Bắc Giang: Bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết
Tích cực chuẩn bị nguồn hàng
Những ngày này, công nhân HTX Rau sạch Yên Dũng đang khẩn trương làm đất, xuống giống các loại rau, củ, quả đáp ứng hợp đồng tiêu thụ đã ký kết. Năm nay, ngoài trồng 60 ha rau màu trên diện tích hiện có của mình, HTX còn liên kết sản xuất 10 ha với nông dân một số xã như: Cảnh Thuỵ, Tiền Phong (cùng huyện Yên Dũng).
Sản xuất xúc xích từ thịt lợn tại cơ sở chế biến của HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh. |
Chị Trần Thị Thu Trang, Phó Giám đốc HTX cho biết, để tăng sức cạnh tranh trên thị trường, năm nay, cùng với các loại rau, củ, quả truyền thống như: Dưa chuột, rau cải các loại, HTX lựa chọn trồng những cây có giá trị kinh tế cao như: Súp lơ san hô, củ cải đỏ.
Theo chị Trang, những loại rau này ngoài bán trong các siêu thị còn làm quà biếu dịp Tết. “Để khắc phục khó khăn khi giá phân bón công nghiệp tăng cao, chúng tôi chuyển sang dùng phân hữu cơ là chính, vừa giảm chi phí sản xuất lại giúp đất tơi xốp để trồng tiếp các vụ sau”, chị Trang nói.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Giang, vụ đông năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 2,5 nghìn ha, tăng 500 ha so với năm ngoái. Đến thời điểm này, các địa phương đã xuống giống khoảng 85% diện tích. Hiện ngành chức năng đang tích cực đôn đốc bà con khẩn trương xuống giống, sản xuất theo hướng VietGAP, bảo đảm kế hoạch, chất lượng hàng hoá. Sản lượng rau, quả vụ đông đủ cung ứng cho người dân trong tỉnh dịp Tết, 45% sản lượng còn lại xuất bán, cung ứng cho thị trường nhiều tỉnh, TP trong khu vực.
Dù ngành chăn nuôi đang gặp nhiều khó khăn vì giá thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng cao nhưng các chủ trang trại, DN chăn nuôi lợn, gia cầm vẫn tích cực chuẩn bị nguồn hàng, chăm sóc vật nuôi để phục vụ thị trường trước, trong và sau Tết. Tìm hiểu tại Tân Yên, huyện trọng điểm chăn nuôi lợn của tỉnh, ông Lê Văn Vượng, thôn Bằng Cục, xã Ngọc Châu cho biết, dù giá TACN tăng, trong khi giá lợn hơi xuống thấp, gia đình ông vẫn nuôi 200 con lợn thịt để phục vụ dịp Tết.
Người dân thôn Ngò 2, xã Đồng Kỳ (Yên Thế) chăm sóc lứa gà bán dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. |
Ông Vượng chia sẻ: “Việc tiêu thụ lợn đang gặp khó nên tận dụng thời điểm này tôi thay thế đàn lợn nái 50 con. Mục đích loại bỏ số lợn nái đã kém chất lượng, đồng thời giảm lợn con sinh ra vì không đủ kinh phí nuôi. Khi giá TACN hạ, tôi lại tiếp tục tăng đàn”.
Cùng với các trang trại, DN sản xuất rau màu, chăn nuôi, hiện một số HTX trong tỉnh, như: HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế, HTX Nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, HTX Chăn nuôi và dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm đang tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn hàng chế biến: Sản xuất giò, chả, xúc xích, thịt lợn hun khói từ thịt gà, lợn với tổng lượng sản phẩm dự kiến khoảng 2 tấn/ngày để bán trong dịp Tết sắp tới.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, đàn gia cầm của tỉnh hiện có 19,22 triệu con, đạt 98,6% kế hoạch năm 2021 nhưng tăng khoảng 1 triệu con so năm 2020. Với lượng gia cầm này, tỉnh đủ nguồn hàng cung ứng cho thị trường.
Hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản cho người dân
Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán tới, toàn tỉnh sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 45 nghìn tấn thịt hơi các loại (tương ứng với gần 1/4 tổng sản lượng thịt hơi của Bắc Giang năm 2021), gần 11 nghìn tấn thủy sản, hơn 200 nghìn tấn rau và hơn 50 nghìn tấn cam, bưởi. Từ 45-60% lượng sản phẩm này (tùy từng loại sản phẩm) cung ứng ra ngoại tỉnh.
Giúp người dân tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch Covid-19, ngày 10/10/2021, UBND tỉnh ban hành kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp Bắc Giang lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn. Các sàn này đang phát huy hiệu quả với số lượng sản phẩm được tiêu thụ đạt hàng trăm tấn.
Dự kiến từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, toàn tỉnh sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 45 nghìn tấn thịt hơi các loại (tương ứng gần 1/4 tổng sản lượng thịt hơi của Bắc Giang năm 2021), gần 11 nghìn tấn thủy sản, hơn 200 nghìn tấn rau và hơn 50 nghìn tấn cam, bưởi… |
Nhằm hỗ trợ ngành chăn nuôi trong nước trước sức ép của việc tăng giá nguyên liệu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11 (có hiệu lực từ ngày 30/12/2021) sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2020 của Chính phủ về biểu thuế xuất, nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.
Theo đó, Chính phủ sẽ giảm mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) của lúa mỳ và ngô từ 3% và 5% xuống 0%. Đây là 2 nguyên liệu chính để sản xuất TACN, dự báo trong thời gián tới giá TACN sẽ giảm.
Trước mắt, để chủ chăn nuôi hạn chế thấp nhất thiệt hại, bảo đảm nguồn cung thực phẩm dịp Tết, Sở Nông nghiệp và PTNT có văn bản khuyến cáo người dân chọn mua con giống sạch bệnh tại các cơ sở an toàn dịch bệnh; tận dụng các nguyên liệu sẵn có như: Bột sắn, cám gạo, bỗng rượu, rau xanh, rơm rạ phối chế bằng hình thức ủ men vi sinh… thay thế một phần TACN công nghiệp.
Đặc biệt, các hộ phải thực hiện chăn nuôi sạch, an toàn dịch bệnh để có nguồn thực phẩm tốt nhất cung ứng ra thị trường. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần sâu sát cùng các địa phương phòng, chống dịch Covid-19, dịch bệnh trên đàn vật nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, kiểm soát vận chuyển, bảo đảm thị trường nông sản lưu thông an toàn.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)