Khắc phục bất cập trong thực hiện mô hình khuyến nông
Giá không thống nhất, cung ứng phân bón chưa được phép lưu hành
Nhằm mở rộng diện tích trồng khoai tây chế biến, tăng thu nhập cho người dân, tháng 11/2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai mô hình liên kết sản xuất khoai tây chế biến, quy mô 3 ha tại thôn Phe, xã Vân Sơn (Sơn Động). Tham gia mô hình, 15 hộ dân trong thôn được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ 100% giống khoai tây Atlantic nhập khẩu từ Scotland, tương đương hơn 3,3 tấn.
Công ty cổ phần Trừ mối và Khử trùng khu vực I cung ứng phân Poly sulphate chưa được phép lưu hành tại Việt Nam. |
Cùng đó, các hộ dân được hỗ trợ 70% các loại phân bón gồm: NPK 15.15.15 Tiến Nông, đạm thông minh và kali. Phối hợp thực hiện mô hình, Công ty cổ phần Sản xuất và thương mại Tân Nông (Công ty Tân Nông) thông báo với người dân về giá ngay từ đầu vụ, trong đó giá phân bón là 17 nghìn đồng/kg. Như vậy, với định mức 30 kg phân NPK/sào, cả mô hình sử dụng gần 2,5 tấn phân bón NPK.
Trong đó, người dân sẽ được hỗ trợ tổng 1.890 kg NPK, phần chênh lệch còn lại (610 kg), các hộ sẽ trả cho doanh nghiệp (DN) vào cuối vụ. Để bảo đảm khung thời vụ, cùng với cấp giống cho người dân, ngày 6/12/2021, Công ty Tân Nông vận chuyển, bàn giao 2,5 tấn phân bón NPK cho nông dân (thông qua Hội Nông dân xã Vân Sơn) với đơn giá 17 nghìn đồng theo đúng cam kết.
Mặc dù vậy, khi thanh toán công nợ sau khi thu mua khoai tây, Công ty Tân Nông nâng giá phân bón NPK lên 19,5 nghìn đồng/kg (tăng 2,5 nghìn đồng/kg so với thời điểm bàn giao vật tư).
“Ngay khi nhận phiếu thanh toán công nợ, tôi đã trực tiếp điện hỏi lãnh đạo Công ty Tân Nông về giá phân bón NPK và nhận được câu trả lời là do giá phân bón trên thị trường tăng. Sau đó, Hội Nông dân xã lấy phần hỗ trợ quản lý mô hình để chi trả phần tăng thêm cho người dân”, ông Vũ Văn Chiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vân Sơn nói.
Không chỉ mô hình liên kết trồng khoai tây chế biến tại xã Vân Sơn, phân bón Poly sulphate cung ứng cho 5 hộ dân tham gia mô hình hỗ trợ trồng bưởi hữu cơ tại xã Bình Sơn (Lục Nam) cũng khiến người thụ hưởng khó tính toán tỷ lệ bón cho cây.
Được biết, mô hình này do Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai trong năm 2021 trên diện tích 2 ha. Cụ thể, 5 hộ dân tại các thôn: Bãi Đá, Làng và Hòa Bình (cùng xã Bình Sơn) được hỗ trợ 3 loại thuốc phòng ngừa sâu bệnh, 2 loại phân bón (phân bón hữu cơ Quế Lâm và kali) và bao bọc quả. Ví như với 600 gốc bưởi, gia đình anh Nguyễn Hồng Huế, thôn Bãi Đá được hỗ trợ các loại thuốc, 3,5 nghìn bao bọc quả, phân bón hữu cơ Quế Lâm cùng 4 bao phân Poly sulphate (25 kg/bao).
Theo anh Huế, các loại thuốc, phân bón Quế Lâm đều ghi rõ thành phần, cách sử dụng bằng tiếng Việt song các thông tin trên bao chứa phân bón Poly sulphate đều là tiếng nước ngoài, không rõ thành phần các chất cũng như cách sử dụng. “Là giáo viên sinh học nên tôi biết phân bón này có nguồn gốc từ nước Anh, thành phần gồm các chất: Lưu huỳnh, kali, magie và cacbon song không biết được tỷ lệ các chất.
Qua sử dụng các vật tư đã được cấp, tôi thấy chất lượng sản phẩm khá tốt, cây phát triển bình thường, lá xanh hơn; bao bọc quả chất lượng hơn sản phẩm tôi đang dùng. Riêng phân Poly sulphate lâu tan hơn so với các loại phân kali khác mà gia đình vẫn dùng”, anh Huế nói.
