Thắp sáng niềm tin
BẮC GIANG - Bị chứng bại não, phần lớn phải ngồi xe lăn, di chuyển vô cùng khó khăn nhưng với nghị lực sống phi thường, các thành viên trong Câu lạc bộ Người trưởng thành sống chung với chứng bại não tỉnh Bắc Giang đã vượt lên số phận nghiệt ngã, viết tiếp bài ca về niềm tin vào cuộc sống.
Thử thách khắc nghiệt
Một ngày cuối tuần, khi cái "rét nàng Bân" vẫn còn vương vấn trên những con đường, khu phố, tôi tìm về nhà anh Lê Viết Thuận (sinh năm 1991) ở thôn Đông Lâm, xã Hương Lâm (Hiệp Hòa) để gặp "thủ lĩnh" của Câu lạc bộ Người trưởng thành sống chung với chứng bại não tỉnh Bắc Giang. Trong ngôi nhà nhỏ, anh Thuận ngồi trên chiếc xe lăn. Bằng giọng nói ngọng nghịu bởi di chứng bại não, anh tâm sự về hoạt động của Câu lạc bộ do mình làm chủ nhiệm.
![]() |
Anh Lê Viết Thuận (bên trái) cùng thành viên, tình nguyện viên trao đổi về hoạt động của Câu lạc bộ. |
Ngay từ khi sinh ra, Thuận đã mắc chứng bại não bẩm sinh. Chưa hết, lúc 6 tháng tuổi, tai họa bất ngờ ập đến với cậu bé. Khi đang ngủ, cây đèn dầu bị đổ làm cháy màn khiến chân Thuận bị bỏng nặng, mất hơn 70% sức khỏe. Ròng rã 9 năm, cậu bé nằm liệt một chỗ, trải qua hàng chục cuộc phẫu thuật, sau đó tập đứng trong khung tre, lết từng bước. Đến năm 10 tuổi, Thuận mới có thể tự đi lại và bắt đầu học lớp 1. Đường từ nhà đến trường dài vài cây số, mỗi lần đi học, do đôi chân yếu, Thuận hay bị ngã, đầu gối rỉ máu nhưng lại gượng dậy bước tiếp. Các ngón tay phải bị liệt, cậu học trò nhỏ dùng tay trái để viết, học sử dụng máy tính, tự phục vụ sinh hoạt.
Năm 2014, Lê Viết Thuận thi đỗ 3 trường đại học, anh đã chọn Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Khoa Công tác xã hội. "Một lần đi chợ cùng anh trai, tôi thấy một cậu bé khuyết tật ngồi xe lăn bán tăm bông, một tay cầm cái bát chìa ra để người đi chợ thả tiền ủng hộ. Hình ảnh đó tác động mạnh vào tâm trí tôi, bản thân mình cũng là người khuyết tật nên tôi quyết định chọn ngành học này với mong muốn được cống hiến công sức, trí tuệ cho hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng", anh tâm sự.
Thế nhưng số phận thật nghiệt ngã, năm 2017, sau khi tốt nghiệp đại học, một lần tập ngồi trên chiếc xe lăn điện mới mua tại sân nhà, do chưa quen sử dụng, khi bấm nút khởi động, chiếc xe lao mạnh và lật úp, anh lộn nhào theo xe. Tai nạn bất ngờ đã khiến chàng trai trẻ bị gãy 2 đốt xương sống ở vùng cổ, nằm liệt tại chỗ thời gian dài và phải ngồi xe lăn khác suốt từ đó đến nay, để lại bao ước mơ dang dở. Nhà nghèo, bố thường xuyên đau ốm, anh em đông song gia đình cố gắng chạy chữa để sức khỏe Thuận được cải thiện.
- Bị liệt, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn, bằng cách nào mà anh lại quy tụ được các thành viên để thành lập Câu lạc bộ? - tôi hỏi.
