Đến 6 giờ ngày 26/10, thế giới vượt 43 triệu ca bệnh, cảnh báo quá tải hệ thống y tế
Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 58.000 ca), Pháp (52.010 ca) và Ấn Độ (45.157 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong vì Covid-19 cao nhất thế giới trong 24 giờ qua là Ấn Độ (463 ca), Mexico (431 ca) và Mỹ (419 ca).
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Cairo, Ai Cập ngày 29/9. |
Tình hình dịch Covid-19 tại châu Mỹ tiếp tục diễn biến phức tạp. Từ ngày 24/10, Colombia đã trở thành quốc gia đứng thứ tám thế giới và thứ ba tại khu vực Nam Mỹ khi số ca mắc Covid-19 tại nước này đã vượt qua mốc 1 triệu ca.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, quốc gia 50 triệu dân này đã ghi nhận thêm 8.174 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 154 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, Mỹ có thêm trên 58.000 ca bệnh.
Ngày 24/10 trước đó, Mỹ ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc Covid-19 mới theo ngày cao nhất với 88.973 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 mới, phá kỷ lục của một ngày trước đó là 79.963 ca.
Như vậy, cho đến nay Mỹ đã có tổng cộng trên 8,8 triệu ca mắc và trên 230.000 ca tử vong, là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất thế giới.
Hai tỉnh đông dân nhất Canada là Ontario và Quebec đã phải chứng kiến những cột mốc không mong muốn trong ngày 25/10: số ca mắc Covid-19 mới tại Ontario lần đầu tiên vượt ngưỡng 1.000 người, trong khi tổng số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Quebec đã ở mức trên 100.000 người.
Trong 24 giờ qua, Ontario đã ghi nhận thêm 1.042 ca mắc Covid-19, vượt kỷ lục về số ca nhiễm mới trong một ngày (978 ca) được ghi nhận hôm 24/10. Trong khi đó, với 879 ca nhiễm mới trong ngày 25/10, số người mắc Covid-19 ở Quebec đã lên tới 100.114 người.
Trong những tuần gần đây, cả Ontario và Quebec đều đã siết chặt hơn các biện pháp nhằm kiềm chế đà lây lan của dịch bệnh – hiện trong làn sóng thứ hai. Kể từ khi ca mắc Covid-19 đầu tiên ở Canada được thông báo hồi tháng 3/2020, quốc gia Bắc Mỹ này đã ghi nhận trên 216.104 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó số người chết là 9.946.
Thêm một dấu hiệu đáng lo ngại đó là số ca mắc Covid-19 với triệu chứng nặng đang có xu hướng gia tăng. Trong thời gian từ ngày 16-22/10, trung bình mỗi ngày có 1.010 người phải điều trị tại bệnh viện, và 209 người trong số này phải nằm ở khu điều trị tích cực.
Ngày 25/10, Thủ tướng Bulgaria Boiko Borisov đã trở thành lãnh đạo chính trị mới nhất có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Trên tài khoản Facebook cá nhân, Thủ tướng Borisov xác nhận: "Sau 2 lần xét nghiệm PCR, tôi có kết quả dương tính với Covid-19". Bên cạnh đó, ông còn cho hay ông có những triệu chứng nhẹ và sẽ tự cách ly tại nhà.
Như vậy, chỉ trong 2 ngày, đã có 2 nhà lãnh đạo ở châu Âu được xác định mắc Covid-19. Trước đó, ngày 24/10, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda cũng đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.
Châu Âu đang đối phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, với số ca mắc mới mỗi ngày ở nhiều quốc gia tăng mạnh. Riêng Bulgaria, số ca tử vong do Covid-19 ở nước này đã vượt 1.000 và số ca mắc là trên 37.000.
Ngày 25/10, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã tuyên bố lệnh tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm cắt đứt làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai. Lệnh tình trạng khẩn cấp này sẽ có hiệu lực từ tối 25/10.
Phát biểu với giới phóng viên sau cuộc họp nội các, Thủ tướng Sanchez nhấn mạnh: “Chúng ta đang ở trong tình thế nghiêm trọng nhất trong nửa thế kỷ qua”. Theo lệnh tình trạng khẩn cấp, tất cả các vùng, trừ quần đảo Canary, sẽ áp đặt lệnh giới nghiêm từ 23 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.
