Chia sẻ kịp thời
Mặc dù triển khai sớm nhưng lao động vẫn chưa được nhận tiền. Và như vậy, người lao động vốn đã bị ảnh hưởng do dịch Covid - 19 lại đối mặt với bao khó khăn do xăng dầu và nhiều loại giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao ảnh hưởng tới cuộc sống nhưng chính sách đến với họ rất chậm.
Được biết, hỗ trợ tiền nhà cho người lao động nhằm giảm bớt sự khó khăn chỉ là một vế của vấn đề, mặt khác sẽ góp phần quan trọng để phục hồi, phát triển KT-XH. Trước đây, gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp (DN), gói giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cũng đã thực hiện… đều nhằm mục tiêu đó. Nhưng đáng lo ngại là các gói này thường giải ngân rất chậm.
Ví như gói hỗ trợ tiền thuê nhà, theo ông Lê Văn Thanh, nguyên nhân là do các địa phương chờ nguồn kinh phí từ Trung ương, một số địa phương sợ làm sai nên rất thận trọng và nhiều nơi không biết triển khai như thế nào, người lao động chưa biết đến chính sách này. Vì vậy, hiệu quả của chính sách chưa như mong đợi.
Đáng mừng là tại Bắc Giang, tính đến ngày 30/6, UBND các huyện, TP đã tiếp nhận hồ sơ của 261 lượt DN đề nghị hỗ trợ cho gần 100 nghìn lượt lao động với số tiền 50,3 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã phê duyệt 160 lượt DN, hỗ trợ cho gần 60% số lao động trên gần 30 tỷ đồng theo quy định. Tỉnh Bắc Giang cũng là một trong số ít các địa phương trong cả nước tích cực triển khai thực hiện, có số lao động được nhận tiền thuê nhà nhiều nhất và nhanh nhất.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Trần Văn Hà, có được kết quả như vậy là do ngay khi Chính phủ ban hành Quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, UBND tỉnh đã khẩn trương xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung tuyên truyền, hướng dẫn DN, người lao động hoàn thiện thủ tục hưởng hỗ trợ.
Đặc biệt, nhằm giải quyết hồ sơ nhanh, UBND tỉnh đã ủy quyền cho cấp huyện, TP phê duyệt danh sách và trước mắt cân đối kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà cho lao động trên địa bàn. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đôn đốc các DN, phân công cán bộ liên hệ từng đơn vị để nắm tình hình, hướng dẫn thực hiện.
Cùng đó, Sở LĐTB&XH và các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, tích cực tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh. Sở LĐTB&XH còn cử 2 cán bộ đến huyện Việt Yên, nơi có nhiều DN và lao động nộp hồ sơ nhất để kịp thời thẩm định và hỗ trợ.
Rõ ràng, kinh phí hỗ trợ theo quy định với hai nhóm đối tượng gồm: Lao động đang làm việc trong DN mức 500 nghìn đồng/tháng và lao động quay trở lại thị trường lao động với mức 1 triệu đồng/tháng (tối đa 3 tháng) là không lớn nhưng với mỗi lao động trong DN, đây là số tiền rất ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn ảnh hưởng nặng nề cùng “bão” giá chưa qua. Cũng theo ông Trần Văn Hà, các đơn vị liên quan đang đẩy nhanh tiến độ để cuối tháng 7 này, 100% lao động trong quy định sẽ được hưởng hỗ trợ, trước thời hạn nửa tháng.
Trong lúc khó khăn, chính quyền luôn đồng hành, kịp thời chia sẻ với DN, người lao động bằng sự chủ động, sáng tạo trong cách làm, gắn với trách nhiệm của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị. Đây cũng chính là kinh nghiệm quý góp phần bảo vệ thành quả phát triển KT-XH của tỉnh 6 tháng đầu năm và hướng tới các mục tiêu cả năm 2022.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)