- Thời sinh viên, tôi từng làm chủ nhiệm một số câu lạc bộ khuyết tật, từ thiện, nhân đạo nên kết nối được nhiều thành viên tham gia. Được lãnh đạo Câu lạc bộ Người trưởng thành sống chung với chứng bại não Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ tỉnh định hướng, tư vấn, giúp đỡ, năm 2021, tôi đề xuất thành lập Câu lạc bộ với mong muốn kết nối những người đồng cảnh trong tỉnh để chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, tự tin hòa nhập cộng đồng - anh Thuận nói.
- Vậy hoạt động của Câu lạc bộ được tổ chức ra sao? - tôi tiếp lời.
- Chúng tôi lập nhóm Facebook, Zalo để kết nối với nhau và trao đổi nội dung hoạt động. Mỗi năm, Câu lạc bộ họp trực tiếp 4-5 lần hoặc có thể nhiều hơn tùy theo tính chất công việc, sự kiện. Mỗi khi di chuyển, các thành viên tự sử dụng xe lăn hoặc được các tình nguyện viên, người thân hỗ trợ - anh Thuận đáp.
Quan sát góc làm việc của anh Thuận, tôi thấy có nhiều bằng khen, giấy khen, giải thưởng do các cấp, ngành ở Trung ương, tỉnh trao tặng nhằm ghi nhận những công lao, đóng góp của anh trong hoạt động nhân đạo, từ thiện, xây dựng tổ chức hội. Nhờ kết nối với nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm, Câu lạc bộ có thêm nguồn kinh phí để hỗ trợ sinh kế, tặng quà cho các thành viên khó khăn, hoàn cảnh éo le. Các chương trình "Vầng trăng cổ tích", "Nâng bước chân em", Talksow "Chăm sóc thân tâm, tư vấn tâm lý" do Câu lạc bộ phối hợp tổ chức thu hút nhiều thành viên tham gia. Câu lạc bộ còn tích cực giao lưu với người khuyết tật ở nhiều nước.
Truyền cảm hứng tích cực
Khác với thành viên các câu lạc bộ khuyết tật khác, những người mắc chứng bại não phải chống chọi với vô vàn khó khăn. Bởi lẽ, hội chứng bại não ảnh hưởng tới cả vận động, trí tuệ, ngôn ngữ và khả năng nghe, nhìn. Hầu hết các hội viên bị khuyết tật nặng, không có việc làm ổn định, không được đi học nên việc tiếp cận với xã hội hầu như không có.
![]() |
Một chương trình giao lưu, gặp mặt của Câu lạc bộ Người trưởng thành sống chung với chứng bại não tỉnh Bắc Giang. |
Gần 4 năm qua, với những nỗ lực bền bỉ, Câu lạc bộ Người trưởng thành sống chung với chứng bại não tỉnh Bắc Giang đã trở thành mái nhà ấm áp, yêu thương của gần 40 thành viên đến từ nhiều địa phương trong tỉnh. Mặc dù mỗi người mỗi số phận khác nhau song tất cả có một điểm chung đó là tinh thần lạc quan, niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống, mong muốn thể hiện giá trị bản thân. Thật cảm phục biết bao khi có những thành viên suốt mấy chục năm chưa bao giờ ngồi dậy được nhưng đã viết nên câu chuyện cổ tích giữa đời thường.
Gần 4 năm qua, Câu lạc bộ Người trưởng thành sống chung với chứng bại não tỉnh Bắc Giang trở thành mái nhà ấm áp, yêu thương của gần 40 thành viên đến từ nhiều địa phương trong tỉnh. Mặc dù mỗi con người là mỗi số phận khác nhau song tất cả có một điểm chung đó là tinh thần lạc quan, niềm tin vào tương lai. |
Chị Bùi Thu Hiền (sinh năm 1994) ở xã Tiên Lục (Lạng Giang) bị chứng bại não thể nặng từ nhỏ, phải nằm yên một chỗ. Bàn tay không thể cử động, Hiền đã dùng 10 ngón chân để học đánh máy tính, sử dụng điện thoại tương tác với các thành viên trong Câu lạc bộ. Với 10 ngón chân, chị còn khéo léo đan những chiếc vòng để gửi bán ở các hội chợ, triển lãm có uy tín, lấy tiền trang trải cuộc sống.
