Chúng tôi là đồng đội
Đứng chờ sẵn ở cổng, ông Nguyễn Văn Lượng (SN 1953) vui mừng khi thấy những người bạn đồng ngũ đến nhà chơi. Đó là các ông: Hoàng Văn Hùng (SN 1953), Nguyễn Duy Hình (SN 1953), Đồng Bá Đô (SN 1955), Đồng Bá Triệu (SN 1952) cùng ở xã An Hà (Lạng Giang). Ông Lượng phấn khởi nói: “Tôi có ấm trà thơm lắm, trái cây ngoài vườn đã hái vào rồi. Hôm nay có cả phóng viên ở Báo Bắc Giang đến thăm gia đình. Các ông vào nhà ta nói chuyện nào”.
![]() |
Các CCB: Hoàng Văn Hùng, Nguyễn Văn Lượng, Nguyễn Duy Hình (từ trái sang phải) gặp nhau ôn lại kỷ niệm chiến trường. |
Đúng lúc ấy, trên tivi chiếu hình ảnh tư liệu các binh đoàn tiến công giải phóng miền Nam, Tổng thống chính quyền Sài Gòn Dương Văn Minh đọc bản tuyên bố xin đầu hàng vô điều kiện. Các cựu binh chăm chú theo dõi, dòng ký ức cách đây mấy chục năm cứ thế ùa về.
Ông Lượng nói: “Ngày 3/9/1972, chúng tôi cùng lên đường nhập ngũ. Anh Hình ở lại miền Bắc công tác tại Bộ CHQS tỉnh Hà Bắc, còn những anh em khác thì hành quân vào Nam. Ai cũng cảm thấy vinh dự, tự hào khi được ra chiến trường, tất cả vì độc lập tự do cho nước nhà, dẫu có hy sinh”.
Vào chiến trường ác liệt, ông Hùng được phân công vào đơn vị thông tin của Trung đoàn 136. Ông Lượng là lính công binh, ông Đô là vệ binh cùng ở Trung đoàn 3; ông Triệu là lính bộ binh của Trung đoàn 1, tất cả đều thuộc Sư đoàn 324. Các ông trực tiếp tham gia nhiều trận đánh, chiến dịch.
Kể lại những ngày tháng 3/1975, theo chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn 324 phân công Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2 cơ động thọc sâu xuống vùng đồng bằng ven biển để hình thành thế bao vây địch ở phía Đông và Đông Nam, không cho địch chạy ra cửa Thuận An và Tư Hiền.
Trung đoàn 3 tiến xuống diệt căn cứ La Sơn, phối hợp với đơn vị bạn tiêu diệt địch, giải phóng Huế. Nhận lệnh lên đường, các thanh niên quê Hà Bắc cùng hàng vạn anh lính Cụ Hồ chẳng ngại hiểm nguy, ra sức chiến đấu. Chỉ trong ít ngày, tin chiến thắng đã về phía ta.
Ngày 3/9 hằng năm, các CCB tổ chức gặp mặt, cùng ăn bữa cơm và kể lại cho con cháu nghe những ngày tòng quân tham gia kháng chiến. Năm nay, mọi người đều đã trên, dưới tuổi 70, mái tóc điểm bạc, sức khỏe giảm sút. Thế nhưng, kỷ niệm về thời chinh chiến vẫn còn nguyên vẹn, mãi là động lực, niềm vinh dự, tự hào của những người lính. |
CCB Đồng Bá Triệu chia sẻ: “Ngày 27/3/1975, trong không khí vui tươi như ngày hội, chúng tôi được nghe bức điện của Quân ủy T.Ư khen ngợi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên đơn vị trước toàn quân vì đã lập nên chiến công vang dội”.
Sau chiến dịch Trị Thiên – Huế, đơn vị của các ông tiếp tục cơ động theo chỉ đạo của cấp trên. Trong lần đơn vị của ông Đô hành quân tham gia giải phóng Đà Nẵng, ông Đô gặp người anh em cùng quê Đồng Bá Triệu. Họ tranh thủ hỏi han mấy câu, dặn dò nhau khó khăn nào cũng cố gắng vượt qua và tin tưởng vào ngày toàn thắng đang đến gần.
Đất nước hòa bình, các ông tiếp tục công tác trong quân đội một thời gian, sau đó có người chuyển ngành, người xuất ngũ, nghỉ chế độ. Về địa phương, họ đều là những CCB, đảng viên gương mẫu, năng động làm giàu, đi đầu trong các phong trào, cuộc vận động. Ông Đồng Bá Đô làm Trưởng công an xã An Hà 14 năm (1995-2009), nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua. Những lúc ốm đau, hoạn nạn, các ông đều quan tâm hỏi han, thăm nom, hỗ trợ nhau về cả vật chất và tinh thần.
Ngày 3/9 hằng năm, các CCB tổ chức gặp mặt, cùng ăn bữa cơm và kể lại cho con cháu nghe những ngày tòng quân tham gia kháng chiến. Năm nay, mọi người đều đã trên, dưới tuổi 70, mái tóc điểm bạc, sức khỏe yếu hơn. Thế nhưng, kỷ niệm về thời chinh chiến vẫn còn nguyên vẹn, mãi là động lực, niềm vinh dự, tự hào của những người lính già.
Bài, ảnh: Thành Nguyên
Ý kiến bạn đọc (0)