Trở lại Dương Hưu
BẮC GIANG - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, lực lượng dân quân xã Dương Hưu (Sơn Động) đã mưu trí dùng súng trường bắn rơi máy bay địch, góp phần khích lệ quân và dân trong tỉnh nói riêng, cả nước nói chung hăng hái chiến đấu lập công. Hòa bình lập lại, người dân Dương Hưu tiếp tục phát huy truyền thống cha ông, năng động phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, trở thành điểm sáng của huyện vùng cao.
Kiên cường chiến đấu
Trong những ngày tháng Tư, chúng tôi đến thăm ông Nguyễn Xuân Hào, thôn Thán, xã Dương Hưu. Ông là một trong 7 chiến sĩ của Tiểu đội dân quân thôn Thán đã bắn cháy chiếc máy bay A4E của Hải quân Mỹ vào năm 1965. Hiện ông Hào đã 90 tuổi song vẫn còn khỏe và minh mẫn. Trong căn nhà đơn sơ gần chân đồi Nương Khoai, ông Hào say sưa kể lại thời khắc ông cùng đồng đội phục kích bắn máy bay địch: "Khoảng 8 giờ sáng 20/9/1965, chúng tôi đang trực chiến trên đồi Nương Khoai thì phát hiện ở hướng tỉnh Quảng Ninh có nhiều tốp máy bay Mỹ bay qua khu vực Khe Rỗ về phía tỉnh Lạng Sơn. Máy bay địch bay cao với đủ loại to nhỏ. Một lúc sau, pháo phòng không của quân ta bắn lên đỏ rực bầu trời. Chúng tôi nhận định, máy bay địch khi về sẽ bay qua khu vực Dương Hưu, vì thế cả Tiểu đội sẵn sàng nổ súng”.
![]() |
Ông Nguyễn Xuân Hào đứng trên đồi Nương Khoai kể lại trận phục kích bắn cháy máy bay Mỹ. |
Đúng như dự đoán, khoảng 30 phút sau, máy bay địch rút về hướng biển đi qua trận địa của Tiểu đội. Lúc này, máy bay địch bay thấp nhằm tránh tên lửa và pháo cao xạ của ta. "Khi máy bay địch vào đúng tầm ngắm, chúng tôi đồng loạt nhả đạn đón đầu. Tôi thấy một chiếc trúng đạn tóe lửa. Sau đó có người trong thôn chạy lên báo tin nhìn thấy một chiếc máy bay địch bốc cháy, lao xuống khu vực tỉnh Quảng Ninh gần đó. Ngay lập tức, chúng tôi tổ chức lực lượng tiếp cận máy bay để bắt giặc lái", ông Hào nhớ lại.
Khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, từ năm 1965, Tiểu đội dân quân thôn Thán được thành lập với 18 thành viên, do ông Mai Văn Lịch làm Tiểu đội trưởng, ông Hào là Tiểu đội phó. Các thành viên của Tiểu đội đều là người trong thôn, có sức khỏe tốt, nhanh nhẹn, được trang bị súng trường. Hằng ngày, Tiểu đội cắt cử người lên đỉnh đồi Nương Khoai - nơi có điểm cao nhất so với những ngọn đồi khác để canh trực. Nếu phát hiện máy bay địch sẽ gõ mõ báo động để người dân trong thôn kịp sơ tán xuống hầm trú ẩn.
Trong trận phục kích bắn cháy máy bay Mỹ hôm đó có 7 đồng chí của Tiểu đội dân quân thôn Thán tham gia trực chiến. Đây là đơn vị dân quân đầu tiên lập chiến công trong phong trào “dùng súng bộ binh bắn máy bay Mỹ” do tỉnh phát động. Với những thành tích trên, dân quân xã Dương Hưu đã được Hội đồng Chính phủ tặng danh hiệu “Đơn vị Quyết thắng”, Chính phủ tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Ba… Ngay trong năm 1965, ông Hào vinh dự được kết nạp vào Đảng.
Sau khi chiếc A4E bị bắn rơi, quân địch điên cuồng nhiều lần điều máy bay đến ném bom, bắn phá các địa điểm của xã Dương Hưu. Riêng tháng 2/1966, máy bay Mỹ đã bắn phá xã Dương Hưu 36 trận, làm chết và bị thương nhiều người. Trong gian khó, hiểm nguy, cán bộ, Nhân dân Dương Hưu vẫn kiên cường bám trụ địa bàn, vừa tăng gia sản xuất, vừa đánh trả máy bay địch. Nhiều người con của xã hăng hái xung phong lên đường nhập ngũ, vào Nam chiến đấu, trong đó có Tiểu đội trưởng Tiểu đội dân quân thôn Thán Mai Văn Lịch. Ông đã anh dũng hy sinh trên chiến trường. Ngày 3/9/1973, xã Dương Hưu vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Hòa bình lập lại, ông Hào tiếp tục tham gia công tác tại địa phương, làm Phó Chủ tịch UBND, Trưởng Công an xã; đến năm 1984 thì nghỉ hưu.