Chính quyền các vùng sẽ được phép áp đặt những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt hơn đối với hoạt động di chuyển, hoạt động của doanh nghiệp cũng như nhiều hoạt động khác. Lệnh tình trạng khẩn cấp sẽ cần được quốc hội thông qua để kéo dài trên 15 ngày. Thủ tướng Sanchez đã đề nghị Quốc hội Tây Ban Nha gia hạn biện pháp khẩn cấp này đến ngày 9/5 tới.
Quyết định trên được đưa ra sau khi nhiều địa phương tại Tây Ban Nha kêu gọi chính phủ trao quyền cho họ áp đặt lệnh giới nghiêm để phòng chống dịch Covid-19. Ngày 21/10, Tây Ban Nha đã trở thành nước đầu tiên tại Liên minh châu Âu (EU) ghi nhận hơn 1 triệu ca mắc Covid-19. Hiện nước này cũng là một trong những quốc gia Tây Âu có số ca mắc cao nhất với tổng cộng ca 1.110.372 ca, trong đó có 34.752 ca không qua khỏi.
Số liệu do Viện Y tế công cộng (RIVM) công bố cùng ngày 25/10 cho thấy số ca mắc mới Covid-19 tại Hà Lan tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay, với hơn 10.202 ca trong 24 giờ qua. Như vậy, quốc gia Tây Bắc châu Âu này đã ghi nhận tổng cộng 291.254 ca mắc, trong đó có 7.046 tử vong.
Từ ngày 14/10 vừa qua, Chính phủ Hà Lan đã áp đặt các biện pháp phong tỏa một phần để khống chế dịch bệnh, trong đó có lệnh đóng cửa tất cả các quán bar và nhà hàng tại nước này.
Bộ Y tế Slovakia công bố thêm 3.042 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Đây là ngày thứ ba liên tiếp số ca mắc mới tại nước này tăng lên mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Đến nay, Slovakia có tổng cộng 43.843 ca mắc, trong đó có 159 ca tử vong.
Sau khi ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy với gần 20.000 ca trong ngày 24/10, Chính phủ Italy đã siết chặt biện pháp hạn chế trên toàn quốc để phòng dịch Covid-19. Đêm 24/10, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte ký sắc lệnh mới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Sắc lệnh mới quy định, hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được phép mở cửa từ 5 giờ sáng đến 18 giờ hằng ngày, với tối đa 4 người mỗi bàn. Dịch vụ giao đồ ăn tại nhà được phép hoạt động đến 24 giờ song cần tuân thủ các quy định về vệ sinh y tế. Các hoạt động thương mại, bán lẻ được phép hoạt động song phải đảm bảo khoảng cách an toàn ít nhất 1 m.
Sắc lệnh mới nhằm tránh lặp lại giai đoạn đỉnh điểm tháng 3-4 năm nay khi các bệnh viện đều trong tình trạng quá tải. Sắc lệnh sẽ có hiệu lực từ ngày 26/10 – 24/11 tới. Tính đến ngày 26/10, tổng số ca mắc Covid-19 tại Italy là 525.782 trường hợp, trong đó số ca mắc mới tiếp tục tăng mạnh với 21.273 trường hợp.
Tại Nga, ngày 25/10, nhà chức trách xác nhận thêm 16.710 ca mắc mới Covid-19, trong đó có 4.455 ca tại thủ đô Moskva, nâng tổng số ca mắc tại nước này lên 1.513.877 ca kể từ đại dịch bùng phát. Cũng trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 229 ca tử vong, nâng tổng số ca không qua khỏi tại đây lên 26.050 ca.
Cùng ngày, Viện Robet Koch Đức thông báo số ca mắc tại nước này tăng thêm 11.176 ca lên 429.181 ca. Trong khi đó, số ca tử vong tăng lên 10.032 ca sau khi ghi nhận thêm 29 ca mới.
Bộ Y tế Séc công bố thêm 12.472 ca mắc mới trong ngày 24/10. Đây là số ca mắc mới cao nhất vào ngày cuối tuần – thời điểm các nhân viên y tế thường tiến hành ít xét nghiệm hơn, theo đó nâng tổng số ca mắc tại CH Séc lên 250.797 ca. Số ca không qua khỏi tại quốc gia 10,7 triệu dân này tăng thêm 106 ca lên 2.077 ca.
