Công tác hòa giải ở thôn, tổ dân phố: Hóa giải sớm mâu thuẫn
Tới thôn Sơn Đình 2, xã Thanh Lâm đúng vào hôm các thành viên trong Tổ hòa giải của thôn đang họp rút kinh nghiệm sau khi hòa giải thành công mâu thuẫn vụ việc liên quan đến tranh chấp rãnh thoát nước chung. Đó là vụ việc giữa gia đình ông Lê Văn G và gia đình bà Giáp Thị N. Hai hộ liền kề vốn có chung một rãnh thoát nước, nhiều lần một trong hai hộ cố tình làm tường rào bao quanh để lấn chiếm dẫn đến xảy ra tranh cãi gây mất đoàn kết.
Các thành viên trong Tổ hòa giải thôn Sơn Đình 2, xã Thanh Lâm bàn phương án giải quyết trước khi tiến hành hòa giải. |
Biết chuyện, Tổ hòa giải thôn đã đến gặp gỡ, phân tích đúng sai để hai bên gia đình cùng thống nhất phương án giải quyết mà tổ hòa giải đưa ra, đồng thời tự nguyện rút đơn tố cáo. Đây cũng là 1 trong số 3 vụ việc đã được các thành viên trong tổ hòa giải thực hiện thành công trong năm nay.
Ông Vũ Văn Học, thành viên Tổ hòa giải của thôn chia sẻ: “Bà con trong thôn đôi khi chỉ vì những việc nhỏ nhặt mà dẫn đến tranh cãi làm mất đi tình làng, nghĩa xóm. Để hóa giải thành công, các thành viên ở tổ hòa giải phải tìm hiểu cặn kẽ vụ việc, họp bàn thống nhất cách giải quyết, bảo đảm đúng pháp luật, khách quan, công tâm thì mới tháo gỡ được khúc mắc".
Từ đầu năm đến nay, 8 tổ hòa giải trên địa bàn xã Thanh Lâm đã hòa giải thành công 15 vụ việc. Được biết, không chỉ riêng thôn Sơn Đình 2, trên địa bàn huyện Lục Nam còn có nhiều tổ hòa giải cơ sở ở các thôn, tổ dân phố hoạt động tích cực như tổ hòa giải ở các thôn: Đồng Giàng, xã Bình Sơn; Dẫm Đình, xã Bắc Lũng; Trại Quan, xã Đông Hưng... Các tổ đã góp phần giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp đất đai, xây dựng, hôn nhân - gia đình, góp phần giữ bình yên thôn xóm.
Với phương châm “giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, các tổ hòa giải thường xuyên nắm bắt tình hình khu dân cư được phân công phụ trách. Khi xảy ra vụ việc, các hòa giải viên khéo léo phân tích, giải thích có lý, hợp tình để vụ việc được giải quyết dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh.
Củng cố, phát huy vai trò của tổ hòa giải cơ sở, hằng năm, UBND huyện đều chỉ đạo Phòng Tư pháp rà soát, kiện toàn đội ngũ hòa giải viên; tăng cường đôn đốc, chỉ đạo các tổ hòa giải thực hiện tốt việc nắm bắt tâm tư người dân tại địa bàn. Toàn huyện hiện có 282 tổ hòa giải với gần 2.000 hòa giải viên.
Toàn huyện Lục Nam hiện có 282 tổ hòa giải với gần 2.000 hòa giải viên. Thành viên trong các tổ hòa giải hầu hết đang đảm nhận các nhiệm vụ ở thôn, tổ dân phố. Trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải thành công từ 100- 120 vụ việc, đạt hơn 85%. |
Thành viên trong các tổ hòa giải hầu hết đang đảm nhận các nhiệm vụ ở thôn, tổ dân phố như: Bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận; chi hội, đoàn thể cơ sở và một số người cao tuổi có uy tín trong cộng đồng dân cư. Đa số các hòa giải viên đều có trình độ học vấn từ THPT trở lên, được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, có kinh nghiệm sống, công tâm, khách quan khi giải quyết các vụ việc.
Được biết, để hỗ trợ hoạt động cho các tổ hòa giải, các xã, thị trấn đều bố trí kinh phí chi trả tiền chè nước, văn phòng phẩm. Ngoài ra, nhiều nhà văn hóa thôn được trang bị tủ sách pháp luật phục vụ nhu cầu đọc, tìm hiểu kiến thức của các hòa giải viên và người dân. Qua thống kê, trung bình mỗi năm, các tổ hòa giải thành công từ 100- 120 vụ việc, đạt hơn 85%.
Nội dung chủ yếu về chế độ chính sách, tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình, mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống hằng ngày... Ngoài ra, các tổ hòa giải ở cơ sở còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân tại địa bàn chấp hành tốt các quy định của pháp luật, nhất là ở những thôn có nhiều hộ gia đình diện có đất phải giải phóng mặt bằng để phục vụ các dự án, công trình phúc lợi.
Theo đồng chí Lê Công Nhận, Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện, muốn làm tốt công tác hòa giải thì hòa giải viên phải là người nắm chắc các quy định pháp luật để tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân. Bởi vậy, để trang bị kiến thức pháp luật, kỹ năng, kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, hằng năm, Phòng Tư pháp huyện tổ chức các hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, tọa đàm, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm.
Nội dung tập trung vào những vấn đề sát với thực tế cơ sở như: Hôn nhân và gia đình, tranh chấp đất đai, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, các tổ chức hội, đoàn thể ở địa phương như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên cũng thường xuyên lồng ghép, cập nhật kiến thức pháp luật về đất đai; bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình... để phổ biến các điểm mới, nội dung quan trọng tới các hội viên.
Thời gian tới, nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác này. Chú trọng tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, xử lý thông tin, kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên. Chỉ đạo các đơn vị rà soát, nhân rộng những mô hình, cách làm hay, hiệu quả về hòa giải.
Bài, ảnh: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)