Bán nông sản từ xa
Theo đó, Sở Công Thương và các ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ lực, đặc trưng. Dự kiến ngày 11/11 tại huyện Lục Ngạn, UBND tỉnh tổ chức hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu ở các huyện, TP trong tỉnh, Sở Công Thương của nhiều tỉnh, TP và khoảng 100 điểm cầu tại các sàn thương mại điện tử, trung tâm thương mại, siêu thị, kênh phân phối, doanh nghiệp, thương nhân chuyên kinh doanh, tiêu thụ nông sản ở các tỉnh, TP trong cả nước.
Bắc Giang có nhiều loại nông sản chủ lực, đặc trưng với sản lượng lớn, thị trường tiêu thụ rộng, trong đó cam, bưởi, lợn, gà đã đến kỳ thu hoạch, cần nhanh chóng đưa đến tay người tiêu dùng.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 trong cả nước nói chung và tại tỉnh diễn biến phức tạp, nhiều địa bàn bị cách ly, phong tỏa; lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh, TP còn nhiều khó khăn, ách tắc, việc chủ động xúc tiến tiêu thụ nông sản trực tuyến không những nhằm bảo đảm an toàn trong công tác phòng, chống dịch mà còn tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa, bảo vệ và kịp thời hỗ trợ bà con trong tỉnh phát triển sản xuất nông nghiệp. Thực tế việc bán nông sản từ xa, đưa sản phẩm lên sàn thương mại đã được các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện trong niên vụ vải thiều vừa qua.
Kinh nghiệm cho thấy, nhờ sự chủ động, tích cực từ khâu sản xuất ra sản phẩm bảo đảm an toàn, chất lượng cao, đến kết nối với các thị trường trong nước và xuất khẩu, phát huy hiệu quả phương thức tiêu thụ vải thiều qua các kênh thương mại điện tử, trực tuyến tới các đầu mối phân phối, thậm chí hỗ trợ người dân bán vải online… đã mang lại kết quả cao. Vải thiều Bắc Giang vượt tâm dịch Covid-19 tiêu thụ thành công. Lục Ngạn không những được coi là “thủ phủ” của vải thiều mà nơi đây còn có vựa cam, bưởi lớn nhất tỉnh với sản lượng năm nay ước đạt hơn 60 nghìn tấn.
Theo ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, lường trước những khó khăn do dịch bệnh, huyện đã sớm có phương án hỗ trợ bà con tiêu thụ cam, bưởi trong các tình huống. Từ bài học tiêu thụ vải thiều, huyện vẫn chú trọng hình thức bán cam bưởi trực tuyến tập trung vào các trung tâm thương mại, đầu mối lớn ở Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai; cung ứng cho các tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam như: GO, SaiGon.Coop, Happro, Vinmart; đẩy mạnh quảng bá, bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử: Dacsanlucngan.com, Voso (Viettelpost), Lazada, Postmart (Vnpost)…
Rõ ràng, trước biến động khó lường của dịch bệnh Covid-19, nhiều tỉnh, TP trong cả nước đã chủ động tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại trực tuyến quy mô lớn, nỗ lực đưa nông sản lên các kênh thương mại điện tử, chuyển đổi phương thức tiêu thụ nông sản nói riêng và sản phẩm đặc trưng từ kênh truyền thống qua sàn giao dịch, trực tuyến là cấp thiết, phù hợp xu hướng chuyển đổi số.
Nhờ sự chủ động vào cuộc của chính quyền địa phương và ngành chức năng trong tiêu thụ nông sản, hy vọng phương thức bán hàng từ xa tiếp tục phát huy hiệu quả, giúp người dân trong tỉnh gặt hái thành công trong năm đầy biến động của dịch bệnh này.
Bảo Khánh
Ý kiến bạn đọc (0)