Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi: Khẳng định bản lĩnh dám nghĩ, dám làm
Khó khăn không chùn bước
Nhắc đến CCB Nguyễn Thái Hùng (SN 1964), nhiều người dân ở thôn Cổng Châu, xã Đồng Hưu (Yên Thế - Bắc Giang) đều khâm phục ý chí vượt khó và tư duy làm kinh tế của ông.
Ông Nguyễn Thái Hùng kiểm tra chất lượng ván bóc. |
Tiếp chúng tôi tại cơ sở chế biến rộng gần 3 ha, ông Hùng kể: “Đầu năm 1982, khi đang học tại Trường Trung cấp nghiệp vụ kỹ thuật, tôi vào quân ngũ và đóng quân tại huyện Đình Lập (Lạng Sơn). Với những kiến thức đã được trang bị, tôi được biên chế tại Ban xe máy, Sư đoàn 338, chuyên bảo đảm kỹ thuật cũng như an toàn cho các chuyến xe. Sau hơn 3 năm, tôi hoàn thành nghĩa vụ rồi về công tác tại một xí nghiệp xây lắp công trình thuộc Công ty Đông Bắc và gắn bó đến năm 1994 thì nghỉ hưu”.
Trở về cuộc sống đời thường, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng nhưng không vì thế mà ông Hùng “bó tay ngắm thời cuộc”. Trăn trở tìm hướng làm giàu, việc đầu tiên ông nghĩ đến là phát huy sở trường để kiếm tiền trang trải cuộc sống, lo cho các con ăn học.
Nhận thấy nhu cầu về san lấp mặt bằng trên địa bàn lớn, ông mua thanh lý một máy ủi từ cơ quan cũ đưa về quê phục vụ bà con, mua ô tô vận chuyển nguyên liệu cho các lò vôi. Đến năm 2014, ông chuyển hướng, dành toàn bộ vốn liếng để đầu tư mở xưởng gỗ bóc bởi tại địa bàn có nguồn nguyên liệu dồi dào.
Những ngày đầu, do thiếu kinh nghiệm nên sản phẩm hư hỏng nhiều, đầu ra khó khăn, lợi nhuận thấp, thậm chí có thời điểm lỗ vốn. Vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm, xưởng chế biến gỗ của gia đình ông ngày càng lớn mạnh. Hiện trên diện tích 3 ha, ông Hùng đầu tư 2 dây chuyền bóc gỗ, sản xuất 30-35 m3 ván bóc/ngày, tạo việc làm thường xuyên cho 60 lao động địa phương. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông thu về hơn 2 tỷ đồng.
“Trước khi làm kinh tế phải tìm hiểu kỹ về ngành nghề sẽ đầu tư và quyết tâm theo đuổi dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Để đổi mới công nghệ chế biến gỗ, tôi đang đầu tư hơn 5 tỷ đồng mua máy ép gỗ và hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp. Khi đó chúng tôi có thể chế biến sâu hơn, sản phẩm từ gỗ rừng trồng đa dạng hơn”, ông Nguyễn Thái Hùng bộc bạch.
Tận dụng cơ hội để vươn lên
Hiện toàn tỉnh có 257 doanh nghiệp (DN), 87 hợp tác xã (HTX) cùng hàng trăm trang trại do CCB làm chủ. Với sự năng động, nhạy bén cùng bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ, nhiều CCB đã khẳng định được chỗ đứng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm công nhân, trong đó có không ít trường hợp là hội viên và con em CCB.
Công ty cổ phần Sông Cầu Hà Bắc tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 60 lao động địa phương. |
Trong số các DN, HTX do CCB làm chủ có 8 DN doanh thu đạt hơn 50 tỷ đồng/năm; 4 HTX, trang trại có doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm. Tiêu biểu như Công ty TNHH Xây dựng Hương Tiến kinh doanh vật liệu xây dựng tại xã Cảnh Thụy (Yên Dũng) do CCB Nguyễn Văn Sơn làm Giám đốc, thường xuyên sử dụng 130-145 công nhân, lương bình quân 13,7 triệu đồng/người/tháng; doanh hàng chục tỷ đồng/năm.
Công ty cổ phần Sông Cầu Hà Bắc do CCB Nguyễn Thanh Phong (SN 1955) ở xã Quang Châu (Việt Yên) làm Chủ tịch HĐQT. Từng là bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ rồi chiến tranh biên giới phía Bắc, trở về cuộc sống đời thường, Trung tá, CCB Nguyễn Thanh Phong nhanh chóng tiếp cận thị trường, tận dụng kinh nghiệm, kiến thức được rèn rũa trong 22 năm binh nghiệp để phát triển kinh tế.
Hiện toàn tỉnh có 257 DN, 87 HTX cùng hàng trăm trang trại do CCB làm chủ. Trong số các DN, HTX do CCB làm chủ có 8 DN doanh thu đạt hơn 50 tỷ đồng/năm; 4 HTX, trang trại có doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm. |
Theo lời ông, ngay khi rời quân ngũ, phát huy kinh nghiệm, mối quan hệ sẵn có khi công tác tại một đơn vị làm kinh tế ở vùng mỏ Quảng Ninh, ông đứng ra kết nối, tiêu thụ than cho các doanh nghiệp tại tỉnh Bắc Giang và một số địa phương khác.
Đến năm 2003, khi Nhà nước có chủ trương cổ phần hóa nhà máy phân bón Bắc Giang (nay là Công ty cổ phần Sông Cầu Bắc Giang), ông dồn toàn bộ vốn tham gia và giữ vai trò Chủ tịch HĐQT từ năm 2007 đến nay. Hiện Công ty đã dừng sản xuất phân bón, đồng thời mở rộng hoạt động trên 3 lĩnh vực: Sản xuất xi măng, gạch không nung và ống nhựa, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 60 lao động.
Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, Hội CCB các cấp đã huy động từ các nguồn vốn được hơn 1,2 nghìn tỷ đồng, đang quản lý 57 dự án kinh tế, giải quyết việc làm cho 515 nghìn lao động. Đây là một nguồn lực quan trọng để giúp CCB phát triển sản xuất, kinh doanh, có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình, giúp gần 5 nghìn hộ hội viên thoát nghèo bền vững. Nhiều DN, HTX do hội viên CCB làm chủ phát triển sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm thương hiệu có giá trị cạnh tranh.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Chủ tịch Hội CCB tỉnh nói: “Làm kinh tế như trận mạc, mỗi người phải tận dụng cơ hội để bứt phá. Bí quyết thành công của các CCB chiến thắng trên “mặt trận” kinh tế là sự chủ động vươn lên, không sợ thất bại cũng không trông chờ, ỷ lại. Đây chính là những phẩm chất cao quý của người lính Cụ Hồ”.
Bài, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)