Giảm lãi suất, các tổ chức tín dụng có thêm điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp
Theo đó, lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6,0%/năm xuống 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,0%/năm xuống 6,0%/năm.
Giảm lãi suất điều hành sẽ giúp các doanh nghiệp có điều kiện phát triển. |
Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,0%/năm xuống 3,5%/năm. Đồng thời, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5,0%/năm xuống 4,75%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô giảm từ 5,5%/năm xuống 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Về mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế theo quy định tại Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 giảm từ 6,0%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 7,0%/năm xuống 6,5%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng VND là 1,0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng VND là 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0%/năm, lãi suất đối với tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ là 0,05%/năm. Đối với mức lãi suất tiền gửi bằng VND của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô tại NHNN là 1,0%/năm.
Đại diện NHNN cho biết: Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn cầu. Để ngăn chặn nguy cơ suy thoái, nhiều Chính phủ đã triển khai các chính sách kích thích kinh tế, ngân hàng trung ương giảm lãi suất điều hành.
Gần đây, Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) đã liên tiếp giảm mạnh lãi suất điều hành, về 0 - 0,25%/năm và hỗ trợ mạnh mẽ thanh khoản cho thị trường tài chính.
Dù việc cắt giảm lãi suất của FED chưa đáp ứng những mong mỏi của thị trường và nhà đầu tư nhưng theo ông Ngô Đăng Khoa - Giám đốc Khối ngoại hối và thị trường vốn thuộc HSBC Việt Nam, động thái này có thể củng cố niềm tin nhà đầu tư trong ngắn hạn, giúp thị trường tài chính tránh được những cú sốc, bảo đảm nền kinh tế không bị tác động quá tiêu cực.
Song trong trung hạn, khi đối mặt với cú sốc về sự sụt giảm nguồn cung thì thuần túy nới lỏng chính sách tiền tệ không phải là giải pháp toàn diện. Nếu dịch bệnh không được kiểm soát hoàn toàn, chỉ dựa vào việc hạ lãi suất khó có thể giúp hoạt động kinh doanh sản xuất vốn đang chịu ảnh hưởng của Covid-19 quay trở lại bình thường.
Theo TS. Võ Trí Thành - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, việc giảm lãi suất điều hành của NHNN là động thái phù hợp bởi trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều bất ổn và khó khăn, nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới đã và đang giảm lãi suất, nhất là FED giảm mạnh lãi suất.
Trong khi kinh tế Việt Nam đang phải gồng mình khi các đối tác thương mại và đầu tư lớn đều đang trong tâm dịch; sự suy giảm từ cả phía cầu lẫn phía cung đang tạo sức ép lớn đến tăng trưởng.
Chính phủ và NHNN cần điều hành chính sách tiền tệ một cách thận trọng, đặc biệt thời điểm này, các ngân hàng đã có chương trình tín dụng quy mô lớn nên việc giảm lãi suất không quá cấp bách. Quan trọng nhất là bảo đảm thanh khoản của toàn hệ thống.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)