngay trong mỗi gia đình, nhiều người nghĩ việc chồng đánh vợ, bố mẹ đánh con là chuyện “nội bộ”, không vi phạm pháp luật. Hay việc tảo hôn, nhiều người cho là bình thường nhưng khi được giải thích, mới vỡ lẽ là vi phạm pháp luật.
Gần đây người dân tranh luận về việc bán hàng trên vỉa hè, tràn xuống lòng đường hè phố. Không ít người “bênh” người vi phạm, thậm chí có những lời bình luận khiếm nhã rằng cán bộ có lương, dân nghèo nghề không có, nghiệp không mới phải trông vào vỉa hè kiếm sống… Nếu cứ lập luận như vậy, theo kiểu cảm tính, chủ quan thì còn đâu kỷ cương, phép nước.
Pháp luật sinh ra để phục vụ lợi ích cho chính công dân, vì thế người dân phải chủ động nắm vững luật pháp, tạo thói quen chấp hành nghiêm pháp luật. Cùng đó, những người thực thi pháp luật cũng cần bằng nhiều cách để tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân. Bởi hiểu luật sẽ giúp chúng ta sống đúng và hạnh phúc hơn.
Hương Thu
Ý kiến bạn đọc (0)