Cải thiện dinh dưỡng để trẻ phát triển toàn diện
BẮC GIANG - Để từng bước giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ dưới 5 tuổi, ngành Y tế phối hợp với các địa phương, đơn vị triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ, tạo điều kiện cho trẻ em và phụ nữ mang thai được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Can thiệp sớm
Năm 2023, Sở Y tế phối hợp với UBND huyện Lục Nam triển khai mô hình điểm “chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời” tại các thôn: Mỏ Sẻ, Trại Lán và Ao Sen (xã Vô Tranh). Đây là nội dung thuộc dự án chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số (DTTS), phòng, chống SDD ở trẻ em (dự án 7) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Bác sĩ Trạm Y tế xã Đồng Vương (Yên Thế) kiểm tra sức khỏe cho trẻ em. |
Trạm Y tế xã bố trí phòng tư vấn dinh dưỡng với đầy đủ tài liệu như: Tờ rơi, sổ khám sức khỏe, biểu đồ tăng trưởng, tài liệu truyền thông, cân, thước đo vòng cánh tay, dụng cụ thực hành dinh dưỡng để phục vụ công tác tư vấn chăm sóc trẻ cho các bà mẹ trên địa bàn. Định kỳ 3 tháng, Trạm Y tế xã tổ chức khám sàng lọc, cân đo, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, chế độ ăn của bà mẹ mang thai, khám sức khỏe cho trẻ dưới 2 tuổi. Từ đó, cán bộ của trạm tư vấn, hướng dẫn phụ nữ mang thai, người trực tiếp chăm sóc trẻ điều chỉnh chế độ dinh dưỡng phù hợp, bảo đảm trẻ phát triển toàn diện.
Chị Nguyễn Thị Gái (SN 1990), thôn Trại Lán cho biết: “Tháng 1/2024, tôi sinh con thứ hai nặng 2,5 kg, thuộc diện SDD trong bào thai. Tham gia mô hình “chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời”, tôi được các bác sĩ tư vấn về dinh dưỡng cũng như ăn đủ các nhóm chất. Nhờ đó, con tôi phát triển khỏe mạnh, sau 10 tháng tăng lên 8,9 kg, cao hơn mức trung bình ở trẻ 10 tháng tuổi 0,4 kg”.
Đến hết tháng 9/2024, các chỉ tiêu cơ bản về cải thiện dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em trên địa bàn tỉnh đạt kế hoạch đề ra. Đối với trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ SDD thể nhẹ cân giảm còn 11,5%, SDD thể thấp còi giảm còn 20,3%. |
Tại huyện Sơn Động, Trung tâm Y tế huyện thành lập tổ kiểm tra, theo dõi tăng trưởng, phát triển và đánh giá tỷ lệ SDD ở trẻ dưới 5 tuổi. Định kỳ hằng tháng, tổ công tác của trung tâm về từng xã phối hợp với nhân viên y tế thôn, tổ dân phố cân, đo để đánh giá sự phát triển của trẻ dưới 5 tuổi; cấp bổ sung vitamin A, viên sắt, đa vi chất cho các trường hợp nguy cơ. Tháng 9/2024, qua cân đo cho trẻ từ 0 đến 59 tháng tuổi tại cộng đồng, tỷ lệ SDD thấp còi toàn huyện còn 19,6%, giảm 1,9% so với năm 2023; tỷ lệ SDD nhẹ cân cũng giảm từ 13,5% năm 2023 xuống còn 12,1%.
Tại xã đặc biệt khó khăn Đồng Vương (Yên Thế), từ đầu năm đến nay, Trạm Y tế xã cấp miễn phí viên đa vi chất cho 51 trẻ, viên sắt cho 44 bà mẹ mang thai. Với 40 trẻ dưới 5 tuổi thấp còi, nhẹ cân, cán bộ Trạm Y tế xã đến từng nhà tư vấn, hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung dinh dưỡng, chế độ ăn phù hợp để cải thiện thể trạng.
Nhân rộng mô hình "chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời"
Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 2021-2025, ngành Y tế được phân bổ hơn 19,3 tỷ đồng để cải tạo, mua sắm trang thiết bị cho 28 trạm y tế vùng đặc biệt khó khăn và triển khai dự án 7. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh có 126 nghìn phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh và 60 nghìn trẻ sơ sinh được lấy máu sàng lọc. Cùng đó, nhiều mô hình, hoạt động can thiệp tại cộng đồng được triển khai như: Mô hình điểm “chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời” tại 12 xã thuộc các huyện: Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam và Yên Thế; cung cấp viên sắt cho phụ nữ mang thai; quản lý và điều trị cho trẻ dưới 5 tuổi bị SDD cấp tính nặng.
Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD thể nhẹ cân còn 9,5%, SDD thể thấp còi giảm xuống 18,5%. Để đạt mục tiêu, Sở Y tế quan tâm lồng ghép vốn các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia để tập trung đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Củng cố mạng lưới dinh dưỡng và tập huấn cho cán bộ mạng lưới quy trình kỹ thuật cân, đo, tổ chức bổ sung vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi.
Ông Từ Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Để giảm tỷ lệ SDD ở trẻ dưới 5 tuổi, giai đoạn 2026-2030, Sở Y tế tiếp tục xây dựng, triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân lực và hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về các trạm y tế xã. Trong năm 2025, sở sẽ đánh giá mô hình "chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời" để duy trì và nhân rộng trong giai đoạn tới. Đẩy mạnh truyền thông để các bà mẹ và những người trực tiếp chăm sóc trẻ nâng cao nhận thức, điều chỉnh phương pháp chăm sóc hợp lý và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế giúp trẻ dưới 5 tuổi phát triển toàn diện".
Ý kiến bạn đọc (0)