Thay đổi để thích ứng
BẮC GIANG - Gần đây, sàn thương mại điện tử (TMĐT) Temu của Trung Quốc đã tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam và tạo nên “cơn lốc” bán hàng giá rẻ, khiến không ít doanh nghiệp (DN) trong nước mất thị phần. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã phát hiện sàn này có nhiều vi phạm, không tuân thủ pháp luật Việt Nam, dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh.
Theo một số chuyên gia, sàn Temu hoạt động xuyên biên giới và chưa đăng ký các thủ tục theo quy định tại Việt Nam. Dù vậy, Temu đã quảng bá bán hàng rầm rộ đến khách hàng. Nhiều người tiêu dùng trong cả nước, trong đó có Bắc Giang đã đặt mua sản phẩm trên sàn.
Chị H.H, xã Hương Lạc (Lạng Giang) nói: “Khi được người quen giới thiệu link và tiếp cận trang bán hàng, tôi đã vào xem, đặt mua chiếc đồng hồ điện tử thông minh, chăn, gối và thật bất ngờ là giá rất rẻ. Một số nhãn hàng còn giảm giá, khuyến mại lên tới 70%, lại giao hàng miễn phí. Khi nhận hàng, tôi thấy khá ưng so với số tiền bỏ ra”. Chị H cũng chia sẻ link trên trang Facebook, Zalo cá nhân để giới thiệu cho bạn bè vào tìm hiểu.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Công Thương, sở dĩ Temu bán hàng giá rẻ là do hoạt động khác biệt so với một số sàn quốc tế khác như: Làm việc trực tiếp với nhà sản xuất quy mô lớn, không phải qua khâu trung gian, kết hợp với hệ thống logistics hiện đại nên tiết kiệm chi phí; một số mặt hàng bán chỉ nhằm mục đích quảng bá tiếp cận khách hàng như một sản phẩm “dẫn”, thậm chí bán dưới giá thành để chiếm lĩnh thị trường,...
Temu còn đưa ra lời mời gọi rất hấp dẫn là khi khách hàng giới thiệu được người mua tại trang bán hàng của Temu mà thanh toán thành công thì người giới thiệu sẽ được trích một phần “hoa hồng”. Với chiêu thức như vậy, Temu nhanh chóng tiếp cận người dùng mạng xã hội. Hiện nay, sàn thương mại này đã xâm nhập thị trường nhiều nước khu vực châu Á, châu Âu...
Hiện tượng Temu chiếm lĩnh thị trường các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam cho thấy sức hút của sàn này với người tiêu dùng. Qua đây cũng thể hiện nhiều “lỗ hổng” trong quản lý sàn TMĐT xuyên biên giới. Theo quy định, kinh doanh sàn TMĐT phải đăng ký với Bộ Công Thương, đồng thời phải làm các thủ tục về thuế song Temu chưa đăng ký hoạt động nhưng đã kinh doanh rộng rãi, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN kinh doanh sàn TMĐT.
Dù vậy, thực tế TMĐT xuyên biên giới đang phát triển mạnh mẽ, tác động mạnh đến thị trường Việt Nam khiến DN trong nước dần bị mất thị phần. Do đó, nhiều DN đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc, xử lý nghiêm hành vi vi phạm, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa để bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất nội địa. Đi đôi với giải pháp trên, các DN trong nước cần nhanh chóng chuyển đổi số, thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh truyền thống; ứng phó hiệu quả với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ nếu không sẽ khó tồn tại được.
Ý kiến bạn đọc (0)