Bác Hồ viết báo và nói về nghề làm báo
Là người khai sinh ra nền báo chí nước nhà, những điều Bác Hồ nói về nghề báo đã quá nửa thế kỷ vẫn vẹn nguyên giá trị; như lời dạy bảo, lời tâm sự về nghề mà cả những người làm báo kỳ cựu nhất cũng phải lấy đó làm cẩm nang, chỉ dẫn cho mình.
Viết báo để làm cách mạng
Bác Hồ là bậc thầy vĩ đại của nền báo chí cách mạng nước ta. Tại Đại hội lần thứ hai Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 16/4/1959, Bác đã kể những chuyện về buổi đầu làm báo thật dung dị mà đáng quý. Khi ở Pháp, Bác được một công nhân làm ở Tòa soạn Báo Đời sống thợ thuyền “mách nước” là báo có mục tin tức vắn, mỗi tin chỉ ba đến năm dòng. Từ đó, Bác bắt đầu viết báo, mỗi tin viết thành hai bản, một bản gửi cho tòa soạn, một bản giữ lại. Lần đầu thấy tin được đăng, Bác vô cùng phấn khởi và mỗi lần báo đăng, Người đều đem bản giữ lại ra so, xem họ sửa chỗ nào. Sau đó, người bạn ở toà soạn ấy nói với Bác mỗi tin viết dài thêm vài dòng, lại vài dòng nữa; cứ thế đến 15, 20 dòng rồi lên cả một cột báo. Khi đó, người bạn của Bác lại bảo, “thôi bây giờ phải viết rút ngắn lại, cũng những việc như vậy, nhưng phải viết cho rõ, cho gọn”.
Những điều Bác Hồ nói về nghề báo đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. |
Sau khi viết báo thành thạo, Bác lại muốn viết tiểu thuyết, nhưng e rằng chữ “Tây” còn võ vẽ thì viết sao được. Tình cờ, Bác đọc được truyện ngắn của nhà văn Nga nổi tiếng Tônxtôi, thấy viết giản dị, dễ hiểu và nghĩ rằng mình cũng có thể viết được và thế là Người viết truyện ngắn. Sống giữa khu công nhân nghèo, Bác viết về cuộc sống cùng khổ của họ từ những điều mắt thấy, tai nghe hằng ngày. Bác đem “đứa con tinh thần” của mình đến Toà soạn Báo Nhân đạo.
Theo Bác, yêu cầu đầu tiên đối với mỗi bài báo là tính chân thực. Viết phải đúng sự thật, không bịa đặt; không nên nói ẩu; chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Người yêu cầu: “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”. |
Mấy hôm sau, truyện được đăng, Bác rất sung sướng là được trả 50 phrăng nhuận bút. Số tiền đó đủ để Bác sống 25 ngày. Sau đó, có thời gian Bác làm cả chủ bút, chủ nhiệm, giữ quỹ, phát hành và bán báo cho tờ Paria. Không chỉ nói về viết báo, Bác còn nói cách bán báo; bán cho công nhân Việt Nam, họ không biết chữ Pháp, nhưng vẫn thích mua vì biết báo này chửi Tây, mua rồi nhờ công nhân Pháp đọc. Báo ra, được Bộ Thuộc địa Pháp mua gần hết. Bác còn nhờ anh em thủy thủ Pháp chuyển báo đi các nước thuộc địa; phát báo trong các cuộc mít-tinh, nhưng vẫn được nhiều người góp tiền ủng hộ… Vậy đó, Bác viết báo là để làm cách mạng.
Khi sang Liên Xô, Bác được một phóng viên Báo Tiếng còi, dặn phải viết rõ sự thật và phải viết ngắn gọn. Khi Bác trở lại Liên Xô lần sau đó, phóng viên này lại bảo Bác viết báo và dặn, chớ viết khô khan. Phải viết cho văn chương. Vì ngày trước khác, người đọc báo chỉ muốn biết những việc thật. Còn bây giờ khác, sinh hoạt đã cao hơn, người ta thấy hay, thấy lạ, thấy văn chương thì mới thích đọc. Từ thời đó, họ đã làm báo và dặn Bác như thế. Báo phải vì bạn đọc, hướng đến bạn đọc, biết bạn đọc cần gì, thích gì.
