Góp sức bảo tồn, lan tỏa làn điệu Then
BẮC GIANG - Ngày 30/10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang diễn ra hội thảo khoa học “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then của người Tày, Nùng trên địa bàn 3 tỉnh Bắc Giang - Lạng Sơn - Thái Nguyên”. Nhiều nhà quản lý, khoa học, nghiên cứu và nghệ nhân đã đóng góp những ý kiến có giá trị.
Hội thảo do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Bắc Giang phối hợp với Sở VHTTDL các tỉnh Lạng Sơn, Thái Nguyên tổ chức. PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia; ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Bắc Giang; bà Vũ Thị Thu Hường, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Thái Nguyên đồng chủ trì hội thảo.
Tới dự có TS Phạm Minh Hương, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam; đại diện một số sở, ngành, địa phương của 3 tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên; nghệ nhân ưu tú (NNƯT) và các thành viên câu lạc bộ (CLB) hát Then, đàn Tính tại Bắc Giang.
Các đồng chí chủ trì hội thảo. |
Di sản văn hóa đặc sắc được UNESCO vinh danh
Không khí hội thảo thêm sôi động với các tiết mục hát Then, đàn Tính do NNƯT Lục Văn Tích và thành viên CLB hát Then - đàn Tính xã Sơn Hải (Lục Ngạn) biểu diễn. Được biết, nhiều năm nay, NNƯT Lục Văn Tích đã sưu tầm sách hát, học hỏi kỹ năng, lề lối hát Then cổ từ các nghệ nhân đồng thời tự sáng tác hàng trăm điệu hát Then; thường xuyên mở lớp dạy cho các em học sinh trong huyện.
Trong báo cáo đề dẫn, ông Nguyễn Sĩ Cầm nhấn mạnh: Các tộc người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã sáng tạo ra một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian rất đặc sắc, có sức lan tỏa lớn, đó là di sản Then, được sử dụng và trao truyền qua nhiều thế hệ. Giá trị của Then đã tích hợp nhiều yếu tố khác nhau trong đó có ngôn ngữ, văn học, thơ ca, phong tục tập quán, trang phục, tín ngưỡng, nghệ thuật trình diễn âm nhạc và múa dân gian… Năm 2019, "Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam" đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
3 tỉnh miền núi Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên cùng với một số địa phương khác là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Việc tổ chức hội thảo khoa học nhằm tiếp tục nhận diện nguồn gốc, đặc trưng, giá trị, hiện trạng và đánh giá cụ thể, toàn diện về công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản Then Tày, Nùng trên địa bàn 3 tỉnh. Cùng đó trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then Tày, Nùng tại các địa phương; đề xuất phương hướng, biện pháp bảo tồn và phát huy trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.
TS Phạm Minh Hương phát biểu tại hội thảo. |
Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa T.Ư và của 3 tỉnh đã có nhiều ý kiến kết hợp minh họa các hình ảnh, clip nêu bật những nét đặc sắc của nghệ thuật hát Then. Đây vốn là một hình thức diễn xướng tín ngưỡng được thể hiện bài bản bằng cách ngâm ngợi, ca hát, nhảy múa do các thầy Then, thầy Tào, Thầy Pụt đảm nhiệm trong các dịp kỳ yên, cấp sắc, cầu mùa, chữa bệnh. Sau này, các nghệ nhân, nghệ sĩ đã đặt lời mới cho các làn điệu Then nói lên những tình cảm tốt đẹp của con người, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước... Cùng với cây đàn Tính, chùm xóc nhạc, làn điệu Then khi thì nhẹ nhàng khoan thai, khi thì rộn ràng thôi thúc hòa quyện rất hấp dẫn.
Các tham luận tại hội thảo cho thấy, những năm gần đây, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã được các cấp chính quyền và nhân dân 3 tỉnh quan tâm thực hiện với nhiều giải pháp thiết thực. Tại các tỉnh đã tổ chức nghiên cứu, nhận diện giá trị, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản; hỗ trợ xuất bản các ấn phẩm về Then để phổ biến tri thức và sự hiểu biết về Then ở trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Quách Hải, Chánh Văn phòng Sở VHTTDL tỉnh Bắc Giang cho biết: Ở Bắc Giang người Tày, người Nùng là hai tộc người có dân số đông chỉ sau người Kinh tập trung đông tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. Bắc Giang đã đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản, tạo điều kiện cho việc thực hành, sáng tạo và truyền dạy di sản trong cộng đồng, khuyến khích nghệ nhân truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ.
Quang cảnh hội thảo. |
Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bắc Giang và các huyện tổ chức nhiều lớp truyền dạy hát Then, đàn Tính cho các hạt nhân văn nghệ tại một số huyện miền núi. Năm 2023, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết quy định về chính sách hỗ trợ đối với NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Theo đó, từ năm 2024, hằng tháng, NNND trong tỉnh được hỗ trợ 1,8 triệu đồng, NNƯT được hưởng 1,5 triệu đồng và hỗ trợ chi phí mai táng khi qua đời.
Lãnh đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Sơn Động, Lục Ngạn cũng cho biết: Công tác truyền dạy hát Then - đàn Tính được huyện tổ chức giảng dạy chính khóa tại giờ học âm nhạc cho các em học sinh khối THCS một số xã có nhiều đồng bào dân tộc Tày sinh sống.
