Độc đáo giếng gỗ xoắn ốc tại Bắc Giang
BẮC GIANG - Trong quá trình cải tạo giếng làng, người dân thôn Hạc Lâm, xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã phát hiện cấu trúc vuông có kè bằng gỗ hình xoắn ốc nằm sâu trong lòng giếng.
![]() |
Người dân thôn Hạc Lâm bất ngờ khi phát hiện cấu trúc độc đáo của giếng cổ. |
Theo ông Nguyễn Thế Định, Trưởng thôn Hạc Lâm, giếng làng nằm trong quần thể di tích đình, chùa Hạc Lâm. Khi thôn cải tạo giếng đã phát hiện một cấu trúc nghi thuộc loại hình giếng vuông. Độ sâu quan sát được bằng mắt khoảng 3 m song chưa xác định được độ sâu thực tế của đáy giếng.
Trước kia, dân làng vẫn dùng nước giếng này trong sinh hoạt. Trải qua thời gian, cùng với sự phát triển kinh tế, các gia đình có nguồn nước sạch nên nhiều năm nay không còn dùng đến nước giếng; thành giếng bị lở rộng. Gần đây, thôn Hạc Lâm tiến hành cải tạo giúp không gian quần thể di tích sạch đẹp hơn. Việc phát hiện cấu trúc bằng gỗ xoắn trôn ốc ở giữa giếng là điều bất ngờ đối với người dân thôn Hạc Lâm, kể cả những người cao tuổi địa phương.
![]() |
Thành giếng có gỗ xếp hình xoắn ốc. |
Theo một cụ cao niên trong thôn, trước năm 1980, người dân vẫn lấy nước giếng để dùng hằng ngày. Mọi người đều nghĩ giếng chỉ có đáy phẳng vì chưa từng được cha ông kể lại ở giữa giếng lại có cấu trúc bằng gỗ hình trôn ốc. Vì vậy nhiều người nhận định cấu trúc gỗ này có thể có từ rất lâu đời.
Ông Lê Xuân Chu, Bí thư Đảng ủy xã Hương Lâm cho biết: “Ngay sau khi người dân thôn Hạc Lâm báo cáo sự việc lên UBND xã Hương Lâm, xã đã đề nghị người dân giữ nguyên hiện trạng, dừng việc cải tạo giếng để báo cáo, chờ chỉ đạo của cấp trên”.
Được biết, đây là loại giếng mạch đứng, được đào sâu xuống lòng đất. Nước trong mạch đứng luôn sạch hơn nước trong mạch ngang. Điều này cho thấy sự tiến bộ trong kỹ thuật đào giếng và cuộc sống văn minh của người dân trong tìm kiếm những mạch nước. Việc kè gỗ bốn bên vừa giúp thành giếng vững chắc vừa có tác dụng lọc nước, ngăn nước bẩn từ các mạch nước ngang tràn vào, giữ cho nước trong giếng luôn sạch. Dù chưa xác định được tên loại gỗ nhưng yếu tố này cho thấy kỹ thuật đào giếng đã có tiến bộ.
![]() |
Miệng giếng hình vuông. |
Cùng đó, giếng vuông được tìm thấy trong quần thể di tích đình chùa Hạc Lâm cho thấy có thể giếng còn được dùng trong các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng như nấu cơm, nấu xôi, làm cỗ, phục vụ nghi lễ.
Theo các chuyên gia nghiên cứu, giếng vuông từng được phát hiện ở một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và khu vực quanh Hà Nội. Kiểu giếng này xuất hiện ở khu vực Bắc Bộ khoảng thế kỷ thứ X-XI.
Ý kiến bạn đọc (0)