Chắp cánh ước mơ cho học sinh khó khăn
BẮC GIANG - Nhằm chia sẻ, giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ngành Giáo dục và đào tạo huyện Lục Nam (Bắc Giang) có nhiều hoạt động quyên góp, kết nối tài trợ. Những suất học bổng, phần quà hay chỉ đơn giản là bộ quần áo, sách giáo khoa đã tiếp thêm động lực để các em vươn lên trong học tập và cuộc sống.
Nuôi heo đất, tặng sách giúp bạn
Được phát động từ năm học 2009-2010, đến nay, phong trào “nuôi heo đất giúp bạn nghèo vượt khó” tại Trường THCS Tam Dị duy trì 15 năm, được học sinh hưởng ứng tích cực. Theo đó, tại lễ khai giảng năm học mới, Ban Giám hiệu nhà trường phát động phong trào, mỗi lớp nhận nuôi một con heo đất.
Nhờ những món quà nhỏ từ giáo viên và các bạn, nhiều học sinh Trường Tiểu học Đông Phú yên tâm đến trường. |
Hoạt động ủng hộ được thông tin đến 100% phụ huynh để tạo đồng thuận, việc ủng hộ hoàn toàn tự nguyện và tùy theo khả năng của mỗi học sinh. Cuối năm học, nhà trường sẽ tổ chức lễ "đập" heo đất, tổng kết số tiền tiếp nhận và trao những món quà để động viên, khích lệ học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Qua thống kê, mỗi năm học, từ số tiền tiết kiệm của giáo viên và học sinh, Trường THCS Tam Dị trao từ 15 đến 20 suất quà cho học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn; mỗi suất từ 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng.
Thầy giáo Dương Ngọc Trúc, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Dị cho biết: “Để phong trào “nuôi heo đất giúp bạn nghèo vượt khó” thu được kết quả tốt, các thầy giáo, cô giáo tích cực tham gia bằng việc đóng góp vào nuôi heo đất mỗi ngày. Đối với học sinh, số tiền nuôi heo chủ yếu từ bán giấy vụn, vỏ lon hoặc tiền ông bà, bố mẹ thưởng. Dù số tiền quyên góp được không nhiều song hoạt động này đã giúp các em biết chia sẻ, giúp đỡ người khác, góp phần giáo dục nhân cách cho học sinh”.
Năm học 2024-2025, toàn huyện Lục Nam có hơn 1,7 nghìn nhóm, lớp với tổng số hơn 53 nghìn trẻ, học sinh. Để kịp thời hỗ trợ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, ngay trước thềm năm học mới, các nhà trường chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch hỗ trợ các em.
Tại Trường Tiểu học Đông Phú, qua rà soát, năm học này, toàn trường còn 7 học sinh thuộc hộ nghèo, 9 em thuộc hộ cận nghèo và 10 em sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn. Ngay đầu năm học, nhà trường phát động cán bộ, giáo viên và học sinh ủng hộ, đồng thời vận động xã hội hóa để giúp đỡ các em. Ngoài miễn học phí cũng như các khoản đóng góp, nhà trường vận động các nhà hảo tâm tặng sách, đồng phục cho toàn bộ các học sinh này.
Mới đây, do ảnh hưởng của bão số 3, nhà bị sập, anh Đỗ Văn T đưa các con từ huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) về quê ở xã Đông Phú sinh sống. Biết hoàn cảnh gia đình, nhà trường vận động giáo viên đóng góp, tặng sách giáo khoa, quần áo đồng phục cho hai con anh T (một cháu học lớp 1, một cháu học lớp 4).
Thầy giáo Hoàng Anh Quân, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Phú chia sẻ: “Ngoài học sinh trong danh sách rà soát đầu năm, với những trường hợp cần hỗ trợ đột xuất, nhà trường đều đăng tải, chia sẻ thông tin lên trang thông tin của nhà trường và mạng xã hội để kêu gọi giúp đỡ. Được tiếp sức, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn vơi bớt khó khăn, yên tâm đến trường”.
Không để học sinh bỏ học giữa chừng
Qua thống kê, trong lễ khai giảng năm học 2024-2025, học sinh có hoàn cảnh khó khăn toàn huyện nhận được gần 600 suất quà, 50 suất học bổng, 50 xe đạp từ các nhà hảo tâm; tổng trị giá hơn 400 triệu đồng. Từ đó, giúp các em học sinh vơi bớt khó khăn, yên tâm đến trường.
Học sinh Trường THCS Nghĩa Phương được tặng xe đạp tại lễ khai giảng năm học 2024-2025. |
Tại lễ khai giảng năm học 2024-2025, 50 học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THCS Nghĩa Phương được tặng xe đạp. Có phương tiện, các em vơi bớt khó khăn, có thêm động lực đến trường. Tương tự, thông qua kết nối, đầu năm học này, em Nguyễn Hồng Nhung, lớp 9A1, Trường THCS Tam Dị được Ban Phụ nữ Công an tỉnh nhận đỡ đầu, mỗi tháng hỗ trợ 500 nghìn đồng. “Bố mẹ em làm nông nghiệp, ông bà nội thường xuyên đau ốm nên kinh tế gia đình khó khăn. Được các “mẹ” ở Công an tỉnh đỡ đầu, em có thêm điều kiện theo đuổi ước mơ làm bác sĩ của mình”, Nhung chia sẻ.
Thực tế, được hỗ trợ kịp thời, nhiều học sinh ở huyện Lục Nam, nhất là ở thôn đặc biệt khó khăn yên tâm đến trường, viết tiếp ước mơ. Nhờ đó, không có trường hợp học sinh hoàn cảnh khó khăn phải bỏ học giữa chừng... Mặc dù vậy, qua đánh giá, hiện số học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện còn nhiều (khoảng 3 nghìn học sinh); không ít hộ nghèo có 2-3 con trong độ tuổi đến trường… nên các hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ chưa nhiều.
Ông Vũ Thanh Hải, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Nam cho biết: “Bên cạnh phối hợp với các ngành kêu gọi, vận động ủng hộ, giúp đỡ học sinh nghèo, Phòng định hướng cho các nhà trường phát huy tinh thần chủ động, cùng chung tay giúp đỡ học sinh. Ngoài hỗ trợ về vật chất, các thầy cô giúp đỡ bằng những việc làm cụ thể như: Phụ đạo kiến thức, nhận đỡ đầu, đưa đón các em… Qua đó, giúp học sinh có thêm động lực vượt qua khó khăn, yên tâm học tập”.
Ý kiến bạn đọc (0)