Gìn giữ nghề truyền thống
BẮC GIANG - Nhằm gìn giữ nghề truyền thống của dân tộc mình, chị Lương Thị Linh (SN 1987), dân tộc Nùng ở thôn Bình Yên, xã Bình Sơn (Lục Nam) đã phát triển mô hình sản xuất, kinh doanh rượu men lá cho hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm cho nhiều phụ nữ tại địa phương.
Chị Linh sinh ra và lớn lên tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tuổi thơ của chị gắn liền với hình ảnh bà ngoại bên bếp lửa, tỉ mỉ nặn men và nấu rượu. Những kỷ niệm ấy dần gieo vào cô gái nhỏ tình yêu đặc biệt với nghề truyền thống này.
Chị Lương Thị Linh chuẩn bị cơm để ủ rượu. |
Năm 2011, khi về làm dâu tại xã Bình Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang), chị vẫn giữ thói quen nấu rượu vào mỗi dịp lễ, Tết. Hương vị thơm dịu, không gây đau đầu, mệt mỏi hay khát nước sau khi say khiến không ít khách đến chơi nhà phải xuýt xoa, khen ngợi. Bà con trong vùng dần tìm đến chị mỗi khi cần rượu phục vụ các sự kiện quan trọng.
Nhận thấy tiềm năng kinh tế, năm 2020, chị Linh quyết định tập trung sản xuất men lá và rượu men lá. Chị Linh cho biết: “Nấu rượu men lá rất cầu kỳ, đặc biệt khâu làm men đòi hỏi sự công phu và kỹ thuật cao. Đây cũng là yếu tố quyết định hương vị đặc trưng của rượu”. Một quả men đạt chuẩn được làm thủ công từ gần 30 loại thảo dược quý như: Nhân trần, bồ bồ, thiên niên kiện, kinh giới núi, tía tô, gừng, sả… Ngoài các nguyên liệu dễ trồng tại vườn nhà, một số thảo dược quý chỉ mọc ở rừng sâu hoặc ven suối phải đặt hàng từ Tuyên Quang.
Quy trình sản xuất rượu men lá của HTX Nông nghiệp sạch Noòng Thanh Thanh.
Không chỉ vậy, quy trình nấu rượu cũng đòi hỏi sự kỹ lưỡng, chăm chút tỉ mỉ trong từng công đoạn. Loại gạo mới được chọn cẩn thận, sau đó vo sạch, hấp chín, trộn men, ủ suốt một tháng rồi mới đem chưng cất thành rượu. “Dù nấu rượu men lá khá cầu kỳ song tôi vẫn cố gắng giữ nguyên công thức như bà ngoại truyền dạy. Tôi hiểu rằng đây không chỉ là một sản phẩm để kinh doanh mà còn là lưu giữ, bảo tồn và phát triển nét tinh hoa trong văn hóa ẩm thực dân tộc”, chị Linh nói thêm.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng, thương hiệu rượu men lá của chị Linh ngày càng được thị trường đón nhận. Tháng 4/2023, chị thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Noòng Thanh Thanh với 7 thành viên. Nữ giám đốc tập trung đầu tư cải tiến kỹ thuật, xây dựng nhãn mác, bảo hộ thương hiệu, đồng thời chú trọng truyền thông để quảng bá sản phẩm. Tháng 8/2023, 2 sản phẩm là rượu tẻ men lá và rượu nếp men lá của HTX đã được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.
Mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường 2-3 tấn men lá và 2-3 nghìn lít rượu. Những tháng cao điểm, sản lượng có thể lên tới 4 nghìn lít; từ đó mang lại doanh thu hơn 200 triệu đồng/tháng. Mô hình còn tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên với thu nhập 6-8 triệu đồng/người/tháng và 10 lao động thời vụ. Ngoài ra, chị còn tận dụng bỗng rượu phế phẩm để chăn nuôi 100 con lợn thịt.
Thời gian tới, chị Linh dự định mở rộng quy mô sản xuất, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để tiếp cận đa dạng đối tượng khách hàng tại nhiều thị trường. Bên cạnh đó, chị sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, dạy nghề và chào đón các thành viên tham gia HTX để cùng làm kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống.
Chị Nguyễn Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Sơn cho biết: "Chị Linh là một trong những hội viên phụ nữ làm kinh tế tiêu biểu của xã. Mô hình sản xuất và kinh doanh của chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện, xã đánh giá cao. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội, sẵn sàng hỗ trợ chị em trong xã, đặc biệt các hội viên phụ nữ thuộc hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu việc làm. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương".
Ý kiến bạn đọc (0)