Mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản dịp cuối năm
Tăng sản lượng
Bắc Giang nằm trong tốp đầu miền Bắc về sản lượng rau màu, trái cây. Ngành chăn nuôi cũng nằm trong tốp 10 cả nước, với tổng sản lượng thịt hơi đạt bình quân gần 300 nghìn tấn/năm. Nông sản của Bắc Giang chủ yếu được sản xuất theo hướng VietGAP, GlobalGAP và hữu cơ nên chất lượng khá cao.
Chăn nuôi lợn thương phẩm tại Công ty TNHH Hải Thịnh. |
Do đó, sản xuất, chế biến nông sản của tỉnh có cơ hội phát triển mạnh. Thời điểm này, dịch Covid-19 tại Bắc Giang cơ bản được kiểm soát, các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được người dân, các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh.
Chị Hán Thị Thanh, chủ trang trại gà, thôn Ao Gạo, xã Cảnh Thuỵ (Yên Dũng) cho biết, hơn 2 tháng trước nhiều bếp ăn công nghiệp đóng cửa vì dịch Covid-19 nên chị chỉ bán được dưới 4 nghìn quả trứng/ngày (đạt 50% sản lượng so với trước dịch) với mức giá hòa vốn. Nay nhiều xưởng sản xuất và chợ đầu mối hoạt động trở lại, giá trứng tăng nên chị đẩy sản lượng lên 5,5-6,5 nghìn quả trứng/ngày, tiếp tục tăng trong dịp cuối năm bởi có nhiều khách hàng đặt trước.
Tìm hiểu tại Công ty TNHH Hải Thịnh (huyện Hiệp Hòa), ông Lê Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty cho biết, hiện DN đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm cung ứng ra thị trường hơn 220 tấn lợn hơi/tháng.
“Dự báo từ nay đến cuối năm giá thực phẩm các loại sẽ tăng, bởi nhiều tỉnh phía Nam và Hà Nội đang gặp khó khăn trong sản xuất. Đây là cơ hội cho hàng nông sản của Bắc Giang chiếm lĩnh thị trường”, ông Hưng nhận định. Chính vì vậy, năm nay DN này đã liên kết sản xuất thêm 300 nghìn gà đẻ trứng, 200 nghìn gia cầm thương phẩm. Từ nay đến cuối năm Công ty sẽ xuất chuồng khoảng 70 nghìn con gia cầm các loại.
Cùng với chăn nuôi, các địa phương có diện tích rau màu lớn trong tỉnh, như: Hiệp Hòa, Yên Dũng, Lạng Giang, Lục Nam… nông dân đang tập trung thu hái rau màu vụ mùa và chuẩn bị cho vụ đông. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, Bắc Giang có tổng diện tích cây rau quả thực phẩm các loại trong vụ mùa và vụ đông đạt khoảng 19 nghìn ha.
Tổng sản lượng rau, củ, quả 2 vụ này đạt khoảng 340 nghìn tấn. Trong đó, tiêu thụ nội tỉnh khoảng 70%, còn lại bán sang các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Hà Nam... Từ nay đến cuối năm, Bắc Giang sẽ xuất bán hơn 60 nghìn tấn cam, bưởi và na. Ước sản lượng rau cung ứng cho thị trường Hà Nội chiếm khoảng 30-40% sản lượng rau tiêu thụ ngoài tỉnh; quả chiếm 60-70% sản lượng tiêu thụ ngoài tỉnh.
Dự kiến 4 tháng cuối năm, toàn tỉnh sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 52,62 nghìn tấn thịt hơi các loại (tương ứng với 1/4 tổng sản lượng thịt hơi của Bắc Giang năm 2021) và 16 nghìn tấn thủy sản. Trong đó, sản lượng thịt hơi tiêu thụ ngoài tỉnh chiếm 50%, thủy sản chiếm 80%.
Khắc phục khó khăn, tương trợ Hà Nội
Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp Bắc Giang đang đối mặt với khó khăn lớn đó là: Thiếu nhân lực sản xuất; giá vật tư phân bón, thức ăn chăn nuôi (TACN) cao (tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái), trong khi giá một số nông sản: Rau, quả, nhất là thịt lợn, gà giảm gây khó khăn cho người dân và DN.
Dự kiến 4 tháng cuối năm, toàn tỉnh sẽ cung ứng ra thị trường khoảng 52 nghìn tấn thịt hơi các loại; 16 nghìn tấn thủy sản; 340 nghìn tấn rau, củ, quả và hơn 60 nghìn tấn cam, bưởi, na. |
Dù vậy, thực hiện đề nghị của TP Hà Nội về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu ứng phó diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn, đã có 82 DN, HTX, THT và cơ sở sản xuất chế biến nông sản, thực phẩm tại Bắc Giang đăng ký cung ứng hơn 17,5 nghìn tấn sản phẩm/tháng cho Hà Nội. Trong đó, Công ty TNHH Hải Thịnh đăng ký cung ứng 220 tấn lợn hơi, cơ sở sản xuất của hộ chị Hán Thị Thanh đăng ký cung ứng 180 nghìn trứng gia cầm cùng hàng chục THT, HTX, DN đăng ký cung ứng nông sản cho Hà Nội.
Để bảo đảm nhu cầu thực phẩm trong tỉnh và cung ứng cho Hà Nội cùng các tỉnh lân cận những tháng cuối năm, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp đã chủ động các phương án sản xuất.
Trước mắt, tập trung cao cho vụ đông xuân; cơ cấu lại cây trồng rau, quả theo hướng vận chuyển thuận lợi và bảo quản được thời gian dài, như: Bầu, bí, khoai tây...; chuẩn bị đủ nguồn cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, TACN; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và đẩy mạnh tái đàn vật nuôi; tăng cường kiểm tra, tránh tình trạng nâng giá vật tư nông nghiệp trục lợi.
Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Bắc Giang đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT kiến nghị với Chính phủ cần có biện pháp cấp bách giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu TACN, hỗ trợ tín dụng, lãi suất ngân hàng cho các cơ sở sản xuất để giảm chi phí đầu vào”.
Sở tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt các chương trình, đề án, chính sách... hỗ trợ sản xuất nông nghiệp đã được phê duyệt, bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, góp phần khích lệ nông dân giảm bớt khó khăn, yên tâm sản xuất.
Cùng đó, tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của Tổ chỉ đạo sản xuất và hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong tình hình dịch bệnh Covid-19. Tiếp tục xây dựng chính sách hỗ trợ sản xuất và tổ chức kết nối giữa THT, HTX, DN và các đầu mối để tiêu thụ nông sản cho bà con.
Đồng thời, tiếp tục đổi mới tiêu thụ theo hình thức kết nối qua mạng xã hội, các sàn giao dịch thương mại điện tử; mời gọi các tập đoàn bán lẻ, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối các tỉnh, thành phố tham gia tiêu thụ nông sản; tạo điều kiện cho các THT, HTX, DN tham gia chuỗi giá trị nông sản.
Với các biện pháp cụ thể, ngành Nông nghiệp Bắc Giang sẽ bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người dân trong dịp cuối năm.
Bài, ảnh: Thế Đại
Ý kiến bạn đọc (0)