Chơi đào Tết
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: “Phải cấm tuyệt đối việc chặt hoa đào, các loại cây khác của núi rừng, nhất là núi rừng Tây Bắc mang về Hà Nội bán dịp Tết.
Trên các bờ đê, đường phố, các cây đào rừng đẹp như vậy bị chặt về bày la liệt, bán không được thì làm củi, như vậy làm sao còn một nông thôn miền núi rừng đẹp? Các địa phương phải tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp chặt đào rừng chở về xuôi để chơi Tết”.
Với chỉ đạo này của Thủ tướng, có thể hiểu Chính phủ cấm chặt đào tự nhiên mang về chơi Tết, chứ không cấm mua bán đào do người dân trồng như nhiều người lo lắng và bàn luận râm ran trên mạng xã hội. Việc này cũng cần thiết khi tình trạng chặt phá rừng diễn ra nghiêm trọng núp bóng dưới nhiều hình thức.
Giải thích rõ hơn về điều này, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói chỉ đạo của Thủ tướng nhằm cấm chặt phá đào rừng tự nhiên mang về thành phố chơi Tết. "Còn người dân miền núi hay miền xuôi trồng được đào để bán dịp Tết thì cần khuyến khích, vì vừa để người dân có cây đẹp chơi Tết, vừa góp phần tăng thu nhập cho người trồng"- ông Dũng nói.
Thực tế nhiều năm qua, tình trạng những gốc đào khủng được dân chơi đào cưa ngang thân, thậm chí bứng cả gốc mang về trưng Tết không hiếm. Nó phục vụ cho thú chơi độc, lạ của người nhiều tiền; vì thế mà nhiều vạt đào rừng, đào cổ thụ chỉ qua Tết là biến mất, ảnh hưởng không nhỏ đến cảnh quan và môi trường sinh thái.
Vấn đề đặt ra là làm sao để phân biệt đào rừng với đào vườn, đào Tây Bắc với đào đồng bằng, để không ảnh hưởng tới người trồng đào? Trả lời báo chí, ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá thực hiện "không khó". Bởi các văn bản pháp luật đã quy định chặt chẽ việc chặt phá cây rừng nói chung, trong đó có đào rừng và các loại cây khác đã có, chỉ cần các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng là được.
Có thể nói việc cấm chặt phá đào rừng mang về chơi Tết là cần thiết, tuy nhiên, phải cấm tận gốc, tức là cấm nơi đầu nguồn, chứ một khi đã chặt hạ rồi, mang về xuôi bán, phạt cũng không có ích gì. Quan trọng nữa, những người trồng đào, đặc biệt là bà con vùng cao trồng đào ở các bìa rừng, vạt đồi hoàn toàn vẫn có thể mang đào đi bán, kiếm thêm thu nhập chính đáng. Bởi đào là loại cây dễ trồng, phát triển nhanh, chặt cành vẫn còn hoa chơi, đào cây đi thì trồng cây khác, cây rất mau lớn.
Không lo không có đào chơi Tết. Thủ tướng cấm là cấm chặt đào rừng, ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường chứ không cấm đào vườn mang đi bán. Và hơn hết, việc này cũng là một bước hướng tới việc trồng mới một tỷ cây xanh, tăng cường bảo vệ rừng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Hồng Tâm
Ý kiến bạn đọc (0)