Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở: Khen thưởng 46 tập thể, cá nhân
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Lâm Thị Hương Thành, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh; Lê Vệ Quốc, Cục trưởng Cục phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp); lãnh đạo các sở, ngành, địa phương thành viên Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh.
Trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 16,7 nghìn vụ việc; trong đó hòa giải thành hơn 14,1 nghìn vụ (đạt 84,3%). Một số địa phương có tỷ lệ hòa giải thành đạt cao như: Sơn Động 92,7%; TP Bắc Giang 92,3%; Việt Yên 88%; Yên Thế 86,1%; Lạng Giang 86%...
Hiện toàn tỉnh có 2.133 tổ hòa giải, 14.296 hòa giải viên, thành viên là bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố, chi hội trưởng các chi hội (Cựu chiến binh, Người cao tuổi, Hội phụ nữ…). Việc cung cấp tài liệu, văn bản cho tổ hòa giải, hòa giải viên được thực hiện kịp thời. Một số địa phương đã quan tâm bố trí nguồn kinh phí tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Đặc biệt, tỉnh có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở như: Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 29/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Ký kết chương trình phối hợp về hòa giải ở cơ sở giữa Sở Tư pháp với Ủy ban MTTQ, Ban Dân vận, Tòa án, Hội Liên hiệp Phụ nữ, xây dựng mô hình điểm về hòa giải ở cơ sở.
Tuy nhiên nhiều quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng và liên tục sửa đổi, bổ sung dẫn đến việc cập nhật kiến thức pháp luật, vận dụng để hòa giải tranh chấp còn hạn chế.
Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng và hiệu quả của công tác hòa giải ở cơ sở nên chưa quan tâm chỉ đạo sát sao, chưa bố trí kinh phí.
Đội ngũ công chức tham mưu thực hiện công tác quản lý nhà nước về hòa giải cơ sở hoạt động kiêm nhiệm; kỹ năng hòa giải, kiến thức pháp luật và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận hòa giải viên còn hạn chế.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho đại diện Sở Tư pháp. |
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh khẳng định, Bắc Giang là tỉnh đứng trong top đầu của cả nước về công tác hòa giải ở cơ sở cho thấy Luật đã đi vào đời sống.
Đồng chí đề nghị tỉnh tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở để nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò, ý nghĩa của công tác này. Coi đây là thiết chế tự quản rộng rãi của nhân dân, do nhân dân tổ chức, vì lợi ích của nhân dân và cộng đồng; đồng thời là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị.
Thực hiện có hiệu quả chương trình phối hợp giữa Ủy ban MTTQ, Ban Dân vận, Tòa án nhân dân cùng cấp trong quá trình thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở. Kết hợp công tác này với thực hiện quy chế dân chủ, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, dân vận khéo, phong trào xây dựng nông thôn mới.
Đồng chí Lâm Thị Hương Thành trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác hòa giải ở cơ sở. |
Thực hiện tốt Luật Hòa giải ở cơ sở, trọng tâm là củng cố, kiện toàn mạng lưới Tổ hòa giải với nguyên tắc “ở đâu thực sự cần thiết thì thành lập, bảo đảm đúng thành phần, hoạt động hiệu quả”.
Các cấp ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm và có biện pháp hỗ trợ cụ thể; huy động người am hiểu pháp luật tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở; tư vấn, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho hòa giải viên. UBND cấp xã triển khai công tác hòa giải ở cơ sở gắn với thực hiện tiêu chí cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Phổ biến, nhân rộng các mô hình tổ hòa giải hoạt động hiệu quả, cá nhân điển hình trong công tác hòa giải; xây dựng các tổ hòa giải điểm gắn với mô hình dân vận khéo như ở huyện Hiệp Hòa.
Sở Tư pháp tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực trong việc tham mưu với HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên tham gia công tác hòa giải.
Đồng chí Mai Sơn trao Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác hòa giải ở cơ sở. |
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Thanh Tịnh, đồng chí Mai Sơn đề nghị các địa phương, sở, ngành tập trung vào 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu. Đó là, tiếp tục nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và toàn xã hội về công tác hòa giải ở cơ sở. Xác định rõ công tác này là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của người đứng đầu trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Ngành tư pháp chủ động, trách nhiệm trong công tác hòa giải cơ sở; Ủy ban MTTQ và tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp trong củng cố, kiện toàn tổ chức.
Tăng cường tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên. Mỗi hòa giải viên cần nỗ lực, khắc phục khó khăn, học hỏi để hoàn thành nhiệm vụ, biến việc lớn thành việc nhỏ, việc nhỏ thành không có.
UBND cấp huyện, xã quan tâm bảo đảm kinh phí hoạt động cho công tác hòa giải; giải quyết kịp thời, đầy đủ chính sách, chế độ cho hòa giải viên. Huy động, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội, khuyến khích các cá nhân có năng lực, uy tín, nhiệt tình tham gia công tác này.
Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 23 tập thể, 23 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Tin, ảnh: Tuyết Mai
Ý kiến bạn đọc (0)