Cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
Khẳng định bản lĩnh, dám nghĩ dám làm
Hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, CCB Nguyễn Danh Muốn (SN 1971), thôn Vĩnh Tân, xã Lục Sơn tích cực phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy lợi thế diện tích đất vườn đồi rộng, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây ăn quả, ông mạnh dạn phát triển, mở rộng diện tích trồng nhãn.
CCB Nguyễn Danh Muốn thu hoạch nhãn chín muộn. |
Để liên kết, nâng giá trị sản phẩm, năm 2020, ông đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông nghiệp xã Lục Sơn với 28 thành viên. Hiện HTX có hơn 50 ha nhãn tại thôn Đèo Quạt và Vĩnh Tân (cùng xã Lục Sơn), trong đó có 10 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, diện tích còn lại được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; sản lượng thu hoạch hơn 500 tấn/năm.
“Nhờ được cấp mã số vùng trồng và được công nhận OCOP 3 sao (năm 2020) nên 40% sản phẩm của HTX được tiêu thụ qua siêu thị, sàn thương mại điện tử, giá bán cao gấp đôi so với thị trường truyền thống. Từ trồng nhãn nhiều hộ dân trong xã thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo”, CCB Nguyễn Danh Muốn cho biết.
Hội CCB huyện Lục Nam có hơn 15 nghìn hội viên, trong đó có 2,4 nghìn đồng chí là đảng viên. Hiện toàn huyện có 399 trang trại, 11 HTX, 22 tổ hợp tác do CCB làm chủ. Với sự năng động, nhạy bén cùng bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, nhiều CCB đã khẳng định được chỗ đứng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều lao động, trong đó có không ít trường hợp là hội viên và con em CCB.
Mô hình trồng rừng kinh tế của CCB Trần Xuân Sơn, thôn Ry, xã Vô Tranh. |
Năm 1983, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, CCB Trần Xuân Sơn (SN 1962), thôn Ry, xã Vô Tranh mạnh dạn phát triển kinh tế rừng. Từ hơn 1 ha đất rừng của gia đình, hiện ông phát triển diện tích trồng và nhận chăm sóc gần 200 ha. Để nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, ông mở thêm cơ sở sản xuất gỗ bóc rộng 10 nghìn m2, tạo việc làm cho 20 lao động địa phương; tổng doanh thu hằng năm từ trồng rừng, sản xuất gỗ bóc gần 4 tỷ đồng.
Tương tự, mô hình trồng, chế biến trà hoa vàng của CCB Nguyễn Văn Lựu, thôn Nhân Lý, xã Trường Sơn; trồng đào của CCB Đào Trung Du, xã Bảo Sơn; nuôi chim bồ câu thương phẩm của CCB Nguyễn Văn Độ, thôn Kim Xa, xã Cẩm Lý… cũng được nhiều người biết đến, mang lại thu nhập từ 300 đến 500 triệu đồng/năm.
“Hiện tôi đã liên kết với 55 hộ trồng đào trong xã thành lập HTX Hoa đào xã Bảo Sơn với tổng diện tích trồng đào 15,6 ha. Dự kiến dịp Tết Nguyên đán 2025, HTX đưa ra thị trường khoảng 20 nghìn cây đào, trong đó có khoảng 70% đã được thương nhân đặt với giá từ 500 nghìn đồng đến 1,7 triệu đồng/cây”, CCB Đào Trung Du cho biết.
Kịp thời hỗ trợ hội viên nghèo
Phong trào thi đua CCB phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm các cấp hội trong huyện đều vận động hội viên đăng ký tham gia. Căn cứ nhu cầu của hội viên, Hội CCB huyện phối hợp với các đơn vị mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt; tổ chức tham quan mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi để hội viên học hỏi kinh nghiệm.
Hội CCB huyện trao tiền hỗ trợ xóa nhà dột nát cho hội viên Bùi Thanh Sài, xã Huyền Sơn. |
Từ phong trào thi đua, các cấp hội trong huyện gây quỹ được hơn 10 tỷ đồng; đứng ra nhận ủy thác hơn 84 tỷ đồng từ Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện cho hàng nghìn hội viên vay để phát triển kinh tế. Cùng đó, giai đoạn 2019-2024, Hội CCB huyện đứng ra vận động, kết nối các nguồn lực hỗ trợ xóa 43 nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình hội viên với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. CCB Bùi Thanh Sài, xã Huyền Sơn cho biết: “Được Hội CCB huyện kết nối nhà hảo tâm, tôi có điều kiện xây mới ngôi nhà rộng 60 m2 thay thế nhà cũ xuống cấp. Đây là nguồn động viên, khích lệ tôi vươn lên trong cuộc sống”.
Qua thống kê, hiện tỷ lệ hộ hội viên CCB nghèo của huyện chỉ còn 1,16%, giảm 1,17% so với năm 2019. Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2029, tỷ lệ hộ hội viên CCB nghèo còn dưới 1%, thời gian tới, Hội CCB huyện quan tâm tổ chức tư vấn, giúp đỡ, bảo đảm 100% CCB trong độ tuổi lao động, còn sức khỏe có việc làm phù hợp. Tiếp tục kết nối, hỗ trợ hội viên khai thác lợi thế, phát triển kinh tế gia đình. Đẩy mạnh phong trào thi đua CCB làm kinh tế giỏi, giúp nhau giảm nghèo; nhân rộng các mô hình, điển hình làm kinh tế giỏi.
Đồng chí Nguyễn Hữu Huân, Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: “Để hoạt động phát triển kinh tế có hiệu quả, các cấp Hội CCB trên địa bàn huyện đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích hội viên phát triển mô hình kinh tế theo lợi thế vùng miền, lấy kết quả thực hiện phong trào là tiêu chí đánh giá chất lượng, phân loại tổ chức hội, hội viên. Với những hội viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi giao hội cơ sở nắm bắt, có giải pháp hỗ trợ kịp thời; quan tâm vận động các nguồn lực để giúp hội viên vươn lên”.
Ý kiến bạn đọc (0)