Đưa sản vật đi muôn nơi
Đặc sản đắt khách
Cứ gần Tết, không khí lao động ở làng nghề sản xuất mỳ Chũ, thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) tất bật, nhộn nhịp hơn. Hơn 300 hộ làm nghề, 26 HTX sản xuất, kinh doanh mỳ Chũ nâng công suất hoạt động để kịp cung cấp sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm của làng nghề đã trở thành món đặc sản được nhiều người ưa chuộng, gồm: Bún, phở, mỳ gạo trắng, mỳ gạo lứt, mỳ gấc, mỳ thập cẩm củ quả… Năm nay, mẫu mã, bao bì đóng gói của các HTX được thiết kế, in bắt mắt.
Thành viên HTX Mỳ Chũ Xuân Trường (Lục Ngạn) đóng gói sản phẩm trước khi tiêu thụ. |
Ông Phạm Xuân Trường, Giám đốc HTX Mỳ Chũ Xuân Trường cho biết, từ tháng 10/2021 các thành viên HTX đã chuẩn bị nguyên liệu, bao bì sản xuất mỳ phục vụ Tết. HTX cũng vừa đầu tư xưởng sản xuất hơn 2 nghìn m2, trang bị máy móc, nhân công, khu phơi sấy sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh. Mỳ được làm bằng phương pháp truyền thống, nguyên liệu là gạo sản xuất trong nước và sản phẩm rau, củ quả bảo đảm chất lượng, không sử dụng chất bảo quản.
Để phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân, vừa qua HTX đã thiết kế, in ấn lại bao bì đóng gói bằng chất liệu túi giấy và thùng cát tông cao cấp, gắn tem truy xuất nguồn gốc rõ ràng. “Nhằm xây dựng thương hiệu, hướng tới phục vụ khách hàng cao cấp nên đơn vị đã tập trung nâng cao chất lượng, mẫu mã. Trung bình mỗi tháng giáp Tết HTX sản xuất 10 tấn mỳ, tăng gấp đôi so với những tháng khác trong năm. HTX vừa mở thêm cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở tỉnh Quảng Ninh", ông Trường cho biết thêm.
Là một trong những đặc sản được ưa chuộng dịp Tết, đặc sản nem nướng Liên Chung (Tân Yên) vừa đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh. Đại diện Ban quản trị HTX Nem nướng Liên Chung cho biết, 24 thành viên của HTX đang chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu để làm nem phục vụ người tiêu dùng. Dự kiến, Tết này, mỗi ngày HTX tiêu thụ khoảng 3-3,5 tấn thịt lợn, tương đương gần 15 nghìn chiếc nem/ngày. Cách đây hơn 1 tháng nhiều người đã đến đặt hàng trước.
Nhiều sản phẩm đặc sản khác của Bắc Giang cũng đắt hàng như: Mộc nhĩ, nấm hương, miến dong (Sơn Động); gà đồi (Yên Thế); gạo nếp Phì Điền, cam, bưởi (Lục Ngạn)... Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh, hộ kinh doanh hàng khô tại thị trấn An Châu (Sơn Động) nói: “Khách đặt mộc nhĩ, nấm hương Sơn Động đi làm quà biếu rất nhiều, thậm chí có người mua hàng chục kg”.
Chủ động kết nối
Toàn tỉnh hiện có 155 sản phẩm OCOP, trong đó có 36 sản phẩm 4 sao và 119 sản phẩm 3 sao. Những sản phẩm này đều được khẳng định về chất lượng, nhiều mặt hàng mẫu mã bao bì đẹp, bắt mắt, đáp ứng nhu cầu cao của người tiêu dùng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên việc tiêu thụ sản phẩm ở nhiều doanh nghiệp, HTX và hộ dân gặp khó. Theo ông Nguyễn Văn Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, dịch Covid-19 đã tác động đến nhu cầu tiêu dùng, mua sắm của người dân. Hoạt động lưu thông hàng hóa cũng gặp khó khăn.
Sản phẩm giò gà Yên Thế của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế. |
Tuy nhiên, so với ngày thường dịp Tết vẫn là cao điểm để các đơn vị, hộ gia đình làng nghề tăng sản lượng gấp đôi so với ngày thường. Các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất đã chủ động mở rộng thị trường bằng nhiều hình thức, trong đó quan tâm áp dụng biện pháp kinh doanh thương mại điện tử.
Chị Nguyễn Thị Kiều Anh, Giám đốc HTX Mỳ Chũ Dậu Anh (Lục Ngạn) thông tin, trong mùa dịch này kinh doanh online là phương pháp chính mà HTX sử dụng để tiêu thụ sản phẩm. Hiện với hơn 200 cộng tác viên kinh doanh online, mỗi tháng HTX bán được khoảng 60 tấn mỳ.
Cùng đó, HTX Nông nghiệp Xanh Yên Thế đang chủ động mang sản phẩm đi chào hàng, tích cực trưng bày ở các địa điểm giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh để thu hút khách; đẩy mạnh quảng bá trên mạng.
Nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa, ngoài việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm của cơ quan chức năng thì các đơn vị, hộ thành viên các làng nghề cần chủ động nâng cao ý thức chấp hành trong quá trình sản xuất, kinh doanh nhằm nâng tầm sản phẩm, khẳng định thương hiệu.
Hoàng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)