Chủ động tái sản xuất, lưu thông nông sản, bảo đảm nguồn phục vụ Tết Nguyên đán 2022
Phát biểu mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nhấn mạnh, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp thời gian qua đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất, lưu thông, tiêu thụ nông sản của ngành nông nghiệp trong nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề xuất các kế hoạch, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong điều kiện dịch bệnh, chuẩn bị sản xuất trong giai đoạn tiếp theo. Từ nay đến cuối năm tập trung thực hiện kế hoạch phục hồi sản xuất, bảo đảm đủ nguồn hàng cung ứng trong dịp Tết.
Quang cảnh tại điểm cầu Bắc Giang. |
Báo cáo tại hội nghị, đại diện lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, năm 2021, dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế nhiều nước là đối tác của Việt Nam. Ở trong nước, dịch Covid-19 đã và đang tác động tới tình hình KT-XH. Hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa tại một số ngành, lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông, lâm, thủy sản ước đạt trên 60,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 32,13 tỷ USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm ngoái; nhập khẩu ước khoảng 28,8 tỷ USD, tăng 44,1% so với cùng kỳ năm ngoái; xuất siêu nông sản chỉ đạt khoảng 3,35 tỷ USD, giảm 48,2% so với cùng kỳ năm trước. Từ tháng 7/2021, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh trọng điểm về nông nghiệp phía Nam nên tác động xấu đến sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.
Theo đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT, mặc dù sản xuất nông nghiệp 8 tháng đầu năm cơ bản chủ động được nhu cầu lương thực, thực phẩm hiện tại của người dân. Tuy nhiên tại các địa phương khâu lưu thông, vận chuyển nông sản và vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ ngay để bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng cho nhân dân từ nay đến Tết Nguyên đán 2022.
Phát biểu thảo luận tại hội nghị, các đại biểu nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, tiêu thụ, chế biến, lưu thông nông, lâm, thủy sản. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp xuất khẩu nông sản trong điều kiện dịch Covid-19. Trong đó, các cấp bộ, ngành và địa phương tập trung tạo điều kiện cho phương tiện chở nông sản lưu thông nhanh chóng; giảm áp lực về giá cước vận chuyển, đầu tư kho lạnh bảo quản sản phẩm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin đăng ký trực tuyến xuất khẩu hàng hóa…
Đại diện tỉnh Lạng Sơn đề nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) Việt Nam quảng bá sản phẩm nông, lâm, thủy sản cũng như nắm bắt thông tin về các quy định, chính sách nhập khẩu nông sản của Trung Quốc. Tỉnh Lạng Sơn cũng đề nghị các đơn vị cần thúc đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động thương mại biên giới để tiết giảm chi phí và tối ưu hóa nguồn lực xuất khẩu.
Phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang, đồng chí Phan Thế Tuấn nhấn mạnh, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 nhưng 8 tháng đầu năm nay kinh tế của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá cao, phục hồi nhanh, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tháng 8 ước đạt 27.500 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.
Bắc Giang đứng thứ 4 toàn quốc về tổng đàn gà, lợn; có vùng trồng vải thiều chuyên canh đứng thứ nhất cả nước với hơn 28 nghìn ha. Đặc biệt, vụ vải thiều vừa qua diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ. Bằng các biện pháp tích cực và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, địa phương, việc tiêu thụ vải thiều vẫn diễn ra thuận lợi, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu tại điểm cầu Bắc Giang. |
Kết luận hội nghị, đồng chí Lê Văn Thành ghi nhận cố gắng của nhiều địa phương trong công tác ngăn chặn dịch bệnh Covid-19 để duy trì sản xuất, kinh doanh phù hợp, hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất. Một số tỉnh, TP đã có giải pháp, định hướng đẩy lùi dịch bệnh để phát triển sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và DN, Chính phủ sẽ nghiên cứu, xem xét và sớm ban hành Chỉ thị phù hợp để thực hiện trong thời gian tới.
Đồng chí đề nghị, các địa phương phải bảo đảm lưu thông hàng hóa theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, không ban hành thêm các quy định mới. Trong quá trình lưu thông hàng hóa tuyệt đối không để dịch bệnh lây lan.
Các tỉnh, TP yêu cầu DN nông, lâm, thủy sản xây dựng cụ thể kế hoạch khôi phục sản xuất phù hợp với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Các DN có thể cho công nhân ở vùng xanh đi về, không cần thực hiện "3 tại chỗ"; bố trí tiêm đầy đủ vắc-xin và lấy mẫu xét nghiệm đúng quy định cho người lao động. Các tỉnh, TP xây dựng kế hoạch tái đàn sản xuất giúp người dân, DN hoạt động hiệu quả, bảo đảm nguồn cung cho dịp Tết Nguyên đán 2022.
Bộ Nông nghiệp và PTNT khẩn trương đôn đốc các địa phương thực hiện kế hoạch nuôi trồng theo đúng kế hoạch xây dựng từ đầu năm. Trong đó, địa phương vùng dịch sẽ kết hợp với nơi không có dịch cùng sản xuất để bảo đảm số lượng hàng hóa phục vụ Tết. Các địa phương phối hợp thu hoạch, tiêu thụ nông sản đúng mùa vụ, ưu tiên phục vụ thị trường nội địa.
Bộ Công Thương phối hợp Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính đưa nông sản sang thị trường Trung Quốc một cách thuận lợi nhất. Các bộ, ngành liên quan chủ động xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn các tỉnh, TP sản xuất, tiêu thụ nông sản phù hợp. Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ về vốn cho DN sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản vượt khó.
Tin, ảnh: Hoàng Phương
Ý kiến bạn đọc (0)