Bắc Giang: Duy trì hoạt động các tổ khuyến nông cộng đồng
Hiệu quả chưa đồng đều
Năm nay, xã Đồng Kỳ (Yên Thế) đăng ký về đích NTM. Sau khi rà soát, xã còn một số chỉ tiêu chưa đạt trong các tiêu chí: Cơ sở vật chất văn hóa; môi trường và an toàn thực phẩm; tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn… Trong đó, chỉ tiêu “Có tổ KNCĐ hoạt động hiệu quả”.
Ông Tăng Văn Hiếu, Tổ trưởng Tổ KNCĐ xã Yên Sơn (thứ 2 bên trái sang) thăm mô hình chăn nuôi vịt thương phẩm tại hộ ông Trần Văn Đương, thôn Chiến Thắng. |
Căn cứ vào tình hình thực tế địa phương, ngày 7/4, UBND xã đã ban hành Quyết định thành lập Tổ KNCĐ xã Đồng Kỳ với 7 thành viên, bao gồm: 1 Phó Chủ tịch UBND xã (tổ trưởng), Chủ tịch Hội Nông dân (HND) xã (tổ phó), cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y, Bí thư Đoàn Thanh niên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Hào Thành. Sau khi thành lập, UBND xã đã ban hành quy chế hoạt động của tổ KNCĐ, với chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp, kinh phí hoạt động… rõ ràng.
Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Kỳ chia sẻ, xã xác định hiệu quả hoạt động của tổ KNCĐ phụ thuộc vào thời gian sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi (kéo dài từ 1 đến vài tháng, thậm chí cả năm) nên ngay sau khi thành lập, Tổ KNCĐ xã tích cực hướng dẫn bà con thực hiện chăm sóc cây ớt, củ đậu thâm canh, đặc biệt là cây nhãn muộn đạt tiêu chuẩn VietGAP, góp phần để sản phẩm nhãn muộn của xã được xuất sang thị trường Úc hồi tháng 8 vừa qua.
Tuy nhiên, không phải xã về đích NTM nào trong năm nay cũng thực hiện nội dung thành lập tổ KNCĐ và tổ chức hoạt động hiệu quả như Đồng Kỳ. Ông Vũ Văn Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Nam cho biết, để thành lập các tổ KNCĐ, các địa phương đều dựa trên nòng cốt là cán bộ khuyến nông của xã.
Tuy nhiên, trong 7 xã về đích NTM của Lục Nam năm nay chỉ có 2 xã là Lục Sơn và Vũ Xá còn cán bộ khuyến nông, các xã còn lại cán bộ khuyến nông và thú y đã chuyển sang vị trí công tác khác theo chương trình tinh giản biên chế của tỉnh. Do vậy, địa phương rất lúng túng trong công tác tổ chức thành lập và duy trì hoạt động tổ KNCĐ.
Ví như trường hợp xã Yên Sơn, hiện xã đã thành lập tổ KNCĐ với 5 thành viên, trong đó, ông Tăng Văn Hiếu, Chủ tịch HND xã, nguyên cán bộ thú y xã là tổ trưởng. Thành viên có 1 công chức địa chính nông nghiệp xã (trước đây là cán bộ khuyến nông chuyển sang), còn lại là đại diện một số đoàn thể xã.
Theo ông Hiếu, mặc dù được thành lập từ tháng 3/2022 nhưng Tổ KNCĐ xã Yên Sơn vẫn chưa có hoạt động nào hỗ trợ bà con nông dân. Nguyên nhân là do các thành viên trong tổ rất bận công việc chuyên môn tại xã. Bên cạnh đó, thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của xã là trồng khoai lang, khoai sọ, nuôi thủy sản và chăn nuôi thủy cầm nhưng các diện tích thâm canh không lớn, người dân không có nhu cầu được hỗ trợ kỹ thuật từ tổ KNCĐ.
Trong khi đó xã lại nằm trong vùng quy hoạch Khu công nghiệp Yên Sơn - Bắc Lũng, thời gian tới đa phần diện tích đất nông nghiệp của xã sẽ bị thu hồi nên việc duy trì hoạt động hiệu quả của tổ KNCĐ là rất khó.
Phối hợp thực hiện, tránh hình thức
Theo ông Vũ Văn Chuyền, Chủ tịch UBND xã Yên Sơn, để tổ KNCĐ đi vào hoạt động hiệu quả, các xã cần phải có cán bộ khuyến nông chuyên trách. Tuy nhiên, Bắc Giang đang thực hiện tinh giản biên chế, tới năm 2024 không còn biên chế khuyến nông cơ sở.
Trung ương cũng mới triển khai Đề án về KNCĐ và thực hiện thí điểm ở một số tỉnh (trong đó không có tỉnh Bắc Giang) nên chưa có quy định cụ thể, khiến việc thành lập, đặc biệt là việc duy trì hoạt động tổ KNCĐ rất khó. Hiện tại, các xã tự sắp xếp nhân sự và tự đưa ra quy chế hoạt động.
Việc thành lập các tổ KNCĐ và tổ chức hoạt động cần thực chất, hiệu quả, tránh kiểu thành lập cho có hoặc đưa ra mục tiêu vượt tầm của một tổ chức hội cấp xã”.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh. |
Tìm hiểu quy chế hoạt động của tổ KNCĐ các xã cho thấy, chức năng, nhiệm vụ và các nội dung hoạt động chính khá “ôm đồm” như: Tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện các nhiệm vụ về khuyến nông, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong nông nghiệp do cấp có thẩm quyền giao; hoạt động tư vấn, dịch vụ và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, xây dựng NTM.
Cùng đó là tư vấn thành lập, phát triển hợp tác xã nông nghiệp; tư vấn quy trình tổ chức quản lý, liên kết, hợp tác, kết nối thị trường, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản; tư vấn khởi nghiệp, lập dự án đầu tư; bảo tồn và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống; tham gia phát triển du lịch nông thôn gắn với nông nghiệp sinh thái, bảo tồn các giá trị văn hoá nông thôn... Cách thức hoạt động theo mô hình trung tâm khuyến nông và dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp nhưng quy mô cấp xã.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho biết, tổ KNCĐ mang tính chất tự nguyện, không phụ thuộc vào biên chế Nhà nước. Thành phần (có từ 5-7 thành viên) là những người có kinh nghiệm, kỹ thuật trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, không nhất thiết phải có cán bộ khuyến nông chuyên trách.
Hiện nay, hầu hết các xã trong tỉnh đều có chi, tổ HND nghề nghiệp hoạt động khá hiệu quả. Các mô hình chi, tổ HND nghề nghiệp hoạt động khá giống với tổ KNCĐ. Ngoài ra, các địa phương còn có nhiều câu lạc bộ hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, như: Trồng hoa, cây cảnh, sản xuất cây, con giống, thủy sản…
Do đó, các địa phương nên mời gọi các cá nhân có kỹ thuật, nhiệt tình, trách nhiệm tham gia vào tổ KNCĐ. Phối hợp các hoạt động, như: Truyền đạt, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở các chi, tổ HND nghề nghiệp và các câu lạc bộ có sẵn. “Việc thành lập các tổ KNCĐ và tổ chức hoạt động cần thực chất, hiệu quả, tránh kiểu thành lập cho có hoặc đưa ra mục tiêu vượt tầm của một tổ chức hội cấp xã”, ông Minh nói.
Bài, ảnh: Đại La
Ý kiến bạn đọc (0)