Bắc Giang: Giữ ổn định diện tích, tăng giá trị cây vụ đông
![]() |
Thu hoạch khoai tây tại xã Đại Hóa (Tân Yên). |
Do thời tiết đầu vụ có mưa gây khó khăn cho làm đất dẫn đến một số cây trồng vụ đông ưa ấm như lạc, ngô, khoai lang không đạt chỉ tiêu về diện tích song các địa phương quyết liệt chỉ đạo, khuyến cáo, nông dân đã bổ sung, bù bằng rau màu ưa lạnh. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và PTNT), đến nay toàn tỉnh Bắc Giang trồng được hơn 22 nghìn ha cây vụ đông, đạt kế hoạch đề ra. Qua đánh giá, sản phẩm được mùa, tiêu thụ thuận lợi.
Tìm hiểu tại thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) được biết, vốn là vùng trồng hành thâm canh có tiếng trong tỉnh, người dân nơi đây đã năng động đa dạng cơ cấu cây trồng. Ngoài hành, vụ này bà con trồng nhiều loại rau xanh khác như: Súp lơ, su hào, cải bắp, ngô ngọt song diện tích trồng cây vụ đông của thôn không còn nhiều như trước. Tuy nhiên, những người có kinh nghiệm, yêu nghề nông vẫn chú trọng trồng màu, có lợi nhuận cao.
Ngưng tay tưới rau trên thửa ruộng của gia đình, ông Tô Văn Bình, người dân trong thôn nói: “Thương nhân đã mua hành tại thôn từ hàng chục năm qua nên khi chúng tôi trồng cây khác họ vẫn biết đến, tiêu thụ cho người trong làng. Nhà tôi vừa bán một ruộng sào su hào với giá 4-6 nghìn đồng/củ, trừ chi phí thu về hơn 5 triệu đồng. Hiện gia đình vẫn còn 4 sào súp lơ, su hào nữa để bán dịp Tết”. Theo ông Bình, bí quyết giảm chi phí trong trồng rau màu, tạo sản phẩm an toàn, chất lượng là bón phân hữu cơ.
![]() |
Người dân thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) chăm sóc lứa rau để bán Tết. |
Ông tận dụng nước, chất thải đã được xử lý qua hầm khí biogas ở trang trại chăn nuôi gia súc trên địa bàn bón cho cây trồng. Bằng cách này, cây tăng sức đề kháng, giảm sâu bệnh, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật, đất cũng được cải tạo và rất ít phải dùng phân bón vô cơ.
Theo đại diện lãnh đạo xã Nghĩa Trung, không chỉ Tĩnh Lộc, một số thôn của xã năm nay bà con còn trồng rau màu, hoa lay ơn để tăng thu nhập. Diện tích vụ đông của xã đạt khoảng 80 ha, giảm một nửa so với những năm trước nhưng nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm được giá nên giá trị cây vụ đông vẫn tương đương những năm trước.
Tại các vùng trồng cây vụ đông thâm canh trong tỉnh như: Tiên Lục (Lạng Giang); Bảo Đài, Chu Điện (Lục Nam); Cao Xá, Đại Hóa (Tân Yên); Cảnh Thụy (Yên Dũng); Hoàng Lương (Hiệp Hòa)… nông dân cũng phấn khởi do nông sản được giá, thu nhập cao. Khảo sát cho thấy, khoai tây có giá 10-12 nghìn đồng/kg; cà chua 8-10 nghìn đồng/kg; đậu cô ve 12-15 nghìn đồng/kg, đầu mùa lên tới 20 nghìn đồng/kg; su bào 4-7 nghìn đồng/củ…
Thống kê của cơ quan chuyên môn, đến nay toàn tỉnh thu hoạch được hơn 40% tổng diện tích cây vụ đông. Điển hình, mới đây, mô hình trồng hơn 20 ha khoai tây tại thôn Đồi Thông, xã Đại Hóa (Tân Yên) được thu hoạch, người trồng thu lãi hơn 100 triệu đồng/ha sau hơn 2 tháng xuống giống. Hay mỗi ha đậu cô ve thu lãi gần 150 triệu đồng; rau cần lãi 130 triệu đồng/ha/lứa. Tổng giá trị cây vụ đông đến ngày 25/12 đạt khoảng 800 tỷ đồng, ước cả vụ đạt hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với năm trước.
Ông Trần Văn Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: “Xu hướng diện tích cây vụ đông ngày càng giảm do thiếu nhân lực nên quan điểm chỉ đạo của ngành là mấu chốt cần quan tâm giá trị canh tác, không nặng mục tiêu về diện tích. Vì vậy, việc khuyến cáo, hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất được chú trọng đã góp phần tăng hiệu quả cây vụ đông”.
Thống kê của cơ quan chuyên môn, đến nay toàn tỉnh thu hoạch được hơn 40% tổng diện tích cây vụ đông. Tổng giá trị cây vụ đông đến ngày 25/12 đạt khoảng 800 tỷ đồng, ước cả vụ đạt hơn 1,6 nghìn tỷ đồng, tăng 200 tỷ đồng so với năm trước. |
Cũng theo ông Tú, bên cạnh định hướng của ngành, nhiều cơ chế, chính sách được triển khai đã tạo động lực, khuyến khích nông dân tích cực đầu tư, thâm canh cây trồng như: Hỗ trợ sản xuất rau an toàn; hỗ trợ hạ tầng các hợp tác xã nông nghiệp; hỗ trợ liên kết sản xuất hay sản xuất thành vùng tập trung… Đặc biệt, những nông dân còn bám trụ với đồng ruộng, trồng cây vụ đông đa phần năng động, giỏi nghề và nhạy bén với thị trường.
Cụ thể, người dân bố trí trồng rau, củ, quả thành nhiều lứa, rải vụ, không dồn vào cùng thời điểm đã giảm áp lực tiêu thụ, nâng giá bán. Sản phẩm từng bước có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Hiện nay, Bắc Giang có hàng trăm mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, riêng vụ đông này toàn tỉnh có hơn 170 mô hình nhà màng, nhà lưới, tăng gần gấp đôi so với năm trước.
Bình quân mỗi nhà hơn 2 nghìn m2 trồng dưa lưới, dưa chuột baby, dưa cải, rau cải bó xôi, hoa ly, hoa lan... Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần nâng giá trị sản xuất vụ đông.
Dự báo thời gian tới xuất hiện vài đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sản xuất. Để bảo đảm năng suất, sản lượng và giá trị cây trồng, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các huyện, TP chủ động theo dõi diễn biến thời tiết, đề xuất các giải pháp kỹ thuật để ứng phó với điều kiện thời tiết bất thuận. Trong đó, chú trọng bảo đảm nước tưới, chống rét và phòng trừ sâu bệnh cho rau, màu.
Trường Sơn
Ý kiến bạn đọc (0)