Chính phủ Hungary thông báo đã ghi nhận thêm 3.149 ca mắc mới trong ngày 25/10. Đây là ngày Hungary xác nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước đến nay và lần đầu tiên vượt 3.000 ca/ngày. Theo đó, tổng số ca mắc tại quốc gia 10 triệu dân này tăng lên 59.247 ca. Với 35 ca không qua khỏi trong ngày, tổng số ca tử vong tại Hungary là 1.425 người.
Số ca nhiễm Covid-19 ở châu Á đã vượt mốc 13 triệu người, trở thành khu vực đứng thứ hai thế giới về tổng số ca mắc Covid-19, chỉ sau khu vực Mỹ Latinh. Châu Á chiếm khoảng 30% trong tổng số trên 43 triệu người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu. Với trên 234.000 người tử vong, châu Á chiếm khoảng 21% tổng số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu.
Theo phân tích của hãng Reuters, khu vực Nam Á đứng đầu là Ấn Độ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch Covid-19 khi ghi nhận gần 21% tổng số ca mắc toàn cầu và số ca tử vong chiếm 12%. Tính trung bình trong 1 tuần, Ấn Độ ghi nhận hơn 57.000 trường hợp nhiễm virus mỗi ngày, với 58 ca nhiễm mới trên 10.000 dân ở nền kinh tế lớn thứ ba châu Á. Tuy nhiên, các ca nhiễm tại quốc gia Nam Á đang có chiều hướng giảm.
Số liệu của Bộ Y tế và Phúc lợi gia đình Ấn Độ cho biết nước này ghi nhận 45.157 ca trong 24 giờ qua. Hiện tổng số người mắc Covid-19 ở nước này là trên 7,9 triệu, trong đó có 119.030 trường hợp tử vong.
Tại Đông Nam Á, số liệu chính thức do Bộ Y tế Indonesia công bố cho thấy nước này ghi nhận thêm 3.732 ca mắc mới cũng trong ngày 25/10, nâng tổng số ca mắc lên 389.712 ca. Số ca tử vong tại nước này tăng thêm 94 ca lên 13.299 ca. Trong một tuyên bố trước đó, chính quyền thành phố Jakarta cho biết sẽ gia hạn các biện pháp giãn cách xã hội đến ngày 8/11 tới để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuần trước, Indonesia đã vượt Philippines, trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19 tại Đông Nam Á.
Trong khi đó, một số nước châu Á như Trung Quốc đã dập được dịch, hay Nhật Bản, nơi Covid-19 vẫn tồn tại nhưng không tăng số ca lây nhiễm.
Mặc dù số ca mắc đã vượt con số 10 triệu, song trong những tuần gần đây, châu Á nhìn chung được đánh giá đã có sự cải thiện trong việc xử lý đại dịch, với số ca nhiễm hằng ngày tăng chậm lại ở những nơi như Ấn Độ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai thế giới, sau Mỹ. Đây là một sự tương phản rõ rệt với số ca Covid-19 tăng cao trở lại ở châu Âu và Bắc Mỹ. Tháng 9 vừa qua, các chuyên gia dự báo tổng số ca nhiễm virus SARS CoV-2 tại Ấn Độ sẽ vượt Mỹ vào cuối tháng 10 này.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi cho biết số ca mắc Covid-19 được xác nhận ở châu lục này đã lên tới trên 1,7 triệu ca, trong khi số ca tử vong là 41.310 ca.
Quốc gia châu Phi có số ca mắc Covid-19 và số ca tử vong nhiều nhất là Nam Phi với các con số lần lượt là 715.868 và 18.968. Đứng đứng thứ 2 là Maroc. Ai Cập đứng thứ 3. Ngoài ra, Ethiopia và Nigeria cũng nằm trong số những nước có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất ở châu Phi.
Tính theo khu vực, miền Nam châu Phi là khu vực có nhiều ca mắc bệnh cũng như ca tử vong nhất, đứng thứ 2 là khu vực Bắc Phi.
Theo TTXVN
Ý kiến bạn đọc (0)