Cho ngày sum họp Bắc - Nam thêm gần
BẮC GIANG - Bên cạnh nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên của Nhân dân, trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng công an đã chi viện cho chiến trường hơn chục nghìn cán bộ ưu tú, giúp cơ quan an ninh miền Nam lớn mạnh, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ý chí cao, quyết tâm lớn
Với tinh thần "tất cả vì miền Nam ruột thịt", góp phần thống nhất đất nước, Bắc - Nam sum họp, hơn 11.200 cán bộ, chiến sĩ công an ở miền Bắc đã được lựa chọn để bồi dưỡng, huấn luyện chi viện cho chiến trường. Trong số này, tỉnh Bắc Giang có 48 đồng chí. Đại tá Nguyễn Thế Tuyên (sinh năm 1932) ở tổ dân phố Giá, phường Nội Hoàng (thành phố Bắc Giang), nguyên Trưởng Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh là một trong số đó. Ở tuổi 93 với 65 năm tuổi Đảng, ông vẫn nhớ từng kỷ niệm trong 4 năm ở chiến trường miền Nam. Ông kể, cuối năm 1972, lúc đó ông đang là Phó trưởng Phòng An ninh, Công an tỉnh thì nhận được nhiệm vụ tham gia lớp bồi dưỡng ở Học viện An ninh nhân dân (Hà Nội) cùng với 20 học viên ở các địa phương khác.
![]() |
Cán bộ, chiến sĩ công an miền Bắc lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam. Ảnh tư liệu. |
"Có điểm chung là tất cả chúng tôi đều đang công tác ổn định, đã có gia đình, vợ con. Chi viện cho chiến trường miền Nam đồng nghĩa với việc xa vợ trẻ, con thơ; có ngày đi mà không hẹn ngày về". Lúc nhận nhiệm vụ, ông Tuyên đã có 5 người con. “Tôi yên tâm vào Nam vì vợ tôi - một nhân viên bách hóa tổng hợp sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, luôn động viên và tạo thuận lợi cho tôi làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên”- ông kể.
Lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam có hơn 11,2 nghìn cán bộ, chiến sĩ, trong đó 909 đồng chí hy sinh, 46 đồng chí bị địch bắt tù đày. Ghi nhận những cống hiến to lớn, năm 2020, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng này. |
Trước khi đi, những người được chọn phải qua một thời gian luyện tập để chuẩn bị cho cuộc hành quân đường dài. “Chúng tôi tập ở sân vận động Sơn Tây (tỉnh Hà Tây cũ), rồi ở Nhổn (Hà Nội). Ban ngày học nghiệp vụ, ban đêm rèn luyện sức khỏe, đi dép cao su, đeo ba lô nặng chừng 30 kg ở lưng, trước ngực. Trong ba lô khi thì để bao gạo, khi lại xếp gạch đá hay quân tư trang. Luyện tập cường độ cao đến nỗi người khỏe mạnh, là thành viên đội bóng chuyền, bóng đá như tôi mà còn cảm thấy rất mệt”, ông nhớ lại.
Sau thời gian huấn luyện, hơn 20 học viên trong lớp đã vào Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế, Quân cảng Cam Ranh. Nhiệm vụ của ông Tuyên và đồng đội là khai thác thông tin của Việt gian, gián điệp, tề ngụy và các đảng phái phản động. Tài liệu khai thác được chuyển ngay cho cấp trên.
Cũng có mặt trong đội hình chi viện cho miền Nam, Đại tá Lê Đức Thuận (sinh năm 1942), ở xã Khám Lạng (Lục Nam), nguyên Giám thị Trại giam Ngọc Lý kể: "Đầu năm 1974, lúc đó tôi là Chính trị viên thuộc Công an vũ trang tỉnh Hà Bắc thì được lựa chọn chi viện cho miền Nam. Tham gia đội hình này phải là những người có kinh nghiệm, trình độ và hầu hết là đảng viên. Nếu ai bi quan, có biểu hiện lung lay ý chí là phải ở lại".
