Giọt nước tràn ly
Có nhiều chuyên gia đầu ngành xót xa khi một bộ phận lực lượng kế cận dần rời bỏ bệnh viện công, không có nhu cầu ở lại để được truyền nghề. Phải chăng nghề y không còn mặn mà hay bệnh viện công không còn hấp dẫn, không đủ sức giữ chân họ trước nhiều ngã rẽ khác.
Theo thống kê của Bộ Y tế, năm 2021, cả nước có gần 5,3 nghìn viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc. Chỉ trong 6 tháng đầu năm nay, con số này đã lên hơn 4,1 nghìn trường hợp.
Tại Bắc Giang, năm trước có 42 viên chức trong các đơn vị sự nghiệp đã thôi việc, bỏ việc thì 5 tháng đầu năm nay có 21 công chức, viên chức “dứt áo ra đi”. Đáng tiếc là trong số này có 10 bác sĩ mà một nửa trình độ sau đại học, có cả trường hợp là phó giám đốc bệnh viện tuyến tỉnh, trưởng phòng thuộc sở...
Một lãnh đạo của Bộ Y tế phân tích, để có một bác sĩ với kỹ năng thực hành y khoa được người bệnh công nhận, ít nhất phải có chục năm đào tạo, tập huấn, cập nhật kiến thức liên tục. Khi đó họ đã hơn 30 tuổi và phải đối mặt với gánh nặng, trách nhiệm về gia đình trong khi lương khoảng 5-7 triệu đồng/tháng thì không thể yên tâm công tác và cống hiến.
Trong khi đó nhiều nghề nghiệp, công việc phổ thông hiện cũng được trả 9-10 triệu đồng/tháng. Còn theo đại diện lãnh đạo Sở Y tế Bắc Giang, cách tính lương “cào bằng” đại học y với một số ngành khác là chưa hợp lý, có sự chênh lệnh cao về thu nhập giữa y tế công lập và ngoài công lập khiến nhiều người xin “chuyển ra làm ngoài”!
Nguyên nhân nữa còn do nhân viên y tế luôn phải đối mặt với nhiều áp lực trong công việc, nhất là khủng hoảng tâm lý trong các đợt dịch Covid-19 vừa qua. Cùng đó là môi trường làm việc độc hại, nhiều nơi trang thiết bị còn thiếu, không phát huy được khả năng của bản thân.
Một số y, bác sĩ chuyển sang bệnh viện tư làm việc được đánh giá, nhìn nhận đúng năng lực nên cảm thấy thoải mái hơn. Tuy nhiên đa số đều cho rằng, vấn đề nổi cộm, cơ bản nhất dẫn đến tình trạng trên vẫn là do thu nhập, chế độ đãi ngộ đối với nhân viên y tế công lập hiện còn nhiều điểm chưa phù hợp.
Các đợt dịch vừa qua như giọt nước làm tràn ly bởi công việc của cán bộ, nhân viên ngành y tế vốn đã nhiều áp lực lại thêm cường độ cao và thời gian lao động nhiều hơn nữa, trong khi có nơi thù lao trực thấp, không thỏa đáng với công sức, đóng góp của lực lượng tuyến đầu này.
Ở các cơ sở y tế có nhân viên “dứt áo ra đi” sẽ phải mất rất nhiều năm nữa mới đào tạo, huấn luyện được một lứa cán bộ, nhân viên y tế có tay nghề, chuyên môn cao. Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt bác sĩ, nhân viên y tế lành nghề chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng công tác khám, chữa bệnh và người bệnh sẽ là đối tượng bị tác động nhiều nhất.
Được biết ngày 11/7, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ liên quan tới việc khẩn trương thực hiện nhanh, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH đối với nội dung thuộc lĩnh vực y tế.
Theo đó, Bộ Y tế chủ trì rà soát, tổng hợp số nhân lực bỏ việc, thôi việc, chuyển sang cơ sở y tế ngoài công lập và chủ động có giải pháp bảo đảm đủ nguồn nhân lực để thực hiện công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân trên phạm vi cả nước.
Nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết triệt để tình trạng trên, về lâu dài phải có những chính sách tăng sức hấp dẫn của các bệnh viện công lập mới có thể giữ chân bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc ở khu vực này.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)