Năng động làm giàu
Những năm gần đây, đời sống của người dân Dương Hưu có bước đổi thay mạnh mẽ nhờ khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của rừng. Gia đình ông Bàn Vũ Quyền, thôn Mùng có diện tích rừng sản xuất lớn nhất xã với hơn 30 ha keo; mỗi năm thu hoạch 5 ha, lãi 400- 500 triệu đồng. Ông Quyền chia sẻ: “Trồng rừng không vất vả như những cây khác, chỉ phải chăm sóc hai năm đầu, từ năm thứ ba trở đi không phải chăm sóc nữa. Sau 5 năm sẽ được khai thác, các chủ xưởng chế biến gỗ đến tận nơi thu mua, rất thuận tiện”.
![]() |
Nhiều hộ dân ở thôn Mùng, xã Dương Hưu giàu lên nhờ trồng rừng kinh tế. |
Ông Quyền năm nay 75 tuổi, việc trồng và chăm sóc rừng hiện giao cho 2 người con trai song ông vẫn quán xuyến công việc chung. Theo ông Quyền, do biết cách khai thác thế mạnh từ rừng mà gia đình ông nói riêng, người dân xã Dương Hưu nói chung mới có của ăn, của để như ngày nay. Hiện thôn Mùng có 140 hộ; trung bình mỗi hộ có vài ha rừng sản xuất, mỗi năm cho thu hàng chục đến hàng trăm triệu đồng. Hai người con trai của ông Quyền đều xây dựng được nhà tầng kiên cố, mua ô tô con, ô tô tải để phục vụ đi lại, vận chuyển hàng hóa.
Cùng cán bộ xã, chúng tôi đến thăm một số hộ dân ở các thôn: Mùng, Đồng Riễu, Đồng Mạ, Đồng Làng để tham quan những mô hình trồng rừng tiêu biểu. Nơi đây có những cánh rừng kinh tế chuyên trồng keo đang lên xanh tốt, nhiều ngôi nhà khang trang với kiểu dáng biệt thự nằm bên tuyến đường bê tông rộng thênh thang, tất cả tạo nên bức tranh vùng cao trù phú. Nhiều người dân Dương Hưu nhớ lại, khoảng 30 năm trước, cuộc sống của bà con nơi đây gặp vô vàn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo lên đến 80-90%.
Nguyên nhân chủ yếu là do chưa biết cách trồng rừng. Khi ấy, nhiều diện tích đất rừng đều bỏ hoang, cây dại mọc khắp nơi. Đồng chí Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Dương Hưu cho biết: “Chúng tôi đã xác định động lực để phát triển kinh tế của địa phương chủ yếu là từ rừng. Nhằm nâng cao giá trị kinh tế, thời gian tới, xã tiếp tục định hướng phát triển rừng gỗ lớn, có như vậy, nguồn thu nhập sẽ ổn định hơn”.
Được biết, Dương Hưu hiện có hơn 5.945 ha rừng, trong đó hơn 4.000 ha rừng kinh tế, chủ yếu được trồng keo lai. Bình quân mỗi năm, toàn xã khai thác khoảng 77.600 m3 gỗ, trị giá hàng chục tỷ đồng. Tại đây có 13 cơ sở chế biến gỗ, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho hơn 350 lao động địa phương. Bà Hoàng Thị Thoan, thôn Lục chia sẻ: “Ngoài làm ruộng, tranh thủ lúc rảnh rỗi, chúng tôi đi chăm sóc rừng hoặc thu hoạch gỗ cho những hộ khác, mỗi ngày tiền công được từ 300 - 400 nghìn đồng, đủ trang trải sinh hoạt hằng ngày và cho con ăn học”. Tỷ lệ hộ nghèo của xã Dương Hưu giảm mạnh, hiện chỉ còn 4,9%; xuất hiện thêm nhiều hộ khá và giàu. Năm 2023, Dương Hưu được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, xứng đáng với truyền thống đơn vị Anh hùng trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ý kiến bạn đọc (0)