Theo đại diện Sở VHTTDL tỉnh Lạng Sơn, bên cạnh khuyến khích thành lập các CLB hát Then - đàn Tính, tỉnh Lạng Sơn còn quan tâm tạo ra không gian văn hóa lành mạnh nhằm tạo điều kiện cho Then được bảo lưu, trao truyền, nuôi dưỡng và phát triển thông qua các sự kiện văn hóa - du lịch, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch, lễ hội, hội thi, hội diễn, hội nghị. Đây là dịp để các nghệ nhân gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung, di sản văn hóa hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày, Nùng nói riêng.
Đẩy mạnh thực hành, trao truyền di sản
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then của người Tày, Nùng vẫn còn một số khó khăn, hạn chế. Vì thế, các đại biểu đã gợi mở, đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để việc bảo tồn, phát huy di sản ngày càng hiệu quả trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hóa hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, các nhà nghiên cứu văn hóa, cán bộ chuyên môn địa phương cần tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu sâu về các làn điệu Then, các hình thức sinh hoạt, thực hành di sản Then Tày, Nùng từ đó đưa ra những nhận định chính xác, phù hợp về hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong thời gian tới. Đồng thời phối hợp với ban, ngành liên quan để biên soạn giáo án, giáo trình phục vụ giảng dạy hát Then, đàn Tính trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với ngành giáo dục đưa chương trình dạy hát Then vào trong trường học, nhất là các vùng có đông đồng bào Tày, Nùng cư trú. Xây dựng, duy trì, phát huy hiệu quả hoạt động của các CLB thực hành Then trên địa bàn tỉnh.
Đại diện Sở VHTTDL Lạng Sơn nêu kinh nghiệm nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy di sản Then gắn với phát triển du lịch. Đó là cần tiếp tục dành kinh phí của nhà nước và xã hội hóa để xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói chung, Then nói riêng. Nghiên cứu, quy hoạch không gian, điểm đến du lịch tiêu biểu gắn với mô hình như: Trung tâm bảo tồn văn hóa Tày, Nùng; trung tâm bảo tồn văn hóa Then, làng văn hóa Then… để xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng cho cho từng địa phương, cơ sở; xây dựng, kết nối tour, tuyến trong và ngoài nước gắn với phát triển du lịch cộng đồng hiệu quả.
Một số ý kiến của đại diện ngành Văn hóa tỉnh Thái Nguyên cho rằng, cần phát huy tính sáng tạo, vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân và nâng cao hiệu quả hoạt động của các CLB nhằm góp phần bảo tồn, phát huy di sản hát Then - đàn Tính.
NNƯT Lục Văn Tích (bên phải) biểu diễn hát Then, đàn Tính. |
Đặc biệt, Th.s Nguyễn Thủy Tiên, Viện Âm nhạc cho rằng, việc chia sẻ thông tin, video và hình ảnh về các khía cạnh liên quan đến nghệ thuật Then trên nền tảng TikTok sẽ giúp cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ nâng cao nhận thức và trân trọng giá trị văn hóa cùng nghệ thuật của Then. Đối với những chủ đề ít được quan tâm như di sản văn hóa truyền thống, việc tạo ra các video ngắn có thể là giải pháp hữu hiệu để thu hút sự chú ý của người dùng. Do đó nên dựng các video ngắn, hình ảnh và câu chuyện liên quan đến các khía cạnh văn hóa nghệ thuật của di sản Then; khuyến khích nghệ nhân và giới trẻ tham gia sản xuất nội dung và xây dựng hoạt động truyền thông trên TikTok.
NNƯT Lục Văn Tích truyền dạy hát Then, đàn Tính cho học sinh địa phương. |
Theo TS Phạm Minh Hương, Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, việc bảo tồn di sản cần chú ý đến công tác thực hành và trao truyền; xây dựng môi trường thực hành then và khôi phục lại những điệu then cổ; quan tâm công tác vinh danh và đãi ngộ nghệ nhân; xây dựng lực lượng nghệ nhân chất lượng, tích cực truyền dạy làn điệu Then cho thế hệ trẻ.
Thay mặt đại biểu chủ trì hội thảo, PGS.TS Đặng Văn Bài khẳng định, các ý kiến đóng góp tại hội thảo là nguồn thông tin, tài liệu, bài học kinh nghiệm quý bổ sung tri thức, tư liệu, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đưa ra các phương hướng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then của đồng bào dân tộc Tày, Nùng trên địa bàn 3 tỉnh trong thời kỳ mới. Việc tổ chức hội thảo thể hiện sự hợp tác, kết nối của 3 tỉnh có chung loại hình di sản góp phần để công tác bảo tồn, phát huy di sản Then hiệu quả bền vững.
Thời gian tới, các tỉnh cùng với tiếp tục nhận diện, sưu tầm, kiểm kê chính xác di sản Then tại địa phương cần tăng cường thực hành, truyền dạy; đẩy mạnh truyền thông về di sản thông qua các phương tiện thông tin và ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại tạo không gian hoạt động của loại hình di sản này thông qua tổ chức các lễ hội, hội thi, liên hoan cho nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ giao lưu, học hỏi, nâng cao kỹ năng biểu diễn. Cần thực hiện các hoạt động bảo tồn di sản Then gắn với phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa nhằm tạo ra sức sống mới cho di sản và mang lại lợi ích, sinh kế cho người dân địa phương.
Bài, ảnh: Lệ Thanh
Ý kiến bạn đọc (0)