Các cơ sở y tế đầu tư hạ tầng, khắc phục quá tải giường bệnh
Không để bệnh nhân nằm ghép
Qua tìm hiểu, mỗi ngày, Trung tâm Y tế huyện Tân Yên tiếp nhận từ 400-500 lượt người đến khám, chữa bệnh. Năm 2020, mặc dù được giao chỉ tiêu 230 giường bệnh nhưng do bệnh nhân điều trị nội trú đông nên Trung tâm phải kê thêm 62 giường mới đủ chỗ nằm cho người bệnh. Một số khoa thường xuyên phải bổ sung giường điều trị nội trú như: Cấp cứu; hồi sức tích cực và chống độc; ngoại tổng hợp.
Chăm sóc người bệnh tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). |
Bác sĩ Ngô Thị Thu Hà, Giám đốc Trung tâm cho hay: Giải pháp tạm thời là kê thêm giường bệnh để bệnh nhân không phải nằm ghép tuy nhiên các buồng bệnh sẽ chật chội hơn. Hiện trung tâm đang được đầu tư xây dựng tòa nhà 7 tầng có diện tích sàn rộng 10,5 nghìn m2, quy mô 132 giường bệnh với thiết kế công năng phục vụ khoa khám bệnh và một số khoa điều trị nội trú. Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2022, qua đó giảm áp lực phải kê thêm giường bệnh.
Không chỉ ở miền xuôi mà các trung tâm y tế các huyện miền núi, vùng cao cũng phải kê thêm giường để phục vụ nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Năm 2020, Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn phải bố trí thêm 147 giường. Đến nay, đơn vị thực kê 397 giường bệnh. Được biết, tiền thân là bệnh viện khu vực, các kỹ thuật ở Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn được thực hiện theo phân tuyến tương đương tuyến tỉnh.
Gần đây, đơn vị chú trọng phát triển một số kỹ thuật mới thu hút đông người bệnh trong và ngoài huyện đến điều trị. Do số lượng bệnh nhân nội trú tăng cao, có những dịp quá tải, Trung tâm báo cáo Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh khảo sát, đánh giá thực trạng để xếp thêm giường phục vụ nhu cầu bệnh nhân.
Một số cơ sở có điều kiện vật chất tốt như Bệnh viện Sản - Nhi Bắc Giang, số giường theo kế hoạch năm 2020 là 500 giường, đơn vị cũng phải kê thêm 181 giường mới đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Chị Nguyễn Thị Liên, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) chia sẻ: “Dù phòng đông người bệnh nhưng mỗi người vẫn được nằm riêng một giường. Trước khi về đây, tôi điều trị tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương nhiều lúc vẫn phải nằm ghép với các bệnh nhân khác”.
Theo khảo sát của Sở Y tế, thời điểm này, quy mô giường bệnh thực kê tại các cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh là 5,3 nghìn giường bệnh, vượt 1.270 giường so với kế hoạch và vượt gần 1,8 nghìn giường so với quy mô thiết kế xây dựng ban đầu.
Mở rộng quy mô
Thực tế, thêm giường bệnh thì cần thêm nhân lực phục vụ, trong khi các cơ sở y tế đều chưa đủ bác sĩ, điều dưỡng theo quy định ảnh hưởng đến công tác chăm sóc bệnh nhân. Diện tích các khoa, phòng được tận dụng tối đa để kê thêm giường dẫn đến tình trạng phòng bệnh chật chội. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc bố trí thêm giường bệnh sẽ không bảo đảm quy định phòng dịch trong các cơ sở y tế.
Theo khảo sát của Sở Y tế, đến nay, quy mô giường bệnh thực kê tại các cơ sở y tế công lập trên toàn tỉnh là 5,3 nghìn giường bệnh, vượt 1.270 giường so với kế hoạch và vượt gần 1,8 nghìn giường so với quy mô thiết kế xây dựng ban đầu. |
Ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Tỷ lệ tăng giường bệnh trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh là 5,7% (tuyến tỉnh tăng 7,4%; tuyến huyện tăng 3,9%) gây quá tải cho các cơ sở y tế. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng của nhiều đơn vị được xây dựng trước năm 2000, dù đã cải tạo, nâng cấp trong giai đoạn 2006 - 2015 nhưng đến nay hầu hết đã xuống cấp. Nhất là hệ thống phòng mổ, phòng đẻ, khoa kiểm soát nhiễm khuẩn được thiết kế không phù hợp với yêu cầu về kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện.
Để khắc phục tình trạng quá tải giường bệnh, thời điểm này, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khối nhà trung tâm 15 tầng, tòa chuyên khoa đặc thù 7 tầng và khoa truyền nhiễm có thể mở rộng quy mô thêm 595 giường. Trung tâm Y tế các huyện: Tân Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa và Bệnh viện Phục hồi chức năng cũng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án mở rộng quy mô giường bệnh.
Giai đoạn 2021-2025, Sở Y tế tập trung chỉ đạo triển khai một số dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại Trung tâm Y tế các huyện: Lục Ngạn, Yên Thế, Yên Dũng, Lục Nam, Sơn Động và Bệnh viện Ung bướu. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh đạt 35,1 giường bệnh/10.000 dân (hiện tỷ lệ là 27 giường bệnh/10.000 dân)
Theo ông Thân Đức Lại, Giám đốc BHXH tỉnh, trước đề xuất tăng giường bệnh, BHXH tỉnh sẽ phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, đánh giá số lượng bệnh nhân nội trú. Đồng thời, BHXH các huyện đẩy mạnh giám sát quá trình bổ sung giường bệnh ở từng cơ sở khám, chữa bệnh, không để xảy ra tình trạng trục lợi, chỉ định quá mức cho bệnh nhân vào điều trị nội trú, kéo dài ngày nằm viện không cần thiết để thu tiền giường. Giám định viên BHYT tại các bệnh viện, trung tâm y tế tăng cường kiểm tra bệnh nhân nội trú ban đêm, nếu không ở lại viện sẽ từ chối thanh toán BHYT.
Ý kiến bạn đọc (0)