Viết đúng sự thật, ngắn gọn, dễ hiểu
Theo các tài liệu để lại, tổng cộng, Bác viết khoảng hai nghìn bài với hàng trăm bút danh khác nhau, nhiều nhất là các bài đăng trên Báo Nhân Dân. Văn phong của Bác ngắn ngọn, nôm na, dễ đọc, dễ hiểu, nhưng tràn đầy nhiệt huyết, thôi thúc như lời hịch non sông. Bài Tìm người tài đức của Bác đăng trên báo Cứu quốc, số 411, ngày 20/11/1946 kêu gọi tìm người tài đức ra kiến thiết đất nước, nhưng chỉ có hơn chục dòng mà chứa đựng tư tưởng lớn của Người. Bài báo như một lời hiệu triệu cả dân tộc.
Mỗi bài viết, Bác sửa đi, sửa lại nhiều lần, đưa cho nhiều người xem, góp ý. Khi viết bài Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, đăng trên Báo Nhân Dân ngày 3/2/1969. Một vấn đề lớn, hệ trọng như vậy, đến nay, toàn Đảng, toàn dân ta vẫn ra sức học tập và làm theo, nhưng tác phẩm này cũng chưa đến 700 từ. Đầu đề lúc đầu Bác đặt là Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Bài viết được tác giả gửi cho nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị góp ý. Chấp nhận ý kiến của số đông với lý do là cán bộ, đảng viên ta nói chung là tốt, ưu điểm là cơ bản, Bác đã đồng ý đảo lại, đưa vế “nâng cao đạo đức cách mạng” lên trước như hiện nay, còn trong nội dung, Bác dứt khoát giữ nguyên là Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng. Bác viết báo là như thế, luôn cầu thị, lắng nghe, viết cho rõ, cho gọn, ai đọc cũng hiểu.
Theo Bác, yêu cầu đầu tiên đối với mỗi bài báo là tính chân thực. Viết phải đúng sự thật, không bịa đặt; không nên nói ẩu; chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết. Người yêu cầu: “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”; "“Nói có sách, mách có chứng”, tức là nói cái việc ấy ở đâu, thế nào, ngày nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả thế nào” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 7, NXB Chính trị quốc gia, H. 2009, tr118; tr 120). Kinh nghiệm của Bác là: “Mỗi khi viết một bài báo, thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc?”. Bác nói rõ, nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng; là tuyên truyền giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ, cho nên phải có tính chất quần chúng và tinh thần chiến đấu.
Mong báo chí nước nhà mãi tiến bộ, Bác luôn nhắc nhở việc nhà báo làm chưa tốt, như thường viết dài, “dây cà dây muống và hình như viết là để đếm dòng lấy tiền, có những bài nhạt nhẽo thế nào ấy. Còn viết về chính trị thì khô khan và có hai cái tệ: Một là rập khuôn, hai là dùng quá nhiều chữ nước ngoài”; không hợp với trình độ và thời gian của quần chúng; thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít, hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm; đưa tin tức hấp tấp...
Viết báo là một nghề cao quý và những người làm báo chân chính luôn được xã hội kính trọng, song để trở thành nhà báo có tên tuổi thì quả thật không dễ.
Được nghe những câu chuyện Bác viết báo và nói về nghề báo, những người cầm bút hiện nay càng thấy thấm thía biết bao, còn phải học Bác nhiều lắm; viết báo không phải là muốn làm cái gì đó để “lưu danh thiên cổ”, mà là để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng như Người đã căn dặn.
Bắc Văn
Ý kiến bạn đọc (0)