Chọn nghề, chọn trường
Thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, kỳ thi lần này, Bắc Giang có hơn 21 nghìn thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó dự kiến khoảng 19 nghìn em nguyện vọng tốt nghiệp và tuyển sinh vào đại học. Đây là mong ước, nguyện vọng chính đáng của các em không chỉ trên hành trình chinh phục tri thức mà còn có ý nghĩa quyết định đến tương lai.
Vì vậy khi làm thủ tục đăng ký xét tuyển đại học, theo quy định hiện nay, phần lớn các em đều đăng ký nhiều nguyện vọng ở các phương thức khác nhau, không đỗ nguyện vọng 1, 2 sẽ đỗ nguyện vọng 3, 4, thậm chí là nguyện vọng thứ 9, thứ 10. Không đỗ trường A sẽ vào trường B, trượt nguyện vọng ngành C sẽ đỗ học ngành D. Vào đại học không khó nhưng theo ngành nào, trường nào lại không dễ dàng.
Trước khi chốt thứ tự ưu tiên, nhiều chuyên gia tư vấn việc chọn nghề thích hợp quan trọng nhất, sau đó chọn trường theo khả năng. Quá trình lựa chọn phải tỉnh táo để có quyết định ưu tiên phù hợp với bản thân. Ví như cùng muốn làm một công việc nhưng lực học tốt có thể vào trường tốp đầu, chưa “tới” thì đăng ký cùng khoa, ngành đó nhưng ở trường tốp sau.
Cũng có nhiều phụ huynh cho rằng mình có kinh nghiệm, “nhìn xa trông rộng” hơn nên dễ định hướng nghề nghiệp, quyết định chọn nghề cho con, vì thế dễ xảy ra xung khắc, không tìm được tiếng nói chung. Trong khi đó, nhiều bạn trẻ mong muốn theo một nghề cụ thể nhưng lại không nhận được sự ủng hộ từ phía cha mẹ.
Thực tế cũng đã có sai lầm “chọn trường có tiếng hơn là trường vừa miếng”. Đơn cử như người có 27 điểm trở lên thường có tâm lý học trường càng tốt bao nhiêu thì cơ hội việc làm càng cao bấy nhiêu, cứ phải vào các trường tốp đầu cho yên tâm. Trong khi đó, thực tế mỗi trường lại có những ngành khác nhau, mà ngành đó có thể không phù hợp với bản thân, hệ quả là rất nhiều trường hợp “đứt gánh giữa đường”, vừa lãng phí thời gian, tiền bạc, vừa vuột mất cơ hội.
Cũng có rất nhiều trường hợp đăng ký tuyển sinh đại học theo trào lưu, không tính toán kỹ mục tiêu cho tương lai, chọn ngành nghề mà nhu cầu xã hội ít, khó có thể tìm được việc làm đúng ngành đào tạo sau này.
Câu chuyện chọn ngành của một học sinh Bắc Giang mới đây đáng để suy nghĩ. Từng học chuyên Toán, theo ngành “hót” là công nghệ thông tin của Đại học Bách khoa Hà Nội nhưng đến năm thứ 3 không thấy đam mê, em bỏ học và thi vào trường khác theo ngành Vật lí yêu thích, trở thành thủ khoa đầu ra và tiếp tục theo đuổi ước mơ.
Còn có không ít cử nhân, kỹ sư ra trường không có việc làm theo đúng ngành đào tạo, thậm chí “giấu” tấm bằng đại học đi làm công nhân, lao động phổ thông để mưu sinh, lãng phí rất lớn cho bản thân và xã hội. Cũng vì thế, chọn nghề yêu thích nhưng phải hướng đến “đầu ra” sau này.
Nói như vậy để thấy việc lựa chọn nghề, chọn trường không bao giờ dễ dàng, cũng không có hướng đi đúng chung cho tất cả mọi người. Bởi vậy, trong thời điểm quan trọng này, với sự định hướng của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, con đường mà các em lựa chọn hợp lý chính là phù hợp với năng lực của bản thân, hoàn cảnh gia đình, sát với nhu cầu xã hội, niềm đam mê, yêu thích của chính các em.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)