![]() |
Ông Lê Đức Thuận kể về những kỷ niệm thời chiến. |
Thử thách đầu tiên là mọi người phải trải qua huấn luyện nghiêm ngặt và rèn luyện sức khỏe. Sau đó là hành quân vượt Trường Sơn, đi vào tỉnh Quảng Bình, sang đất bạn Lào. Cuộc sống kham khổ, bữa ăn với rau rừng nước suối, đói cơm nhạt muối, thiếu từng viên thuốc chữa bệnh. Lúc mới đi chân còn dẻo, tinh thần hăng hái nhưng rồi một số người không chịu nổi những cơn sốt rét phải trở về tuyến sau, những người bước tiếp phải vượt qua bằng ý chí mạnh mẽ. Đoàn quân cứ đi như thế, xuyên đêm trong nhiều ngày, đến đầu tháng 4 thì vào đến Khu 5 và bắt tay ngay thực hiện nhiệm vụ.
Được Nhân dân yêu thương, ủng hộ
Nhận nhiệm vụ, cán bộ công an chi viện chiến trường miền Nam đã không quản hy sinh, gian khổ, vượt qua mọi khó khăn, cùng đồng chí, đồng bào xây dựng lực lượng chính trị, phát động Nhân dân phá thế kìm kẹp của Mỹ và chính quyền Sài Gòn; tích cực diệt ác, trừ gian; làm trong sạch địa bàn, bóc gỡ mạng lưới tình báo, gián điệp, cơ sở của địch, bảo vệ an toàn các cơ quan của Đảng, căn cứ cách mạng, bảo vệ lực lượng, các trận địa, mục tiêu, cơ sở kinh tế, quốc phòng; ổn định tình hình vùng giải phóng. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cán bộ đã phối hợp chặt chẽ với Nhân dân.
Ông Tuyên kể: "Bà con bảo bị giặc đàn áp khổ lắm, chúng dồn dân lập ấp không cho làm ăn gì. Những người nào chúng nghi ngờ đi theo quân giải phóng là bị đánh đập, bắt bớ. Vì vậy, khi biết chúng tôi là cán bộ Cụ Hồ vào giúp dân thì bà con rất vui và ủng hộ nhiệt tình. Ban đầu lạ nước lạ cái, chưa hiểu rõ phong tục tập quán, đôi khi bà con nói mình nghe không rõ. Vì thế người dân thường vừa nói, vừa ra ký hiệu bằng tay để diễn giải. Họ bảo vệ, che chở, bảo đảm bí mật cho cán bộ, dành cho chúng tôi những món ăn ngon; dặn dò đi ra ngoài phải cẩn thận, nhất là khi ra chợ vì ở đó có nhiều kẻ gian, nếu cần thiết sẽ bố trí người đi theo bảo vệ. Chúng tôi nghe xong thầm cảm ơn, vì họ đâu biết anh em đều là công an".
Để bảo đảm bí mật, tránh bị địch phát hiện là cán bộ công an chi viện, những thứ gì thuộc về miền Bắc như bút, mực Hồng Hà, thuốc lá Sông Cầu, thuốc lào Tiên Lãng… đều không được mang theo. Mọi người không biết tên thật của nhau, tất cả đều dùng bí danh. Đề phòng bị địch bắt, ai cũng chuẩn bị thêm một bộ hồ sơ lý lịch giả. Nếu chẳng may rơi vào tay địch thì khai theo bộ lý lịch giả để không lộ bí mật.
Những cán bộ công an chi viện chiến trường đã góp phần phát triển nhanh lực lượng an ninh tại chỗ, làm chuyển biến tương quan lực lượng giữa ta và địch, tạo điều kiện giúp cơ quan an ninh miền Nam đẩy mạnh nhiệm vụ tấn công diệt ác, trừ gian, bảo vệ cách mạng. Trong những ngày tháng gian khổ mà hào hùng đó, nhiều đồng chí công an thuộc lực lượng chi viện đã hy sinh anh dũng…
Mùa Xuân năm 1975, quân và dân ta làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Nhân dân hai miền Nam - Bắc sum họp một nhà. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng và lực lượng công an tin tưởng giao phó, những cán bộ chi viện cho chiến trường trở về lại tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Ai cũng tự hào vì đã góp một phần làm nên chiến thắng 30 tháng Tư lịch sử.
Ghi nhận những cống hiến to lớn đó, năm 2020, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu cao quý: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho lực lượng công an chi viện chiến trường miền Nam.
Ý kiến bạn đọc (0)