Tăng cường giám sát, quản lý vật tư
Được biết, ngay khi nắm bắt thông tin, Trung tâm Khuyến nông tỉnh thành lập tổ công tác làm việc trực tiếp với các hộ dân tham gia hai mô hình trên. Qua làm việc, các hộ đều đánh giá hiệu quả cao, đồng thời mong muốn mô hình tiếp tục được thực hiện trong những năm tiếp theo.
Theo quy định tại khoản 6, điều 7, Nghị định 55/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2016 của Chính Phủ về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón, hành vi vi phạm buôn bán phân bón không có quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam có thể phạt tiền lên đến 100 triệu đồng (tùy giá trị lô hàng). Các tổ chức, cá nhân liên quan còn bị tước quyền sử dụng, thậm chí tịch thu giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón hoặc đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón (có thời hạn) tùy theo mức độ vi phạm. |
Theo ông Đào Xuân Vinh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh (được điều chuyển làm Giám đốc Trung tâm Khuyến nông từ 1/6/2022 - PV), việc đưa phân bón chưa có nhãn phụ bằng tiếng Việt, chưa rõ nguồn gốc đến tay nông dân là lỗi chủ quan của cán bộ phụ trách mô hình khi không kiểm tra thực tế trước khi bàn giao.
Đối với giá phân bón NPK, ông Vinh khẳng định, Trung tâm đã chuyển tiền trong phạm vi hỗ trợ thực hiện mô hình cho DN, trong đó phân bón NPK được thanh toán theo giá 17 nghìn đồng. Về nội dung này, ông Hà Văn Hiền, Phó Giám đốc Công ty Tân Nông thừa nhận sơ suất của DN.
Theo ông Hiền, lẽ ra đơn vị phải giữ giá 17 nghìn đồng/kg đối với 1.890 kg phân bón được hỗ trợ từ mô hình và chỉ tăng giá đối với phần mua thêm của người dân. Đồng thời cho biết đã trả lại phần chênh lệch thu thêm cho người dân.
Nói như vậy là không thỏa đáng bởi thời điểm bàn giao toàn bộ phân bón NPK (2,5 tấn) được thực hiện ngay từ khi mô hình được triển khai và phía DN đã có hóa đơn bán hàng với giá 17 nghìn đồng đối với toàn bộ số phân bón này. Cùng đó, ngay khi chốt công nợ, đại diện Hội Nông dân xã Vân Sơn đã có ý kiến song phía DN không tiếp thu, vẫn yêu cầu thanh toán theo giá mới.
Theo đại diện Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT, qua lấy kết quả test của Tổng cục Hải quan và Cục Bảo vệ thực vật khi nhập loại phân bón Poly sulphate về Việt Nam cho thấy, sản phẩm này bảo đảm chất lượng song chưa có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam.
Rõ ràng việc để loại phân bón chưa được phép lưu hành đến tay người nông dân thuộc mô hình do cơ quan nhà nước triển khai thì lỗi trước hết thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh khi không kiểm tra thực tế sản phẩm của đơn vị trúng thầu (Công ty cổ phần Trừ mối và Khử trùng khu vực I) khi chào hàng cũng như thời điểm bàn giao cho người dân.
Về phần mình, Công ty cổ phần Trừ mối và Khử trùng khu vực I phải chịu trách nhiệm khi buôn bán loại phân bón chưa được phép lưu hành tại Việt Nam.
Đối với hành vi này, theo quy định tại khoản 6, điều 7, Nghị định 55/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2016 của Chính phủ về Quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phân bón có thể phạt tiền lên đến 100 triệu đồng (tùy giá trị lô hàng); các tổ chức, cá nhân liên quan còn bị tước quyền sử dụng, thậm chí tịch thu giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón hoặc đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón (có thời hạn) tùy theo mức độ vi phạm.
Liên quan đến nội dung này, Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, đơn vị đang củng cố tài liệu làm căn cứ xử phạt đối với Công ty cổ phần Trừ mối và Khử trùng khu vực I.
Những vấn đề phát sinh từ hai mô hình chưa gây hậu quả lớn song cho thấy sự chủ quan, thiếu kiểm tra, giám sát của các đơn vị trong quá trình thực hiện. Ông Dương Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Sở đã yêu cầu Trung tâm Khuyến nông cũng như các cá nhân liên quan báo cáo về vụ việc.
Chúng tôi đã điều chuyển Giám đốc Trung tâm Khuyến nông sang vị trí khác, đồng thời tiếp tục làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan. Với những dự án, mô hình trong thời gian tới, chúng tôi sẽ yêu cầu giám sát chặt chẽ, không để xảy ra sự việc tương tự”.
Bài, ảnh: Nhóm PVKT
Ý kiến bạn đọc (0)