Chị Thân Thị Biên (sinh năm 2001) ở phường Tân An (thành phố Bắc Giang) cũng bị chứng bại não phải ngồi trên xe lăn nhưng vẫn tự mày mò, học hỏi trên mạng Internet, tự làm các video về sự nỗ lực vượt khó của bản thân đăng tải trên mạng xã hội, qua đó truyền cảm hứng về nghị lực sống tới các thành viên, lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Các video này còn mang lại cho chị vài triệu đồng mỗi tháng nhờ có lượng lớn người theo dõi, tương tác.
Cũng bởi được tiếp thêm niềm tin, nhiều thành viên đã xóa bỏ mặc cảm, tạo dựng cuộc sống, tìm thấy niềm hạnh phúc mà họ không bao giờ nghĩ tới. Anh Trần Việt Hùng (sinh năm 1996) ở xã Mỹ Thái (Lạng Giang) mắc hội chứng bại não bẩm sinh, không thể tự đi lại; càng lớn, hai bàn tay càng co quắp, run rẩy. Được bố mẹ cho tham gia lớp học hòa nhập dành cho người khuyết tật, anh biết đọc, biết viết, làm được những phép tính cơ bản. Sau này, anh tự học cách sử dụng máy tính, ứng dụng công nghệ thông tin; kết hôn và sinh 2 bé gái.
Tham gia Câu lạc bộ Người trưởng thành sống chung với chứng bại não tỉnh Bắc Giang, anh Hùng tham mưu với Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ thực hiện các chương trình thúc đẩy hướng nghiệp, tạo việc làm cho thanh niên khuyết tật. Đến nay, anh tổ chức dạy online miễn phí về thiết kế đồ hoạ, chỉnh sửa ảnh, dựng video cho khoảng 30 người khuyết tật ở trong và ngoài tỉnh. Đồng thời liên kết với một số công ty giới thiệu việc làm cho học viên, trong đó, nhiều người đã có thu thập ổn định.
Ông Nguyễn Duy Bảo, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh chia sẻ: Do tính chất đặc thù của Câu lạc bộ (sức khỏe các thành viên yếu, đi lại khó khăn), việc chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ hoạt động của Hội đối với Câu lạc bộ cũng khác. Hằng năm, ngoài những chính sách của Nhà nước dành cho người khuyết tật, Hội Chữ thập đỏ tỉnh thường xuyên phối hợp với nhiều đơn vị vận động các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất như: Tặng xe lăn, đồ dinh dưỡng; tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm do các hội viên trong Câu lạc bộ tự làm...
Sắp tới, Câu lạc bộ Người trưởng thành sống chung với chứng bại não tỉnh Bắc Giang phát động cuộc thi viết với chủ đề "Ước mơ của tôi". Dự kiến, ban tổ chức sẽ chọn khoảng 100 bài viết hay, câu chuyện cảm động để in, đóng khung trưng bày ở các triển lãm trong nước như một thông điệp truyền cảm hứng, tiếp thêm nghị lực, niềm hy vọng giúp những người khuyết tật vượt qua thử thách khắc nghiệt của cuộc đời.
Ngày 18/4 hằng năm là Ngày Người khuyết tật Việt Nam, các thành viên trong Câu lạc bộ lại gặp mặt, giao lưu, chia sẻ, đón nhận những phần quà ý nghĩa; động viên nhau, viết tiếp bài ca về niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống. Xin được trích câu nói của Christopher Reeve- đạo diễn, nhà biên kịch nổi tiếng người Mỹ bị liệt tứ chi để thay lời kết bài viết: "Khi bạn chọn hy vọng, mọi thứ đều có thể".
Ý kiến bạn đọc (0)