Nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở
Đẩy mạnh thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh minh họa/BGP. |
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu tổ chức sơ kết việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 29/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải cơ sở, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức rà soát, đánh giá, đề xuất kiện toàn Tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh; kịp thời phát hiện, nhân rộng các mô hình điểm, cá nhân điển hình trong công tác hòa giải ở cơ sở; gắn công tác hòa giải ở cơ sở với công tác dân vận, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, các cuộc vận động ở cộng đồng dân cư.
Thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về pháp luật, nghiệp vụ, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên. Định kỳ 6 tháng, 1 năm tiến hành tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá toàn diện, khách quan về công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh, kịp thời có biện pháp khắc phục, tháo gỡ những hạn chế trong quá trình triển khai, thực hiện.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện, thành phố tiếp tục thực hiện tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện những mâu thuẫn trong Nhân dân ngay từ khi mới phát sinh để chủ động chỉ đạo thực hiện biện pháp hòa giải hiệu quả; trong quá trình hòa giải, chỉ đạo lực lượng chức năng thường xuyên trao đổi, phối hợp với lực lượng Công an, nhất là lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an cấp xã...
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú bảo đảm phù hợp với từng địa bàn, đối tượng nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật cho nhân dân, hạn chế các hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật; nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng để tăng cường áp dụng hòa giải ở cơ sở trong việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội; xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập cho người dân...
Thường xuyên chỉ đạo thực hiện củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hòa giải ở cơ sở, nhất là việc tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng, trình độ cho đội ngũ hòa giải viên, bảo đảm ít nhất 80% số lượng hòa giải viên trên địa bàn được tham gia tập huấn, bồi dưỡng.
Có giải pháp, chế độ, chính sách huy động, vận động nguồn nhân lực được đào tạo, có kinh nghiệm về giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tham gia công tác hòa giải ở cơ sở. Tổ chức lồng ghép thực hiện các quy định về hòa giải ở cơ sở với công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, quy chế dân chủ ở cơ sở, các phong trào thi đua, các cuộc vận động ở cộng đồng dân cư, xây dựng hương ước, quy ước ở thôn; phát huy vai trò của hộ gia đình, tổ chức đoàn thể xã hội, người có uy tín, chức sắc tôn giáo tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức sơ kết, tổng kết, các cuộc tọa đàm, hội thảo để đánh giá, trao đổi kinh nghiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở.
Ý kiến bạn đọc (0)