Công tác khuyến nông: Hướng tới những mô hình đa giá trị
Tổ chức lại sản xuất
Thời gian gần đây, những mô hình khuyến nông được tổ chức có nhiều đổi mới, đang dần hướng đến đa giá trị. Cán bộ khuyến nông không chỉ giúp người dân nắm được những tiến bộ kỹ thuật mới, hiệu quả mà còn tuyên truyền, hướng dẫn nông dân tổ chức lại sản xuất theo hình thức liên kết tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần mở rộng vùng nguyên liệu, nâng giá trị sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường.
Ông Đào Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh (giữa) khảo sát mô hình trồng kim tiền thảo ở xã Lương Phong (Hiệp Hòa). |
Mô hình trồng cây lâm sản ngoài gỗ và liên kết tiêu thụ sản phẩm cây trà hoa vàng tại xã Trường Sơn (Lục Nam) là ví dụ. Trước đây, một số hộ trên địa bàn xã Trường Sơn đã trồng trà hoa vàng nhưng diện tích manh mún, chưa liên kết, chưa nắm hết kỹ thuật. Trong khi đó, phát triển lâm sản ngoài gỗ (cây trà hoa vàng, sâm cau, khôi tía, ba kích…) là một trong những hướng đi khai thác bền vững tài nguyên rừng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân cũng là giải pháp thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Vì thế, tháng 7/2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã hướng dẫn 12 hộ trên địa bàn xã Trường Sơn trồng cây trà hoa vàng dưới tán dẻ với quy mô 6 ha. Các hộ được hỗ trợ cây giống, 70% phân bón lót.
Gia đình ông Nguyễn Bá Dũng, thôn Điếm Rén, xã Trường Sơn là một trong số các hộ tham gia. Gia đình trồng khoảng 500 cây bằng phương pháp giâm hom. Đến nay, cây được gần 1 năm tuổi, tỷ lệ sống 95%, cao từ 80 đến 100 cm, sinh trưởng, phát triển tốt.
Ông Dũng cho biết: “Chúng tôi được cán bộ Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây, mời những nông dân trên địa bàn có kinh nghiệm trồng loại cây này đến tận vườn trao đổi, chia sẻ kỹ thuật trồng trọt nên chúng tôi đã nắm được từng công đoạn”. Đặc biệt, Trung tâm Khuyến nông đã kết nối, giúp các hộ tham gia mô hình ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH Dịch vụ khoa học công nghệ và thương mại Bảo Minh (Hà Nội). Những năm tới, đầu ra sản phẩm bảo đảm nên người dân yên tâm sản xuất”.
Vụ chiêm xuân vừa qua, 320 hộ dân ở xã Mỹ Thái và thị trấn Kép (Lạng Giang) rất phấn khởi vì năng suất lúa đạt hơn 67 tạ/ha, cao hơn vụ trước 2 tạ/ha. Đây là “trái ngọt” của mô hình liên kết sản xuất lúa J02 chất lượng cao theo hướng hữu cơ, quy mô 39 ha tại các địa bàn nói trên.
Quá trình thực hiện, cán bộ khuyến nông thường xuyên bám sát đồng ruộng, tổ chức hội nghị đầu bờ và tổ chức liên kết bao tiêu sản phẩm. Khi lúa được thu hoạch, cán bộ Công ty cổ phần Giống- Vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam đến tận ruộng tiêu thụ sản phẩm, giá thóc tươi dao động từ 6-8 nghìn đồng/kg.
Ngoài ra, các mô hình ứng dụng thiết bị bay không người lái trong phòng trừ sâu bệnh hại lúa, vải thiều; ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi cá; chăn nuôi ong nội theo hướng VietGAP nâng cao chuỗi giá trị, thích ứng với biến đổi khí hậu… cũng góp phần nâng giá trị nông sản; hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục nhân rộng các mô hình trên ở nhiều địa bàn khác.
Thay đổi thói quen, cách thức canh tác
Những mô hình khuyến nông đa giá trị ở Bắc Giang đang dần phát huy hiệu quả. Ông Đào Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh thông tin: Không chỉ có lực lượng khuyến nông mới làm khuyến nông mà các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức đoàn thể cũng đang tích cực tham gia tuyên truyền đường lối chính sách, các mô hình kinh tế giỏi, chuyển giao kỹ thuật, liên kết chuỗi giá trị... cho nông dân.
Bên cạnh đó, những nông dân có kinh nghiệm, hiểu biết cũng đóng vai trò hạt nhân, nòng cốt ở cơ sở trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP; tích hợp nông nghiệp với du lịch; đổi mới hoạt động sơ chế, chế biến, bảo quản; chuyển đổi số trong tiêu thụ.
Các thành viên trong tổ khuyến nông cộng đồng sẽ tập trung tư vấn, hỗ trợ người dân thành lập hợp tác xã nông nghiệp; tư vấn kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn vào sản xuất; là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp; hướng dẫn đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử... |
Để tiếp tục nhân rộng, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, cách thức canh tác cho người dân phải thực hiện trước tiên mà nòng cốt trong công tác này chính là các thành viên trong tổ khuyến nông cộng đồng. Được biết, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện thí điểm Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động công tác khuyến nông thông qua kiện toàn tổ khuyến nông cộng đồng.
Tỉnh Bắc Giang không nằm trong danh sách thực hiện thí điểm nhưng cũng đã triển khai, xây dựng cơ chế, chính sách hoạt động cho tổ. Vừa qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động có hiệu quả tại các xã như: Vô Tranh, Trường Sơn, Lục Sơn (Lục Nam); Đông Sơn, Tân Sỏi (Yên Thế); Yên Định, Đại Sơn (Sơn Động); Hoàng Vân (Hiệp Hòa)…
Ông Nguyễn Văn Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa) cho biết, thời gian tới, tổ khuyến nông cộng đồng của xã sẽ tập trung tư vấn, hỗ trợ người dân thành lập hợp tác xã nông nghiệp; tư vấn kế hoạch, phương án sản xuất, kinh doanh, chuyển giao kỹ thuật, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn vào sản xuất; là cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp; hướng dẫn đưa nông sản lên các sàn thương mại điện tử...
Bài, ảnh: Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)